Các yêu tinh trong Tây Du Ký tuyệt đại đa số đều có kết cục bi ai, người thì bị đánh chết, người thì bị thu phục dẫn đi. Tuy nhiên trong đó có một nhân vật khá đặc biệt, cản đường thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, dẫn đến một cuộc truy sát của các Thần Tiên, nhưng cuối cùng, tiên giới không thu, địa ngục không nhận, lại được phóng thích tự do.
Yêu tinh đó thông qua tu luyện, lại đắc đạo thành Tiên. Đây chính là nhân vật xuất hiện ở hồi thứ 59 - Thiết Phiến Công Chúa. Trong truyện miêu tả đây là nhân vật có quan hệ rất mật thiết với Tôn Ngộ Không, Hành Giả còn từng gọi Thiết Phiến Công Chúa hai tiếng "tẩu tẩu".
Đoạn đối thoại của Tôn Ngộ Không với tiều phu ở núi Thuý Vân tại hồi thứ 59 vừa vặn nói tới lai lịch của Thiết Phiến Công Chúa. Sau khi Tôn Ngộ Không được người chỉ đến núi Thuý Vân tìm Thiết Phiến Tiên, đến nơi lại gặp một người tiều phu vừa đốn củi vừa ca hát, bèn cất giọng hỏi thăm
- Xin hỏi bác một điều, đây có phải là núi Thúy Vân không ạ?
- Chính phải.
- Động Ba Tiêu của Thiết Phiến Tiên ở nơi nào?
- Động Ba Tiêu thì có nhưng không có Thiết Phiến Tiên. Chỉ có Thiết Phiến Công Chúa, và có tên nữa là bà La Sát thôi.
– Người ta đồn rằng vị ấy có cây quạt Ba Tiêu có thể dập tắt được lửa Hỏa Diệm Sơn có phải không?
– Phải! Phải! Vị thánh ấy có thứ bảo bối có thể dập tắt lửa, bảo vệ cho người dân vùng ấy, nên ở vùng ấy người ta gọi là Thiết Phiến Tiên. Chứ người vùng tôi không cần đến vị thánh ấy, nên chỉ gọi theo tên là bà La Sát, vợ của Đại Lực Ngưu Ma Vương.
Mấu chốt chính là nằm trong đoạn hội thoại này, một là Thiết Phiến Tiên, hai là Bà La Sát. Tại sao? Bởi thông qua hai câu này chúng ta có thể kết luận rằng, Thiết Phiến Tiên chính là hình tượng nhân vật kết hợp giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Phật giáo. Thiết Phiến Tiên là một nhân vật trong thời cổ đại của dân tộc Trung Hoa, còn Nữ La Sát lại thuộc về văn hóa của Phật Giáo Ấn Độ cổ.
Truyện Tây Du Ký bắt đầu được thịnh hành từ thời Nguyên Minh. Có một người tên gọi Dương Cảnh Hiền làm nghề tạp kỹ (kinh kịch) sáng tác bộ một Tây Du Ký gồm 6 cuốn 24 hồi. Đây cũng có thể được gọi là bản thảo đầu tiên của "Tây Du Ký" mà sau này Ngô Thừa Ân dựa vào để sáng tác. Trong hồi thứ 19 "Thiết Phiến Hung Uy" của tạp kỹ, xuất hiện một nữ yêu quái tên Thiết Phiến, đây cũng chính là hình tượng nhân vật nguyên thuỷ nhất của Thiết Phiến Tiên.
Chỉ có điều, trong Tây Du Ký của Dương Cảnh Hiền thì Thiết Phiến Tiên không phải vợ của Ngưu Ma Vương, cũng chẳng phải mẹ của Hồng Hài Nhi. Đây là nhân vật vốn có xuất thân từ chốn Thần Tiên, là Thần quản lý Phong Thần trên Thiên Đình, do một lần uống rượu say đắc tội với Vương Mẫu phải rời khỏi Thiên Đình đến núi Thiết Tha. Trong tay Thiết Phiến có cây quạt nặng hơn nghìn cân, bên trên có 24 dẻ quạt, pháp thuật kinh thiên động địa.
