Lấy cảm hứng từ Miêu tộc sinh sống tại vùng Vân Nam, Trung Quốc, cố nhà văn Kim Dung đã vẽ nên một môn phái lấy sức mạnh của độc dược làm chủ đạo, với chưởng môn là Lam Phượng Hoàng trong Tiếu ngạo giang hồ và Hà Thiết Thủ trong Bích huyết kiếm và Lộc đỉnh ký. Tuy nhiên Ngũ Độc giáo trong Tiếu ngạo giang hồ và Ngũ Độc giáo trong Bích huyết kiếm và Lộc đỉnh ký dường như là 2 giáo phái độc lập không có liên quan với nhau.
Ngũ Độc giáo nổi tiếng với khả năng dụng độc cũng như các võ công có liên quan đến độc dược. Ngũ độc (hay con gọi là ngũ tiên) gồm: rắn, nhện, rết, bọ cạp, rùa.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, chưởng môn nhân của Ngũ Độc giáo là Lam Phượng Hoàng, một thiếu nữ khá xinh đẹp, người trong giang hồ thường không dám gọi tên thật của giáo phái này mà thường gọi tránh là Ngũ Tiên giáo. Ngũ Độc giáo có trụ sở tại vùng Miêu Cương, tỉnh Vân Nam và trực thuộc vào Nhật Nguyệt thần giáo.
Bản thân Lam Phượng Hoàng được miêu tả như một “nữ bác sĩ”, với “thành tích” nổi bật chắc không ai có thể quên đó chính là dùng đỉa truyền máu cho Lệnh Hồ Xung khi anh chàng này bị kiệt sức vì cạn máu.
Thêm vào đó, khi Lam Phương Hoàng ra đi, cả phái Hoa Sơn nôn mửa thốc tháo, trừ chàng Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung khi đó đã uống Ngũ tiên đại bổ của cô và không trúng độc, còn những người khác thì nghiễm nhiên đã bị “dính đòn”. Mặc dù chẳng ai hiểu cô đã phóng độc trong trường hợp nào.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi đặt câu hỏi cho Ngũ Độc giáo: “Nếu chỉ sở hữu độc dược và các chiêu thức phóng độc, mà võ công không có gì nổi bật thì liệu Ngũ Độc giáo có đủ sức đối đầu với các phái khác?”.
Sức mạnh của Ngũ Độc giáo
Bản thân võ công của từng môn phái đều mang những nét riêng, Thiếu Lâm Tự quyền uy, sức mạnh, Hoa Sơn phóng khoáng, đẹp mắt hay Nhật Nguyệt bí ẩn, quỷ dị, và Ngũ Độc cũng như vậy, lấy độc dược làm trung tâm và sức mạnh cũng được bắt nguồn từ đây.
Cũng khá nhiều người coi Ngũ Độc giáo chỉ là một phần của Nhật Nguyệt Thần Giáo bởi Lam Phượng Hoàng là người dùng độc giỏi nhất trong phái Nhật Nguyệt. Nhưng có thể nói, sức mạnh thể hiện ở cách dùng độc là một sức mạnh không thể xem thường.
Lam Phượng Hoàng có khả năng biến bất cứ loại côn trùng nào thành độc dược, và có những loại độc chỉ cần chạm nhẹ cũng đã đủ gây tử vong cho địch thủ. Thử tưởng tượng, nếu đối thủ chưa kịp “động tay, động chân” gì mà sức mạnh đã bị suy yếu bởi độc dược, thì khi đó có thể dễ dàng hạ gục chỉ trong vài đòn đánh. Thậm chí, với những “chuyên gia” như Lam Phượng Hoàng thì mọi chuyện còn dễ dàng hơn.
Lợi thế của Ngũ Độc giáo không nằm ở sức mạnh thể chất, không nằm ở những chưởng lực “long trời, lở đất” mà nằm ở nghệ thuật ám sát. Cũng giống như những đồ đệ khác của Nhật Nguyệt Thần Giáo, phong cách chiến đấu của Ngũ Độc giáo là cực “dị”, không cần tốn quá nhiều thể lực để hạ gục đối thủ.
Trong Bích huyết kiếm và Lộc đỉnh ký, Ngũ Độc giáo có giáo chủ là Hà Thiết Thủ, cũng là một thiếu nữ. Ngũ Độc giáo này có một số bảo vật như Kim Xà Kiếm, Kim Xà bí kíp....
Sự ra đời của Ngũ Độc giáo
Tộc người có tên gọi là Miêu tộc hay còn được biết đến với cái tên H’Mông tại Việt Nam. Nguồn gốc của Miêu tộc là một bộ tộc cổ đã từng sinh sống, tồn tại ở Việt Nam, Lào trải dài đến cả Trung Nguyên, tập trung nhiều nhất tại vùng Vân Nam và sở hữu 1 bề dày văn hóa đặc sắc.
Để bảo vệ dân tộc mình, tộc trưởng người Miêu đã sáng lập ra một giáo đồ chuyên dùng độc với tên gọi: Ngũ tiên giáo độc thiên giáo (ý nghĩa: độc do trời ban), viết tắt là Ngũ Độc. Do địa hình của vùng Vân Nam là núi non hiểm trở, rừng cổ âm u, là nơi trú ngụ của vô số mãnh thú và độc trùng cùng hàng loạt kì môn dị thảo, chính vì vậy, người Miêu đã tận dụng lợi thế này để bảo vệ cho chính bản thân mình.
Khi bị đàn áp quá mức, phái Ngũ Độc sẽ lẻn vào nhà của kẻ thù, thả vô số trùng độc cho cắn đến chết mới thôi, vì sự tàn ác của họ nên người Trung Nguyên mới có phần e ngại bởi sự xuất hiện của giáo phái này.
Có một truyền thuyết về Ngũ Độc giáo liên quan tới một cây ngãi quỷ tên là truy sát ngãi, truyền lại cho con cháu tộc Miêu. Bất cứ ai nếu bị tộc Miêu chỉ điểm nếu không bị độc trùng cắn chết thì cũng bị chơi ngải cho đến đau ốm mà chết. Ngũ Độc giáo truyền lại cây ngãi quỷ qua 6 đời thì dần dần biến mất, chỉ để lại hình bóng về 1 môn phái đã từng tồn tại ở Trung Nguyên.