Tây Du Ký cho đến nay vẫn là tác phẩm khó có thể vượt qua. Những tinh túy của Tây Du Ký cho đến nay vẫn là đề tài khiến nhiều người phải bàn luận. Những tình tiết phát triển tâm lý nhân vật của tác phẩm này rất logic, có lý đến không ngờ. Có thể khán giả đã quá quen thuộc với những kiếp nạn, những lần diệt trừ yêu quái, nhưng còn những tình tiết đáng chú ý khác đắt giá không kém.
Không phải ngẫu nhiên mà 4 thầy trò Đường Tăng lại giác ngộ và lấy được chân kinh. Họ đã trải qua quá trình dài chuyển biến tâm lý. Không thể phủ nhận vai trò của Đường Tăng trong việc thuần hóa Tôn Ngộ Không. Thế nhưng, để cho Tề Thiên Đại Thánh thay đổi thái độ hoàn toàn, chuyên tâm phò tá sư phụ đi thỉnh kinh thì lại vì lý do khác.
Mới đầu, khi gặp Đường Tăng, Tôn Ngộ Không rơi vào thế bị ép phải nghe lời. Bằng chứng là hắn vẫn còn rất ngông cuồng, nhiều lần cãi lời sư phụ. Trong lần gặp 6 tên cướp giữa đường, Ngộ Không nổi nóng lấy gậy Như Ý đập chết hết. Đường Tăng sợ hãi, không ngừng mắng mỏ Ngộ Không.
Tự ái nổi lên, Tôn Ngộ Không liền bỏ đi, cưỡi mây bay về phương Đông, bỏ sư phụ lại. Thời điểm đó Tôn Ngộ Không vẫn chưa thực sự hướng Phật, hướng về sư phụ. Hắn ta đến Đông Dương đại hải để kể lể với Long Vương. Ngộ Không nói: “Đường Tăng không biết tính ta, có mấy thằng giặc cỏ chặn đường bị ta giết chết, mà Đường Tăng cứ càu nhàu mãi, nói ta như vậy là sai”.
Trong thâm tâm Tôn Ngộ Không, hắn vẫn là người đúng, sư phụ quá vô lý. Sau chén trà, Ngộ Không ngoái đầu nhìn bức tranh “Cầu Dĩ dâng giày” ngay phía sau. Tò mò về ý nghĩa bức tranh, đại đồ đệ Đường Tăng hỏi Long Vương và nhận được câu trả lời: “Vị tiên này là Hoàng Thạch Công. Còn người kia là Trương Lương nhà Hán. Thạch Công ngồi trên Cầu Dĩ, bỗng bị rơi giày xuống chân cầu, bèn gọi Trương Lương nhặt hộ. Trương Lương nhanh nhẹn đi nhặt mang lên, quỳ dâng trước mặt.
Ba lần như thế, Trương Lương không tỏ ra kiêu căng hay lười biếng. Thạch Công nhờ thế mà quý mến Trương Lương hơn, trao cho Trương Lương một cuốn thiên thư, bảo giúp cho nhà Hán. Sau này, Trương Lương mưu tính trong màn trướng và quyết đoán được cả sự thắng bại ở nơi cách mình hàng nghìn dặm.
Sau khi thiên hạ thái bình, Trương Lương vào núi học đạo tiên. Đại Thánh ạ, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nghe dạy bảo thì cuối cùng cũng chỉ là một con yêu quái mà thôi, sao thành chính quả được!”.
Thấy Tôn Ngộ Không im lặng không nói gì, Long Vương lại nói thêm: “Đại thánh nên xem xét kỹ, đừng vì sở thích phóng khoáng mà lỡ các công việc về sau”.
Đến đây, Tề Thiên Đại Thánh đã hiểu ra mọi chuyện, quyết định quay trở lại bên sư phụ. Chi tiết đắt giá này có thể không gây chú ý với nhiều người, ngay cả fan chân chính của Tây Du Ký cũng chẳng để ý nhiều. Thế nhưng, nó lại là bước ngoặt phát triển tâm lý của Tôn Ngộ Không. Dù không nói thẳng ra nhưng con khỉ ngỗ ngược khi đó đã dần thay đổi thái độ, nhận ra chân lý để quy y cửa Phật.
Chính lời khuyên của Long Vương đã giúp Tôn Ngộ Không nhận ra điều chân lý, không trở thành yêu quái, bị Thiên Đình ghét bỏ. Ngược lại, hắn lại có thêm động lực để hướng về cửa Phật.
Cũng chính chi tiết này đã đánh dấu khởi đầu hành trình tu luyện của Tôn Ngộ Không. Trước đây, hắn ta nhận lời Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ là miễn cưỡng, nhằm thoát khỏi Ngũ Hành Sơn mà thôi. Ngay khi gặp Long Vương, được hỏi có muốn về Hoa Quả Sơn hay không, Ngộ Không đã lộ tâm cơ: “Ta cũng muốn thế, nhưng lại phải làm hòa thượng”.
Phải sau khi “ngắm tranh” của Long Vương xong thì hắn mới một lòng một dạ phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh, muốn tu thành chính quả. Cũng có thể nói, Long Vương đã rất tài tình trong việc khuyên nhủ Tôn Ngộ Không, dựa theo tính cách của đối phương mà đưa lời.