Lý do người ta tin con tàu chở đầy vàng của Đức quốc xã có thật

Google News

Trong Thế chiến II, phát xít Đức từng chiếm đóng một lâu đài cổ ở dãy núi Owl tây nam Ba Lan và tiến hành dự án đào đường hầm bí ẩn, chính điều này là cơ sở để nhiều người tin có đoàn tàu chở kho báu đang ẩn mình ở đây.
 

Theo VnExpress, dãy núi Owl ở tây nam Ba Lan, phủ đầy cây vân sam và có lác đác vài thị trấn, mang một bầu không khí huyền bí. Đây là "nhà" của một lâu đài hàng trăm tuổi từng bị lực lượng của Adolf Hitler chiếm đóng. Dưới núi là một mạng lưới đường hầm chưa hoàn thành, đổ nát, do nô lệ lao động đào và sau đó bị bỏ rơi vào cuối Thế chiến II.
Ly do nguoi ta tin con tau cho day vang cua Duc quoc xa co that
 Lâu đài Ksiaz.
Nói cách khác, đây là nơi Đức quốc xã có thể đã giữ một con tàu chứa đầy kho báu. Piotr Zuchowski, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Ba Lan vào tháng 8/2015 từng nói rằng "có khả năng rất cao, trên 99%, là con tàu tồn tại".
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Ba Lan gieo niềm tin cho các tin đồn về kho báu ẩn giấu trong khu vực. Các quan chức từng lặng lẽ khai quật một vài phần của hệ thống đường hầm vào những năm 1960, nhưng không thu được gì ngoài vài đồng xu cũ. Theo BBC, họ tiến hành lại vào những năm 1990, nhưng cũng không tìm thấy gì.
"Chúng tôi có rất nhiều câu chuyện như thế trong các năm qua, với những người tuyên bố họ biết con tàu ở đâu", Joanna Lamparska, một tác giả người Ba Lan nói. "Nhưng chúng ta chưa tìm thấy bất cứ điều gì".
Tuy nhiên, điều đó dường như không làm giảm không khí hào hứng tại Walbrzych, nơi luôn có đồn đại về con "tàu chở vàng".
Theo truyền thuyết địa phương, con tàu chở kho báu của Đức quốc xã biến mất gần lâu đài Ksiaz ở Wałbrzych. Khi Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, gia đình quý tộc sống trong lâu đài này đã rời khỏi đất nước. Hai năm sau đó, Đức quốc xã chiếm giữ lâu đài này.
Eduard Wawrzyczko, người từng trông coi lâu đài Ksiaz đã kinh hoàng chứng kiến lâu đài xa hoa 200 phòng bị biến thành doanh trại quân đội.
"Năm 1943, Hitler đến đây với Hermann Goering (người được coi là quyền lực số hai trong Đức quốc xã). Họ đã đi qua lâu đài", ông kể với New York Times vào năm 1961.
Goering là một trong những người chỉ huy chính việc tịch thu tác phẩm nghệ thuật của Đức quốc xã. Ông ta nhanh chóng vứt bỏ hết tác phẩm nghệ thuật có giá trị và đồ nội thất ở Ksiaz. Lâu đài được chuyển thành nhà ở cho lính. Không lâu sau đó, người Đức bắt đầu tiến hành đào đường hầm bí ẩn, Wawrzyczko nói.
Dự án đường hầm được đặt tên là "Riese," có nghĩa là "Khổng lồ", và hiện vẫn không rõ mục đích của nó là gì. Nhiều người tin rằng Hitler dự định biến khu tổ hợp Riese thành trụ sở mới của mình. Những người khác suy đoán rằng vũ khí sẽ được lưu trữ trong các hang động ngầm, hoặc có một hệ thống đường sắt bí mật được xây dựng dưới lòng đất.
Những bình luận trên mạng nghiêng về thuyết âm mưu cho rằng "Die Glocke" - một siêu vũ khí của Đức quốc xã, cho đến nay vẫn chỉ được nhắc đến trong các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, có thể ẩn mình đâu đó dưới những ngọn núi cổ xưa.
Đức quốc xã được cho là đã đưa tù nhân trong trại tập trung và tù nhân chiến tranh đến đây để xây dựng đường hầm. Hàng nghìn người được cho là đã chết trong khi làm việc dưới lòng đất, thiệt mạng bởi bệnh tật hoặc bị đá rơi vào người.
