Bao Công tên thật là Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao học sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm chỉnh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).
|
Tạo hình Bao Công trên phim. |
Bao Công người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang.
Từ khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, sống mực thước.
Năm 1027, ông bộc lộ tài năng của mình, thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới bắt đầu phục vụ triều đình.
Tiếng lành đồn xa, nhà vua biết được Bao Công là một vị quan thanh liêm, liền triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Thị chế.
Ngoại hình thật của Bao Công
Nhân vật Bao Công được đưa vào những bộ phim rất thành công và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, một số tình tiết trong phim lại hoàn toàn khác so với Bao Công thật sự. Bao Thanh Thiên có khuôn mặt đen và vầng trăng trên trán là hình ảnh thường thấy trên phim. Nhưng thực tế không phải vậy.
Bao Công đời thực thậm chí lại trắng trẻo và có phần thư sinh. Tạo hình mặt đen là do ảnh hưởng của Kinh kịch, hát bội. Mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho nghiêm túc, công chính liêm minh, quân tử.
Tương truyền, Bao Công là một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên là Văn Khúc Tinh Quân. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ.
Vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.
Dù là một người được lòng vạn dân, nhưng Bao Công là một người rất nghiêm khắc với gia đình.
Dưới ảnh hưởng và sự dạy dỗ của cha, các con của ông cũng sống rất giản dị, đúng chuẩn mực. Bao Công từng tuyên bố với các con của ông rằng: “Nếu bất kỳ ai trong các con vi phạm luật lệ, đều không được chôn cất trong lăng mộ của tổ tiên”.
Năm 1062, ông lâm bệnh và mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi. Tuy vậy, cái chết của ông hiện vẫn còn là một bí mật, do ông chỉ lâm bệnh trong vỏn vẹn 13 ngày.
Nhiều người nhận định rằng, sự ra đi của ông có liên quan đến thứ “thuốc bổ” mà Hoàng thượng gián tiếp ban cho.
Nhiều người nghi ngờ rằng, những thái y do ghen ghét Bao Công, nên cố tình cho thêm thành phần độc hại vào trong thuốc, khiến bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn.
Sau khi ông mất, Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu “Hiếu Túc”, có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cửu ông về mai táng ở quê nhà ông.
Theo sử sách thống kê, trong suốt cuộc đời làm quan của mình, ông trừng trị không dưới 30 người thuộc dòng dõi quyền quý, hoàng thân quốc thích, thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá - bố đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng bị Bao Chửng đàn hặc mà mất chức.
Phủ Khai Phong nơi làm việc của Bao Công
|
Phủ Khai Phong nhìn từ bên ngoài. |
Về phủ Khai Phong, đây là phủ thuộc tỉnh Hà Nam cách Bắc Kinh 808km, từng là kinh đô của nhà Tống. Phủ Khai Phong rộng 60 hecta, gồm nhiều sân bãi, thành lầu, nha môn, nơi làm việc, nơi nghỉ ngơi, nhà khách, nhà lao… Ngày nay, phủ Khai Phong đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch mỗi khi đến Hà Nam. Phía ngoài phủ, người ta đặt một chiếc trống to, vốn dành cho dân chúng đánh kêu oan. Bên trong nha môn là nơi xét xử các vụ án với “Cẩu đầu trảm”, “Hổ đầu trảm” và “Long đầu trảm” nổi tiếng.
“Cẩu đầu trảm” là hình phạt dành cho người phạm tội là thứ dân. “Hổ đầu trảm” dành cho các bậc quan lại và “Long đầu trảm” là kết quả cho họ hàng, thân thích với vua chúa nhưng không chịu tu thân tích đức.
Phía cuối phủ Khai Phong là nhà lao để giam giữ phạm nhân chờ ngày xét xử, hành hình. Nhà lao được chia làm 2 khu, khu nam và khu nữ. Bên ngoài nhà lao, Ban quản lý đã cho giữ lại gông đeo cổ, xe tù… để du khách thấy được toàn bộ cách làm việc, sinh hoạt, xét xử, giam giữ tù nhân… của phủ Khai Phong ngày xưa.
Lăng mộ bị đập phá
Sinh thời, Bao Công nổi tiếng là vị quan liêm chính, công tư phân minh và không nể nang ai, thậm chí cả hoàng thân quốc thích. Với dân thường, ông đúng là “trời xanh”. Thế nhưng, trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Hoa, phong trào “Phá tứ cựu, lập tứ tân” lan rộng năm 1966, Bao Chửng bị xem là “ngưu quỷ xà thần”, còn tồi tệ hơn cả tham quan bởi ông ủng hộ và duy trì chế độ phong kiến. Những thứ liên quan đến cuộc đời Bao Công nhẽ ra được trưng bày lại bị đập phá. Từ đường nằm trong khu Bao Hà trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã; bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng Vương Triều, Mã Hán đều bị phá nát; thậm chí tượng của Bao Thanh Thiên còn bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát và bức họa truyền thần Bao Công được truyền qua nhiều đời bị treo lên cây đốt cháy thành tro.
Khu lăng mộ Bao Công được đổi tên thành “Vạn tuế quán” cũng bị Hồng vệ binh thiêu hủy nhiều thư tịch cổ. Phần mộ của vị quan thanh liêm một thời không thể duy trì vẹn toàn. Trước đó, nơi đây cũng bị đào trộm, về sau bị lấn chiếm để làm đất canh tác. Theo sử sách, sau khi Bao Công ra đi; các cận vệ bên cạnh ông đều lang bạt giang hồ; chỉ còn lại duy nhất Vương Triều ở lại chăm mộ chủ. Về sau, khi Vương Triều qua đời, hậu duệ của Bao Công thờ ông như người nhà.