Lê Như Hổ đi sứ Trung Quốc, ăn hết mâm cỗ cao 18 tầng

Google News

Một lần vâng mệnh vua đi sứ phương Bắc, Lê Như Hổ đánh chén hết mâm cỗ cao 18 tầng khiến vua quan nhà Minh kinh ngạc, nể phục. Trong chuyến đi sứ này, Lê Như Hổ học được nghề làm dù đem về truyền lại cho dân.

Câu chuyện về tiến sĩ Lê Như Hổ

Lê Như Hổ (1511-1581) người xóm Vông, xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ (nay thuộc xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên). Ngày nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, hiếu học và ăn khỏe, có sức hơn người nên được gọi là Như Hổ. Dân làng Vông vẫn thường gọi Lê Như Hổ là Cụ Nghè Tiên Châu hay Quan Nghè Lê Như Hổ.

Tương truyền, Lê Như Hổ là người có sức vóc to lớn, khôi ngô, vạm vỡ. Khi trưởng thành do nhà nghèo nên Lê Như Hổ phải ở rể một nhà giàu có, mỗi bữa ông ăn hết nồi cơm thổi 16 đấu gạo, ăn càng nhiều học càng chăm. Năm 30 tuổi, tài văn chương của ông đã nổi tiếng khắp nơi. Khoa thi năm Tân Sửu (1541) đời Mạc Hiến Tông, ông đỗ Tam giáp tiến sĩ, sau làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh. Có nhiều giai thoại về tài ăn khỏe của ông như: Trong bữa tiệc mừng bạn đỗ đồng khoa với ông là Nguyễn Thanh quê Thanh Hóa, Lê Như Hổ sai giết bốn con lợn béo, thổi bốn chõ xôi, dọn hai mâm cỗ. Nguyễn Thanh chỉ ăn hết một phần. Lê Như Hổ ăn hết phần mình rồi lại ăn hết mâm cơm của Nguyễn Thanh. Nguyễn Thanh thất kinh nói: "Ngày xưa có ông Trạng Mộ Trạch (tức Lê Nại) ăn khỏe lắm. Bây giờ tôi thấy ông ăn khỏe hơn cả ông Mộ Trạch". Một lần vâng mệnh vua đi sứ phương Bắc, ông đánh chén hết mâm cỗ cao 18 tầng khiến vua quan nhà Minh kinh ngạc, nể phục. Trong chuyến đi sứ này, Lê Như Hổ học được nghề làm dù đem về truyền lại cho dân.

Le Nhu Ho di su Trung Quoc, an het mam co cao 18 tang

Tranh vẽ Lê Như Hổ. Ảnh: Giáo Dục.

Ông làm quan đến chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo, tước Quận công và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Nay, tại Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) vẫn còn bia đá lưu danh Lê Như Hổ. Theo những tư liệu còn lưu trên các bia đá ở Văn miếu Xích Đằng thì Lê Như Hổ là người có chức vụ cao nhất được lưu danh trong những người ở Trấn Sơn Nam đỗ Tiến sĩ. Ông là người kỳ tài cả văn lẫn võ.

Sau khi về quê an trí, Tiến sĩ Lê Như Hổ được vua triều Mạc ban cho toàn bộ đất đai thuộc địa bàn xã Hồng Nam ngày nay. Theo các cụ già trong thôn kể lại, xưa kia đây là vùng đất sình lầy, Lê Như Hổ đã hướng dẫn người dân khai mương làm thủy lợi tưới tiêu, thau chua, rửa mặn cho vùng đất này để trồng lúa nước. Con sông đào kéo dài từ cống Viên Tiêu (xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên) đến chân Cầu Dí (xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên) mang tên người là chứng tích còn lại đến nay.

Lê Như Hổ thọ 71 tuổi. Khi ông mất được vua ban cho một cái quan tài bằng đồng và vua Minh cũng sai quan sang phúng viếng.

Năm 1938, Lê Linh từ được xây dựng trên địa bàn xóm Vông, thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên (ngày nay) để thờ ngài. Trong đền thờ có rất nhiều câu đối ca ngợi tài đức của ông, trong đó có câu:

"Tam giáp khoa danh khai địa thắng

Lưỡng triều quan tước thụ văn phong"

Hàng năm vào ngày kỵ nhật của Tiến sỹ Lê Như Hổ (26.1 âm lịch), dân làng trong thôn lại tổ chức cúng cáo, rước hương đăng, hoa quả xuống lăng mộ (cánh đồng Lăng, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam) để tưởng nhớ công lao của người.

Sau những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương để trùng tu, tôn tạo, năm 2008, cụm di tích đình, đền, lăng mộ Lê Như Hổ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 
Theo Thu Yến/ Dân việt

>> xem thêm

Bình luận(0)