Ngôi đình cổ "linh thiêng"
Làng Thạch Tân, cùng với làng Vĩnh Bình của xã Tam Thăng, đã lập nên một kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là, chỉ chưa đầy 2 năm, từ tháng 5/1965 đến năm 1967, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam, Đảng bộ Tam Kỳ, quân và dân các ngôi làng này đã đào được 32km địa đạo chạy quanh co trong lòng đất qua các thôn, xóm làm nơi ẩn nấp cho bộ đội và du kích đánh giặc. Trong khi, thủ phủ của tỉnh Quảng Tín (nay là tỉnh Quảng Nam) của chế độ Sài Gòn đặt tại Tam Kỳ, cách Tam Thăng vài ba cây số theo đường chim bay.
Hình thành và tồn tại ngay "sát nách" giặc, sau khi chiến tranh kết thúc, địa đạo Kỳ Anh (Kỳ Anh là tên xã Tam Thăng ngày trước - NV) dưới lòng cát trắng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và được xếp vào "top" trong số ba địa đạo lớn nhất nước, cùng với địa đạo Củ Chi ở TP.HCM, địa đạo Vĩnh Mốc ở Quảng Trị - những địa đạo đã góp phần làm nên một miền Nam "Thành đồng Tổ quốc"!...
Có một điều ít ai được biết về ngôi đình cổ của làng Thạch Tân, dưới nền đình là kho chứa lương thực và một trạm y tế tiền phương của cách mạng; cũng là một cứ điểm quan trọng trong chuỗi địa đạo liên hoàn Kỳ Anh. Trong ngôi nhà tình nghĩa được Bộ Công an xây tặng, ông Lê Khắc Phiến, nguyên Trưởng An ninh Thạch Tân trong những năm chiến tranh ác liệt, hồi tưởng lại chuyện cũ, kể cho tôi nghe chi tiết việc đào hầm dưới ngôi đình cổ. Theo lời ông Phiến, sinh thời ông nội và cha ruột ông cho hay, đình làng Thạch Tân xây dựng đã hơn 300 năm trước, thờ phụng bậc tiền nhân có công khai hoang, vỡ đất, lập ấp, lập làng.
Do là đình cổ nổi tiếng linh thiêng nên khi đào địa đạo Kỳ Anh, quân và dân làng Thạch Tân quyết định đào một căn hầm sâu trong lòng đất, dưới nền đình để tránh sự nhòm ngó của giặc khi chúng càn vào làng. Ngoài một kho chứa lương thực, căn hầm còn dành một gian nhỏ làm trạm y tế để sơ cứu thương binh trước khi đưa về căn cứ ở núi Trà My. Hầm có ngách ăn thông với địa đạo để dễ bề cho bộ đội và du kích vận chuyển lương thực, thương binh về đây; đồng thời cũng phòng ngừa khi giặc phát hiện có thể nhanh chóng sơ tán người và tài sản...
Bất chợt, ông lão tuổi đã ngoài "cổ lai hy" nhìn tôi bằng ánh mắt đượm buồn và nói rằng, hồi đó, nhân dân vùng Đông của Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên... đóng góp gạo nuôi quân mỗi năm hàng chục tấn, du kích địa phương mang về tập kết trong kho dưới đình Thạch Tân để giao lại cho cán bộ đường dây liên lạc chuyển lên căn cứ địa cách mạng ở Trà My. Anh em bộ đội, chủ yếu là người miền Bắc, công đồn bị thương cũng chuyển về hầm sơ cứu mới tiếp tục đưa đi. Tuy nhiên, những lúc giặc vây kín thì phải nằm lại chờ. Vì thế, những trường hợp bị thương nặng hy sinh tại trạm y tế rất nhiều. Đã có hàng trăm bộ đội hy sinh trong căn hầm dưới nền đình Thạch Tân...
Ông Phiến xác nhận, chuyện ngôi đình bị giặc Mỹ buộc dây xích sắt vào hai chân cột ở gian giữa rồi cho 4 xe bọc thép M113 đồng loạt nổ máy kéo, với mục đích đánh sập ngôi đình, nhưng đình vẫn đứng trơ trơ là có thật. Ngay cả ông cũng không thể hiểu vì sao lại có chuyện lạ lùng như vậy. Đoạn ông Phiến kể ngọn ngành...
Đó là thời điểm sau Tết Mậu Thân - 1968. Trong số chiến sĩ của Huyện đội Bắc Tam Kỳ bất ngờ có một gã tên Cẩm ra hàng giặc. Oái ăm là tên Cẩm từng ở với gia đình cơ sở cách mạng ở Thạch Tân là ông Nguyễn Tân nên biết trong vườn nhà ông Tân có một miệng hầm thông vào địa đạo. Sáng hôm đó, lính Mỹ càn quét làng Thạch Tân. Trên trời có máy bay yểm trợ, dưới đất thì chia thành 4 cánh quân, với hàng chục tên, mỗi cánh có 6 xe bọc thép M113 dẫn đầu, hùng hổ tiến vào làng.
