Thái Thượng Lão Quân ở trong Đẩu Suất Thiên Cung. Trong hồi thứ năm có viết, Tôn Ngộ Không tự ý đi vào Bàn Đào Viên của Vương Mẫu nương nương, độc hưởng bàn đào thịnh yến, lại còn uống rượu say, ngả nghiêng tiến vào Đẩu Suất Thiên Cung.
Thái Thượng Lão Quân vừa ra ngoài, không có ở nhà, Tôn Ngộ Không liền lấy hết năm bình hồ lô đựng đầy “Cửu chuyển kim đan” mà Thái Thượng Lão Quân tốn công luyện chế mãi mới được, ăn giống như ăn đậu phộng, loáng một cái đã chén sạch.
Sau này khi bị bắt, lão Quân còn nhốt Ngộ Không vào lò bát quái luyện hóa bảy bảy bốn chín ngày, dường như muốn luyện hóa Tôn hành giả và số kim đan trong bụng thành kim đan mới.
Ai ngờ Ngộ Không không những chẳng bị tổn thất gì, mà còn luyện thành mình đồng da sắt, mắt lửa ngươi vàng. Sau khi ra khỏi lò Bát Quái, Ngộ Không phẫn nộ, đẩy lão Quân ngã đổ rạp xuống đất.
Vị Thái Thượng Lão Quân này chính là tổ sư gia của Đạo giáo. Ông chính là nguyên mẫu của một triết gia trác việt thời cổ đại của Trung Quốc - Lão Tử.
Lão tử, tên Đam, còn có tên khác là Lý Nhĩ, nhà tư tưởng cuối thời Xuân Thu, người sáng lập ra Đạo gia học phái. Sử ký của Tư Mã Thiên đã sớm có những ghi chép về sự tích trong cuộc đời ông.
Lão Tử là người Khổ huyện thuộc Sở Quốc (nay là Lộc ấp tỉnh Hà Nam). Ông làm quan nhà Châu với chức Thủ tàng thất sử, tương đương giám đốc thư viện quốc gia thời nay. Do đó, ông được đọc rất nhiều sách, học thức trác tuyệt, hơn nữa có những kiến giải của riêng mình rất độc đáo.
Nhưng do triều đình khi đó hủ bại, xã hội bất ổn liên miên, Lão Tử muốn làm nhiều việc nhưng lực bất tòng tâm, thế là ông dự tính từ quan về quy ẩn. […].
“Thái Thượng Lão Quân” là tôn xưng của Lão tử. Ý nghĩa của “Thái thượng” có nghĩa là tối cao, tối thượng, cũng có ý nghĩa khác là không còn thứ gì có thể cao hơn nó nữa.
Ngoài điều này ra, từ “Thái thượng” còn dùng để chỉ hoàng đế, Thái thượng hoàng. Tên của những vị thần tối cao trong Đạo giáo phía trước thường thêm hai chữ “Thái thượng”, có thể thấy được sự tôn kính được thể hiện trong cách gọi này.
Trong Đạo đức kinh, Lão Tử có nói thế này: “Thái thượng, hạ tri hữu chi; Kỳ thứ, Thân chi Vinh chi” (dịch nghĩa: Kẻ thống trị tốt xếp hàng thứ nhất, những người bị cai trị sẽ không biết về sự tồn tại của mình; Kế đến, những kẻ thống trị được dân gần gũi và ca tụng…).
Tả truyện cũng nói “Thái thượng, hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công” (dịch nghĩa: Trước tiên xây dựng tư cách đạo đức của bản thân, đồng thời phải khiến người khác học tập hoặc chịu ảnh hưởng bởi đạo đức của mình, tiếp cứu đất nước và nhân dân ra khỏi nguy nan thì gọi là lập công) […].
Ý nghĩa của lập công, thi báo, cũng không phải là không tốt, cũng giành được sự mến mộ và xưng tụng của nhân dân, so sánh với “Tự nhiên” chi đạo cũng chỉ có thể là nghĩa thứ hai mà thôi, cho nên mới gọi là “Kỳ thứ”.
