Hôm 27/9, một nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí Science Advances về các hạt thủy tinh trên bề mặt Mặt Trăng cho thấy chúng hình thành nhiều triệu năm trước .
Những hạt thủy tinh có kích thước từ vài chục micromet đến vài milimet nằm trong các mẫu vật được đem về trong chương trình Chang’e-5 (Thường Nga 5) của Trung Quốc vào tháng 12/2020.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các hạt thủy tinh để xác định kích thước, tuổi và các đặc điểm khác của chúng. Họ cũng xem xét dữ liệu địa hình trên Mặt Trăng để xác định các sự kiện va chạm nào đã hình thành chúng.
|
Các hạt thủy tinh được robot Thường Nga 5 mang về Trái Đất (Nguồn: Beijing SHRIMP Center, Institute of Geology, CAGS).
|
Phó giáo sư Katarina Miljkovic thuộc Đại học Curtin cho biết họ đã phát hiện các hạt này đa phần hình thành cùng thời điểm và cho rằng đã có một loạt tiểu hành tinh va vào Mặt Trăng - hoặc có thể 1 tiểu hành tinh lớn đã vỡ ra gần đó và gây ra cơn mưa thủy tinh.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng thời điểm hình thành các hạt thủy tinh này tương ứng với các sự kiện tương tự tác động đáng kể trên Trái Đất. Tuy nhiên do tác động của xói mòn, phong hóa, hoạt động núi lửa nên những mẫu vật tương tự khó có thể được tìm thấy.
Một trong những hố thiên thạch nổi tiếng nhất trên Trái Đất nằm ở bán đảo Yucatán, Mexico. Hố Chixculub được cho là nơi một tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất khoảng 66 triệu năm trước, gây ra sự kiện tuyệt chủng khủng long.
Và cùng thời điểm, các hạt thủy tinh xuất hiện với số lượng lớn trên Mặt Trăng.
Bà Miljkovic lưu ý về sự trùng khớp về thời gian này và cho rằng có thể đã có những tiểu hành tinh đồng hành cùng với thứ đã gây ra thảm họa - và một phần trong số chúng đã rơi xuống bề mặt Mặt Trăng.