Thời gian gần đây, Trung Quốc có một loạt hành động phi pháp, coi thường luật pháp quốc tế, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tại Biển Đông. Thông qua những chiến thuật đầy thủ đoạn, Trung Quốc từng bước hiện thực hóa tham vọng bá chủ ở Biển Đông khi tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, kể cả vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.
Chiến thuật “cháo nóng húp vòng quanh”
|
Trung Quốc có những hành động cải tạo đảo trái phép tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: Reuters. |
Với mưu đồ chiếm trọn Biển Đông, Trung Quốc đã và đang triển khai chiến thuật gặm nhấm lãnh thổ theo phương châm "cháo nóng húp vòng quanh" đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
Thực hiện chiến thuật này, năm 1992, Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên một phạm vi biển rộng đến 25.155 km2 cho công ty nhỏ của Mỹ có tên Crestone Energy Corporation. Khu vực này được Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, cạnh khu vực bãi ngầm Tư Chính.
Kế đến, Trung Quốc ký hợp đồng giao 5.076 km2 biển tại bãi Tư Chính cho Crestone Energy Corporation. Không những vậy, Trung Quốc cấp quyền một lô dầu khí cạnh công ty Crestone Energy Corporation cho hãng Mobil của Mỹ.
Tiếp đến, vào tháng 2/1995, Trung Quốc điều 7 tàu đến đá Vành Khăn thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Khi ấy, lực lượng Trung Quốc bắt giữ và trục xuất các ngư dân Philippines ở khu vực này. Kế đến, Trung Quốc cho xây dựng những cấu kiện hình đa giác dựng trên những cột thép, đĩa vệ tinh và cắm cờ Trung Quốc. Dù chính quyền Philippines lên tiếng phản đối nhưng giới chức Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng và củng cố các công trình phi pháp.
Chiến thuật bắp cải
Giống như bắp cải, Trung Quốc điều nhiều lớp tàu đánh cá, hải cảnh và hải quân tới quanh vùng tranh chấp để thực hiện các hành động phi pháp trên Biển Đông. Thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc đang nhường các vùng biển gần, bao gồm cả khu vực Biển Đông, cho lực lượng hải cảnh sau khi lực lượng này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Song song với đó, Trung Quốc điều hơn 100 tàu các loại, bao gồm nhiều tàu hải cảnh cỡ lớn tới sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Mục đích của Trung Quốc khi có hành động này nhằm thị uy và đe dọa các tàu Philippines đang tiến hành cải tạo trái phép hòn đảo.
Không những vậy, nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc có nhiều dấu hiệu thuộc dân quân biển. Những tàu này không thực sự đánh cá mà nhiệm vụ của họ là dọa nạt tàu các nước khác có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Video: Hải quân Việt Nam săn tàu ngầm ở Biển Đông (nguồn: QPVN)
Cắt lát xúc xích
Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược “cắt lát xúc xích” đối với ASEAN. Theo chiến thuật này, Trung Quốc từng bước có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, gây phức tạp tình hình trên Biển Đông. Với tốc độ vừa phải, không quá nhanh và thực hiện thành nhiều bước nhỏ, Trung Quốc tham vọng có thể dần tạo ra sự thay đổi hiện trạng ở khu vực.
Điển hình là việc trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2015, Trung Quốc tiến hành bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp. Kế đến, giới chức Bắc Kinh âm thầm tiến hành các hoạt động xây dựng cơ sở, công trình phi pháp rồi triển khai vũ khí, khí tài quân sự để đe dọa các nước khác.