Khu tổ hợp này bị bỏ lại vào năm 1945, khi quân đội Liên Xô nắm quyền kiểm soát khu vực, tuy nhiên, những tin đồn xung quanh dự án đường hầm vẫn còn lại cho đến về sau, nhất là câu chuyện về con tàu bọc thép rời thành phố Breslau (ngày nay là Wroclaw, Ba Lan) trong ngày cuối của cuộc chiến, để đến địa điểm hiện giờ là Walbrzych, cách đó khoảng 65 km.
Theo tạp chí Smithsonian, tin đồn về con tàu "cơ bản xuất phát từ những lời truyền miệng". Một số thợ mỏ Đức được cho là đã nói với thợ mỏ Ba Lan rằng họ nhìn thấy một chiếc xe lửa lăn bánh vào một đường hầm bên dưới dãy núi Owl. Con tàu được tin là chở kho báu, với vàng, đồ trang sức và có thể cả vũ khí tịch thu từ các công dân Ba Lan, để tiến vào lãnh thổ của Đức quốc xã nhằm đem đi cất giấu.
Ly do nguoi ta tin con tau cho day vang cua Duc quoc xa co that-Hinh-2
 Ảnh minh họa.
Sau khi Thứ trưởng Bộ Văn hoá Ba Lan công bố về khả năng tồn tại của con nhiều người quan tâm đã hăm hở lên đường, theo dấu đoàn tàu chở của cải để tìm kiếm vận may.
Theo báo Giáo dục và Thời đại, đáng kể nhất là hai nhà thám hiểm, Piotr Koper (người Ba Lan) và Andrea Richte (người Đức). Họ tự tin sẽ tìm ra kho báu và cam kết sẽ chuyển những thông tin cho chính quyền khi xác định được. Đổi lại, họ chỉ muốn được hưởng 10% của cải bên trong đoàn tàu hỏa này.
Vào tháng 8/2016, hai nhà thám hiểm đã thuê 33 người chuyên đào đất để giúp họ tiếp cận đoàn tàu tại ba địa điểm khác nhau trong khu vực được phong tỏa ở Walbrzych. Công việc của hai người đã gặp sự hoài nghi từ các nhà địa chất, khảo cổ và các tổ chức lịch sử, hàn lâm ở Ba Lan. Theo họ, có thể có đường hầm nhưng không thể có đoàn tàu hỏa giấu ở đó.
Việc xây dựng hệ thống đường hầm bí mật ở ngay cạnh một tuyến đường tàu lộ thiên thường xuyên có tàu qua lại là việc không thể. Họ cho rằng, “đoàn tàu chở vàng” chui vào lòng đất là chuyện hoang đường, đồng thời cảnh báo về những nguy hiểm khi khám phá đường hầm. Nếu thực sự có đoàn tàu, thì nó ắt thuộc về quân đội Đức quốc xã, có thể chứa vũ khí và bị gài chất nổ. Ngoài ra, khí methane có thể đã lan khắp đường hầm, gây ra nguy cơ phát nổ nếu bị tác động bởi máy móc từ bên ngoài.
Tuy nhiên, Koper và Richte không xem những chỉ trích là quan trọng, họ cứ tập trung vào công việc của mình. Bằng cách khoan sâu xuống lòng đất đã định vị, họ hy vọng sẽ cung cấp cho giới chức của Ba Lan những thông tin xác thực về “tàu hỏa vàng”. Trong nhiều tuần, họ vừa đào, vừa livestream cho mọi người theo dõi.
Ly do nguoi ta tin con tau cho day vang cua Duc quoc xa co that-Hinh-3
Hệ thống đường hầm dưới dãy núi Owl.
Thật không may, cuộc săn tìm kho báu được chuẩn bị rất kỹ đã đi vào ngõ cụt. Không ai tiến gần đến sự thật hơn Koper và Richte, nhưng vào một ngày nọ, họ phải thừa nhận không thể xác định “tàu hỏa vàng” của Đức quốc xã hiện ở đâu trong hệ thống các đường hầm. Những gì mà họ định vị, hóa ra là một khối đá, chứ chẳng phải tàu hỏa.
Không chán nản, họ tiếp tục thực hiện một số nỗ lực khác để tiếp cận chiếc xe bí ẩn, nhưng cuộc tìm kiếm ngày càng trở nên vô vọng.
Cho dù “đoàn tàu hỏa vàng” (nếu nó là thật) chưa được định vị, nhưng không phải tất cả đều trở nên vô nghĩa. Đất nước Ba Lan được hưởng lợi từ những ồn ào xung quanh việc săn tìm kho báu này. Ngành du lịch đã thu về hàng triệu đô la kể từ khi việc tìm kiếm “tàu hỏa vàng” của Đức quốc xã được tiến hành. Du khách phần đông đến từ châu Âu, họ mong muốn chứng kiến tận mắt hệ thống đường hầm của Đức quốc xã, và biết đâu, nếu may mắn họ sẽ được nhìn thấy “đoàn tàu chở vàng” huyền thoại.
Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin

>> xem thêm

Bình luận(0)