Để đối phó, Đảng bộ địa phương hạ lệnh, trừ những người có nhiệm vụ đấu tranh hợp pháp, còn lại đều xuống địa đạo ẩn núp cùng du kích và bộ đội huyện tìm cách đánh trả bọn giặc. Tên Cẩm dẫn lính Mỹ và một số lính Sài Gòn đi theo làm phiên dịch, xông thẳng tới nhà ông Tân. Lúc này, ông Tân đã ngoài 68 tuổi, điềm nhiên ngồi chẻ tre đan rổ trước hiên nhà. Bọn giặc lập tức bắt trói ông Tân và cô con gái tuổi còn niên thiếu của ông, lôi họ ra miệng hầm ăn xuống địa đạo dùng cực hình đánh đập bắt gọi Việt cộng dưới hầm lên đầu hàng.
Tra khảo từ sáng tới chiều khiến ông Tân chết đi sống lại nhiều lần thấy không khai thác được gì hơn, chúng lấy dây dù trói giật cánh khuỷu ông, buộc bò xuống địa đạo bảo du kích, bộ đội ra hàng. Trên miệng hầm, chúng giữ vòng dây dù và thả dần xuống; đồng thời cũng lăm lăm súng đe dọa, nếu ông Tân không nghe lời sẽ bắn tan xác cô con gái. Trong khi đó, dưới địa đạo ông Phiến cùng ông Nguyễn Đinh ngồi ngoài gần miệng hầm nên nghe rõ mồn một việc giặc đánh đập cha con ông Tân bên trên. Hai người bàn tính cách giải cứu để không phải hy sinh tính mạng cha con ông Tân...
Đã nhiều năm trôi qua, kể lại chuyện cũ, song tôi vẫn nhận thấy ông Phiến dường như không giấu được những cảm xúc hồi hộp trên gương mặt đầy nếp nhăn thời gian của mình. "Thú thật chẳng hiểu sao, trong giây phút sinh tử ấy của cha con ông Tân, mình lại ló ra được cái khôn. Tui và anh Đinh nhanh chóng hội ý phương án, bảo ông Tân quay lại lên, vờ mếu máo khóc nói với giặc là ở dưới hầm tối quá, mắt ông mờ không nhìn thấy được gì nên cần có con gái bò trước dẫn đường để kêu gọi Việt cộng ra đầu hàng...".
Ông Phiến kể tiếp rằng, khi cha con ông Tân xuống địa đạo, ông giữ chặt dây trói ông Tân mà lần tới như thể ông Tân đang bò để giặc khỏi nghi ngờ, còn ông Đinh nhanh chóng dùng dao cắt chỗ trói, đưa ông Tân và cô con gái sang ngách hầm khác, dùng bao đất lấp lại. Khi miệng ngách thông chỉ còn vừa lọt người qua, ông Phiến liền cột dây dù vào rễ cây, rồi tuồn qua lỗ ngách lấy bao đất lấp kín lại kiên cố hơn. Sau đó, mọi người di chuyển trong địa đạo đi chỗ khác. Ở bên trên, giật dây một hồi không thấy cha con ông Tân quay lên, bọn giặc tập trung súng phun lửa bắn xuống, ném theo hàng chục quả lựu đạn. Thậm chí, chúng còn đổ xuống mấy thùng chất độc hòng giết chết người dưới địa đạo. Nhưng, ngách thông đã lấp kín nên giặc không thể làm hại được ai...
Tức tối vì để sổng cha con ông Tân, cũng chẳng bắt được Việt cộng, giặc Mỹ lấy hai sợi dây xích quấn vào hai cột gian giữa đình làng Thạch Tân rồi cho 4 xe bọc thép đồng loạt nổ máy hòng kéo sập đình. Song, hì hục kéo hơn hai tiếng đồng hồ, ngôi đình vẫn cứ trơ trơ. Lúc này trời đã chạng vạng tối, bọn giặc lo sợ du kích phản công, phần thì nghĩ ngôi đình linh thiêng nên vội vã rút quân...
Và chuyện cây rõi "biết né" bom, đạn...
Ông Phiến đưa tôi đến đình làng Thạch Tân để tận mắt xem vết dây xích sắt lính Mỹ buộc vào hai cột đình cho 4 xe bọc thép M113 kéo ngày đó. Vết xích hằn sâu trên thân cột nên khi trùng tu ngôi đình dân làng đã lấy xi-măng trám lại. Điều đáng nói, đình làng Thạch Tân bây giờ không chỉ là nơi thờ cúng các bậc tiền nhân khai ấp, lập làng, mà người dân địa phương còn thống nhất đưa vào đình tấm bia đá khắc tên tuổi 25 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 189 liệt sĩ của làng đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp và chống Mỹ cứu nước để hương khói, ghi ơn.