Khi thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, trên đường đi gặp Hoả Diệm Sơn cản trở, Tôn Ngộ Không đi tìm Thiết Phiến mượn quạt. Nhưng trong lúc Tôn Ngộ Không đi mượn quạt, do lời lẽ không thuận khiến cho nữ yêu Thiết Phiến tức giận, hai bên đấu pháp, Tôn Ngộ Không không có cách nào đánh thắng.
Sau đó được Quan Âm giúp sức, mời Lôi Công, Điện Mẫu, Phong Bá, Vũ Sư, Ki Thủy Báo, Tham Thủy Viên, Đẳng Thủy Bộ Thần Thông... tổng cộng 7749 vị đến mới thu phục được nữ yêu Thiết Phiến, đoạt lấy quạt đi dập lửa Hoả Diệm Sơn. Đây chính là hình tượng nguyên mẫu về Thiết Phiến Tiên trong Tây Du Ký.
Trong truyện còn nhắc đến Thiết Phiến Tiên với cái tên Nữ La Sát (hay còn gọi là Bà La Sát). Đây chính là một nhân vật trong văn hóa Phật giáo. Nữ La Sát trong Phật giáo còn được gọi với tên La Sát Tư, là một ác quỷ trong thần thoại Ấn Độ cổ. Lần đầu xuất hiện trong "Lê Câu Phệ Đà" là tên thường gọi của ác nhân. Trong văn hoá Phật giáo, Nữ La Sát là một ác quỷ nhưng có dung mạo tuyệt đẹp, mà cũng không phải 1 người mà có đến hơn 10 người.
Ta lại bàn một chút về tính cách và hình tượng của Thiết Phiến công chúa. Tuy là một nữ yêu, nhưng Thiết Phiến lại có trái tim của một người mẹ, sự bao dung, trí tuệ và cả sự cống hiến. Thiết Phiến cũng rất yêu Ngưu Ma Vương. Trong Tây Du Ký kể rằng, Ngưu Ma Vương có "bồ nhí" thì hắt hủi Thiết Phiến, dọn đến ở cùng vợ hai. Thiết Phiến ngày đêm nhớ nhung, vò võ hao mòn ở trong động.
Tôn Ngộ Không biết chuyện, bèn thừa nước đục thả câu, biến hóa ra hình tượng Ngưu Ma Vương đến lừa Thiết Phiến cây quạt. Thiết Phiến lâu ngày không gặp chồng, thấy Ngưu Ma Vương đột nhiên đến thăm thì mừng mừng tủi tủi, sai bọn hầu bày đặt tiệc hoa, yến ẩm tưng bừng, đầu mày cuối mắt, hết lòng hầu hạ.
Chẳng ngờ tấm chồng hờ kia lại phụ một chân tình của Thiết Phiến. Ngộ Không cũng thật là bất nhẫn, nỡ lòng lừa gạt người chinh phụ! Sau đó là biết bao nhiêu màn kịch hay cứ tiếp diễn nhau, đan cài nhau khiến độc giả trải qua biết bao cung bậc cảm xúc.
Ngưu Ma Vương biết quạt bị mất, lại biến thành Trư Bát Giới, giữa đường chặn Ngộ Không, lừa lấy lại quạt. Ngộ Không và Bát Giới đến động phủ của Ngưu Ma Vương thách đánh. Hai bên đánh nhau mấy trận long trời lở đất. Thiên binh thiên tướng đến trợ lực, thả ra thiên la địa võng, mãi mới hàng phục được con trâu già Ngưu Ma Vương.
Thiết Phiến công chúa lúc ấy quỳ xuống đất xin các Thần tha cho chồng, nguyện đem quạt Ba Tiêu giúp Đường Tăng vượt Hỏa Diệm Sơn an toàn. Lại vẫn là tấm lòng nhân hậu, vị tha của một người vợ. Dù chồng của mình cạn tàu ráo máng, không còn chung thủy, Thiết Phiến trước sau vẫn một lòng lo lắng, khoan dung.
Đây quả thực là một nhân vật không hề tầm thường! Vậy Chẳng trách ngày nay cánh đàn ông thường hay ví von vui nhộn rằng vợ mình là "Bà La Sát". Đúng vậy, có một Bà La Sát nóng tính mà thật đáng yêu, mạnh mẽ nhưng lại yếu mềm như thế, các đức ông chồng còn ước muốn chi đây?