Nếu nói ở góc độ giáo lý và giáo nghĩa, người trong Đạo giáo đem cách tôn xưng “Thái thượng” dành cho Lão quân cũng rất hợp lý.
Sau khi chúng ta biết được vị trí vô thượng của Thái Thượng Lão Quân trong Đạo giáo, không tránh khỏi băn khoăn là, Thái Thượng Lão Quân là một trong số “Tam Thanh” của Đạo giáo, được hưởng một địa vị cao như vậy, tại sao lại còn bị Tôn Ngộ Không xô ngã đổ nhào xuống đất?
Thực tế lẽ nào lại đúng như vậy? Thái Thượng Lão Quân có phải là đối thủ của Tôn Ngộ Không hay không? Chúng ta có thể nghiên cứu lại một số cảnh trong tác phẩm Tây Du Ký để tìm chút gợi ý.
Sau khi Tôn Ngộ Không bị đuổi khỏi Thiên Cung, Ngọc Đế từng phái Nhị Lang Thần lãnh binh đi trấn áp, kết quả là đánh đến trời long đất lở, dùng hết tất cả các chiêu số, nhưng vẫn bất phân thắng bại.
Sau đó, Thái Thượng Lão Quân đứng ở trên trời ném nhẹ cái vòng xuống đập trúng Ngộ Không, kết quả là Ngộ Không đã bị đánh hôn mê và bị bắt trói. Có lẽ nếu chỉ ở cảnh này chúng ta cũng chưa thể nhìn ra chiếc vòng này có gì đặc biệt cả.
Trên đường đến Tây Thiên, con trâu của nhà Thái Thượng Lão Quân biến thành yêu quái chặn đường và đánh nhau với Tôn Ngộ Không, kết quả là chỉ thua Tôn Ngộ Không một chút, nhưng hắn có bảo bối, vẫn là chiếc vòng đó, vừa ra tay đã thu hết binh khí của Hầu tử.
Khi Kim Mao Hống là vật cưỡi của Quan Âm Bồ Tát tác quái, nó sử dụng Tử kim linh cũng là vật trong tay của Thái Thượng Lão Quân. Quan Âm khi đó nói: “Nếu không phải ngươi lừa được cái chuông đó ở trong tay của nó, thì có mười con khỉ nhà ngươi cũng không đánh lại nó đâu”.
Ngoài ra, rất nhiều bảo bối lợi hại khác cũng là do Thái Thượng Lão Quân đích thân luyện chế hoặc gián tiếp luyện chế, ví dụ, Cửu Xỉ Đinh Ba, Khổn Tiên Thằng… đều có liên quan Lão quân.
Ba việc ở trên đã chứng minh rằng Thái Thượng Lão Quân rất lợi hại, ngay đến cả một con trâu của ông đã ghê gớm đến vậy. Hơn nữa, chỉ cần Lão quân rút từ dưới ống tay áo ra là đã có thể lấy được rất nhiều món đồ đáng sợ, chỉ e rằng Tôn Ngộ Không không thể chống đỡ mà thôi.
Nếu chúng ta tiếp tục suy luận, sư phụ của Tôn Ngộ Không chính là Tu Bồ Đề Tổ sư. Tuy rằng cái tên “Tu Bồ Đề” mang đầy sắc thái của nhà Phật, căn cứ vào miêu tả trong Tây Du Ký, ông ta hoàn toàn mang phong cách của Đạo gia.
Những Tà nguyệt Tam tinh động, Linh đài phương thốn sơn, Đạo đồng… đều minh chứng rõ ông là thần tiên trong hệ thống của Đạo gia.
Thái Thượng Lão Quân lại là tổ của Đạo gia, là một trong số Tam Thanh, chí cao vô thượng, nên dù Tu Bồ Đề Tổ sư có địa vị cao cỡ nào trong Đạo giáo đi nữa cũng chỉ thuộc hàng đệ tử của Thái Thượng Lão Quân mà thôi.
Võ công, phép thuật của Tôn Ngộ Không đều do Tu Bồ Đề Tổ sư truyền thụ cho, nếu so với Thái Thượng Lão Quân thì chắc chắn vẫn thua một cấp.