Bản thảo chép tay của bộ tiểu thuyết Tây du ký không ghi tên tác giả, quý vị chắc hẳn sẽ lấy làm lạ. Tại sao tác giả lại không ghi tên trên bộ sách mà mình đã dồn biết bao công sức và tâm huyết để viết nên?
Có người cho rằng tác giả bộ sách là Lý Xuân Phương - chủ nhân của Hoa Dương Động Thiên, cũng là một người bạn của Ngô Thừa Ân. Lý Xuân Phương vừa là đại quan, vừa là một đại học sĩ.
Hoa Dương Động Thiên nằm ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Lý Xuân Phương từng theo học ở đó, vì vậy, gọi ông ta là chủ nhân của Hoa Dương Động Thiên cũng có cơ sở nhất định.
Nhưng trên sách chỉ đề “chủ nhân của Hoa Dương Động Thiên hiệu (đính)”. Hiệu và viết, biên (tập) là hoàn toàn khác nhau. Hiệu không phải là viết, hiệu cũng không phải là biên. Nói tác giả là Lý Xuân Phương thì thật khó tin nếu không có chứng cứ.
Có ý kiến cho rằng bộ tiểu thuyết do tác giả khuyết danh viết. Trong Vĩnh Lạc Đại Điển có Lời bình Tây du ký rất cụ thể, tỉ mỉ, chứng tỏ Tây du ký có trước cả Ngô Thừa Ân.
Vĩnh Lạc Đại Điển ghi chép những gì liên quan văn học thời đó, hiện còn lưu giữ lại cũng không đầy đủ lắm, và không biết còn có một Tây du ký khác với Tây du ký hiện tại không.
Tuy nhiên, tôi thấy giả thuyết này cũng không thuyết phục lắm, chẳng qua đây chỉ là một sự suy diễn, phỏng đoán không có căn cứ mà thôi. Nếu trước đây từng có Lời bình Tây du ký, mấy chục năm sau hà cớ gì Ngô Thừa Ân lại không thể viết Tây du ký?
Có phải Ngô Thừa Ân viết hay không, nên căn cứ vào bộ sách hiện có để phán đoán, chứ không thể căn cứ vào một đoạn ghi chép nhỏ.
Trước tiên chúng ta cần đưa ra một số điều kiện cơ bản, tác giả của Tây du ký cần phải phù hợp với những điều kiện cơ bản này, sau đó chúng ta hãy luận bàn đến việc Ngô Thừa Ân có phải là tác giả hay không.
Thứ nhất, trường thiên tiểu thuyết xuất hiện sau thời Minh sơ, không thể xuất hiện trong thời kỳ nhà Nguyên được. Hiện nay hai tác phẩm kinh điển sớm nhất là Tam quốc chí, Thủy hử truyện cũng đều xuất hiện vào thời kỳ Nguyên mạt Minh sơ, tác giả là người Nguyên mạt Minh sơ, được in thành sách cũng là vào những năm đầu đời nhà Minh.
Thứ hai, căn cứ số lượng lớn phương ngữ (tiếng đặc trưng địa phương) để phán đoán, ngôn ngữ mà tác giả dùng là ngôn ngữ phổ thông của vùng Hạ Giang, chính là vùng Nam Kinh, Dương Châu, Tô Bắc thường dùng.
Thứ ba, nhìn từ phong cách hành văn cơ bản của Tây du ký, kiến thức của tác giả tương đối uyên thâm, không có ngành nghề nào là không thông thuộc cả, từ cầm kỳ thi họa, công thương y nông, đều nắm rất rành.
Trong sách có rất nhiều yêu quái hình thù quái dị và những tình tiết khúc chiết ly kỳ, nếu học vấn của tác giả không uyên thâm thì chắc chắn sẽ không bao giờ tưởng tượng ra được.