Bên cạnh, người dân còn lập bàn thờ những cán bộ cách mạng từng hoạt động trên đất Thạch Tân, bây giờ không còn nữa, như: ông Ngô Xuân Nhỉ (bí danh Công Tâm), nguyên Thường vụ Khu ủy Khu V; ông Bùi Tùng (bí danh Cao Xuân Pháo), nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; ông Vũ Trọng Hoàng (bí danh Bốn Hương), nguyên Phó ban tổ chức Khu ủy Khu V... Thành kính thắp hương ở các bàn thờ trong đình, ông Phiến nói rằng, thế hệ con cháu người làng Thạch Tân, nhất là các em học sinh, hằng năm vào dịp lễ, tết thường được cha, mẹ dẫn đến dâng hương tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các Anh hùng, liệt sĩ. Noi gương người đi trước, rất nhiều con em trong làng học hành thi đỗ vào các trường đại học ra làm cán bộ tỉnh, huyện...
Tôi nhìn quanh ngôi đình cổ và nhận thấy, chưa kể số cột ngoài hiên, bên trong đình kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái này có tới 24 cột bằng gỗ mít khá lớn, chia thành 6 hàng, mỗi hàng 4 cột. Bên trên cột là những vì kèo và mái đình kết cấu với nhau thành một khối vững chắc. Thì ra mấu chốt của vấn đề là ở đây. Với 24 cột và sườn nhà liên kết chắc chắn, cộng với 3 bức tường, hai bên tả, hữu và phía hậu, xây dựng rất dày và kiên cố, thì rõ ràng dù lính Mỹ dùng tới sức kéo của 4 chiếc xe bọc thép cũng khó thể kéo ngã. Điều ấy cũng chứng minh được, vì sao ngôi đình tồn tại hàng trăm năm qua...
Giải mã được sự kỳ bí của ngôi đình cổ, tôi lại theo chân ông Phiến ra bìa làng để xem cây rõi. Theo lời kể của ông Phiến, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn cán bộ về khoan cây nghiên cứu và xác định, cây hơn 300 năm tuổi. Nói đến cây rõi đứng hiên ngang, chọc trời trong chiến tranh, khi bom đạn giặc trút xuống đất này như vãi trấu, nhiều người dân ở làng Thạch Tân bảo nhỏ, nó rất linh thiêng. Một số người còn tỏ ra huyền bí rằng, thỉnh thoảng vào những đêm khuya tối trời, họ nhìn thấy từ trên ngọn cây có những tàn lửa rớt xuống... Song ngược lại, ông Phiến lắc đầu nói: "Họ nói vậy thôi chứ cả đời tui bám đất này đánh giặc, đêm khuya thường tới chỗ cây rõi mà có thấy ma quỷ gì đâu"...
Đứng trước cây rõi thân gỗ vặn, gốc xù xì to đến 5 người ôm không xuể, ông Phiến xác nhận rằng, trong chiến tranh, cây rõi có đôi lúc cũng bị gãy cành khi pháo, bom xớt qua. Nhưng rồi nó lại lên chồi non tươi tốt, sum suê. Một điều kỳ lạ, dù trong tầm đạn nhưng chưa bao giờ cây rõi trúng pháo, hoặc bom. Do đó, du kích Thạch Tân lấy cây rõi làm đài quan sát, cảnh giới giặc càn. Leo lên ngọn cây rõi là có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn quanh làng Thạch Tân. Chỉ cần giặc Mỹ kéo quân băng qua QL1A xuống là du kích báo động cho mọi người trong làng nhanh chóng vào địa đạo trong lòng đất trú ẩn.
Có lần một anh du kích leo lên ngọn rõi cảnh giới thì giặc đã tới rìa làng. Anh này chỉ kịp báo động cho những người bên dưới lẩn vào địa đạo, còn mình thì nằm im trốn trên tán lá. Bọn giặc cho xe tăng vào làng ủi phá nhà cửa, bắn đạn tứ tung, song anh du kích vẫn không bị chúng phát hiện...
Những cụ già của làng Thạch Tân còn kể cho tôi nghe câu chuyện rằng, vào năm 1958, một quan chức chế độ Sài Gòn nghe lời thầy bói tổ chức sửa chữa ngôi miếu hoang ở Tam Kỳ để thần thánh độ trì thăng quan, tiến chức. Gã nọ bèn cho người về Thạch Tân ngỏ lời hỏi mua cây rõi cưa lấy gỗ sửa miếu. Nhưng, các bậc bô lão làng Thạch Tân nhất quyết không chịu. Vì theo truyền miệng từ nhiều đời trước, đây là cây do các bậc tiền nhân trồng từ lúc vỡ đất, khai ấp, lập làng. Quan chức nọ đem tiền bạc mua không xong, bèn mang súng đạn ra dọa, song người làng Thạch Tân một lời như đinh đóng cột nên cũng phải chịu thua. Nhờ vậy mà cây rõi trở thành đài quan sát của du kích địa phương, đóng góp công sức không nhỏ trong việc đối phó với những trận càn của giặc suốt một thời chiến tranh oanh liệt...