Nhóm nghiên cứu từ Đại học Cincinnati (Ohio, Mỹ) đã khảo sát 2 hồ chứa nước trung tâm ở Tikal, thành phố cổ Maya có từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, nay thuộc phía Bắc Guatemala. Họ đã có phát hiện chấn động: cả 2 hồ chứa này đều bị nhiễm độc rất nặng.
Phân tích địa hóa học cho thấy cả 2 chiếc hồ này, vốn là nguồn nước uống chính của người dân Tikal, đều bị nhiễm độc thủy ngân rất nặng. Thủy ngân ngấm vào nền hồ, lắng đọng trong trầm tích suốt nhiều năm.
Thành phố Tikal - Ảnh: Simon Dannhauer
Điều này có thể là một phần nguyên nhân sự biến mất bí ẩn của người Maya, những con người được lịch sử khảo cổ cho thấy rất thông minh, thiện chiến và có trình độ khoa học kỹ thuật vượt trội so với phần lớn nhân loại trong cùng thời kỳ. Uống thứ nước nhiễm thủy nhân, họ sẽ dần dần bị nhiễm độc, bệnh tật và chết yểu, sinh ra những đứa trẻ quái thai…
Lý do các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể gây tàn lụi đế chế, là vì nguồn gốc của thủy ngân là một thứ vốn phổ biến trong toàn đế chế Maya chứ không riêng thành phố này: một thứ gọi là "cinnabar".
Cinnabar từng khiến giới khảo cổ kinh hoàng nhiều năm về trước, khi khai quật mộ cổ Nữ Hoàng Đỏ nổi tiếng. Toàn thân bà và không gian xung quanh nhuộm một màu đỏ thắm bởi cinnabar. Các nghiên cứu cho thấy đây mà một loại phẩm màu đặc biệt do người Maya chế tạo, rất quý giá và được dùng trong nhiều lễ nghi, trang trí các vật phẩm quý.
Nữ Hoàng Đỏ Maya được tìm thấy vời một màu đỏ bao trùm ngôi mộ cổ và toàn bộ hài cốt - Ảnh: ontheroadin.com
Thứ mà người Maya tưởng đẹp đẽ và dùng để bày tỏ lòng thành kính này hóa ra là một "ma dược" khiến họ dẫn bệnh tật và suy vong. Vì nó chứa đầy thủy ngân. Các lễ nghi diễn ra gần hồ nước có thể đã khiến cinnabar rơi xuống hồ vô kể, biến nước uống thành độc được.
Ngoài ra, các tác giả còn tìm thấy DNA cổ của một loài tảo độc, gây nên hiện tượng "tảo nở hoa" đẹp và chết chóc mà con người hiện đại của chúng ta cũng phải khiếp hãi. Tảo nở hoa cũng gây ô nhiễm nặng nguồn nước, gây bệnh kể cả khi nước được đun sôi để nguội.
Một số hồ nước xung quanh thành phố không bị ô nhiễm, nhưng theo các nhà khoa học, hiện tượng hạn hán kéo dài trong thời kỳ cuối của đế chế Maya, vốn đã được phát hiện trong nhiều nghiên cứu trước đây, đã khiến người dân không có nhiều chọn lựa trong nguồn nước. Hạn hán, nước nhiễm độc, và có thể nhiều vấn đề bí ẩn khác chưa được giải mã, đã khiến những người Maya huyền thoại như "bốc hơi" khỏi địa cầu, để lại những thành trì vĩ đại.