Có thể thấy ba điểm trên không hề mâu thuẫn với Ngô Thừa Ân một chút nào, hoàn toàn phù hợp, nhưng rốt cuộc tác giả có phải là ông hay không, chúng ta vẫn cần những chứng cứ trực tiếp hơn.
Thứ nhất, trong Hoài An Phủ Chí quyển 19 năm Khởi Thiên cuối thời Minh, có một cuốn sách tên là Hoài Hiền Thư Mục, là cuốn mục lục ghi lại tên những tác phẩm do những tiền bối của vùng đất Hoài An viết, bên dưới tên của Ngô Thừa Ân có ghi ba chữ Tây du ký, đây là chứng cứ trực tiếp nhất.
Chứng cứ này được Lỗ Tấn phát hiện đầu tiên. Trước thời điểm này tất mọi người đều cho rằng tác giả của Tây du ký không phải là Ngô Thừa Ân. Người thứ hai phát hiện điều này chính là Hồ Thích.
Điều vừa đề cập ở trên cũng đã được Hồ Thích và Lỗ Tấn kiểm chứng. Thứ hai, trong Hoài An Phủ Chí quyển 12 thời Khang Hy có một cuốn Văn Nghệ Chí, những ghi chép trong đó cũng giống hệt như trong Hoài An Phủ Chí của năm Thiên Khải thời Minh mạt.
Thứ ba, nhìn từ góc độ phương ngữ sử dụng trong sách để dẫn chứng thì nó chính là thổ ngữ của vùng Hoài An, xin giới thiệu ở đây hai ví dụ.
Trong hồi thứ 26 của Tây du ký, có một câu: “Nhĩ khước yếu hảo sinh phục thị ngã sư phó… y đường nang liễu, dữ ta tương tẩy tương tẩy (ngươi chịu khó chăm sóc sư phụ của ta… quần áo mà bẩn thì hãy mang đi giặt cho sạch). Từ điển đã giải thích từ nang có nghĩa là bẩn, dơ.
Nhưng người ở vùng Hoài An lại cho rằng chữ nang này có nghĩa là mềm, chẳng hạn: “Trước điều biển đản thái nang, đản bất khởi” (Cái đòn gánh này mềm quá, không gánh được).
Thời xưa, người Hoài An khi mặc áo thì phải thượng tương (phủ một lớp hồ lên vải trong quá trình xe sợi dệt vải, để tránh việc các mối nối có thể bị đứt hoặc không kết nối với nhau).
Khi thượng tương, áo sẽ bị cứng, mặc sau một thời gian dài, áo sẽ mềm ra, cần phải hồ lại quần áo, tương tẩy ở đây có nghĩa là thượng tương, khi mặc lên mới đẹp, đây chính là thổ ngữ của Hoài An. Điều này chứng tỏ rằng tác giả phải là người Hoài An. Những từ như tương tẩy, nang được dùng khá phổ biến ở Hoài An.
Các nhà nghiên cứu phương ngữ thậm chí còn cho rằng sau khi đi cách Hoài An về phía Bắc khoảng ba mươi dặm sẽ không còn thấy những từ như vậy được dùng nữa. Như vậy, chỉ trong vòng bán kính ba mươi dặm mới sử dụng những từ này, càng chứng thực thêm tác giả chính là người của vùng Hoài An.
Ví dụ thứ hai, là chữ hải. Trong phương ngữ Hoài An có giải thích khá đặc thù, hồi thứ 72 có một câu: “Nhất cá cá hạn lưu phấn nhị thấu y đường, hưng lại tình sơ phương khiếu hải” (từng người một mồ hôi son phấn lấm lem quần áo ướt nhẹp, vui vẻ ríu rít gọi nhau nghỉ ngơi).
Chữ hải này trong thổ ngữ của Hoài An có nghĩa là nghỉ ngơi, kết thúc. Đây là một từ rất điển hình, được dùng phổ biến trong phương ngữ Hoài An cũng xuất hiện trong Tây du ký, điều này cũng chứng minh tác giả là người Hoài An.