Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn – kẻ chinh phục vĩ đại trong lịch sử nhân loại – chết sau khi buộc Tây Hạ phải đầu hàng. Cái chết của ông đến nay vẫn còn là "màn sương mờ mịt" nhất đối với các nhà nghiên cứu lịch sử,.
Theo ghi chép của Marco Polo – người châu Âu đầu tiên thực hiện hành trình xuyên Á thời Trung cổ – Thành Cát Tư Hãn chết vì một mũi tên độc bắn trúng đầu gối. Tuy nhiên, Mông Cổ bí sử - cuốn chính sử của người Mông Cổ - lại cho rằng, Thành Cát Tư Hãn chết do bị ngã ngựa trong một chuyến đi săn.
Giống như cái chết của “chiến thần Mông Cổ”, địa điểm nơi đặt lăng mộ ông cũng là bài toán chưa có lời giải đối với các học giả hiện đại. Suốt cuộc đời chinh chiến, Thành Cát Tư Hãn cùng đội kỵ binh nổi tiếng thế giới của mình đã càn quét từ Á sang Âu, cướp bóc và thống trị vô số thành trì giàu có.
Theo Qulishi, lăng mộ Thành Cát Tư Hãn chắc chắn chứa vô vàn châu báu, bảo vật phong phú của các nền văn hóa phương Tây, phương Đông. Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn thậm chí còn giàu có gấp trăm lần lăng Tần Thủy Hoàng nổi tiếng ở Thiểm Tây, Trung Quốc.
Điều chắc chắn duy nhất mà các tài liệu lịch sử về Thành Cát Tư Hãn đều thống nhất đó là thi thể Thành Cát Tư Hãn đã được đưa về Mông Cổ sau khi ông qua đời. Nhiều sử gia Mông Cổ cho rằng Thành Cát Tư Hãn được chôn cất gần con sông Onon. Theo ghi chép của Marco Polo, Thành Cát Tư Hãn có thể được an táng ở vùng núi Altay – nơi nhiều vị vua Mông Cổ yên nghỉ.
Mông Cổ bí sử không ghi chép một chữ nào về lăng mộ Thành Cát Tư Hãn. Rất có thể vị trí lăng mộ đã bị xóa khỏi dòng chính sử. Đến ngày nay, người dân Mông Cổ vẫn không muốn thế giới tìm thấy lăng mộ vị thủ lĩnh vĩ đại của họ. Nhiều lời đồn cho rằng lăng mộ Thành Cát Tư Hãn được bảo vệ bởi một lời nguyền chết chóc. Tuy nhiên, bất cứ lời nguyền nào cũng không đủ độc địa để giới khảo cổ ngừng cuộc tìm kiếm lăng mộ của ông.
Năm 2001, Maury Kravitz – doanh nhân giàu có nổi tiếng Chicago (Mỹ) – đã tổ chức cuộc truy tìm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở vùng núi Khentii, phía Bắc Mông Cổ. Sau 4 lần tìm kiếm hết sức tốn kém đều thất bại, chính phủ Mông Cổ ra lệnh cấm nhóm khảo cổ của Maury Kravitz đào bới ngọn núi trên.
Trước đó vào năm 2000, một nhóm các nhà khảo cổ nổi tiếng Trung Quốc tuyên bố họ đã tìm thấy lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở một ngọn núi phía Tây Bắc khu tự trị Tân Cương. Tuy nhiên, nhóm khảo cổ sau đó không đưa ra được bằng chứng nào cho phát hiện của mình.
Theo truyền thuyết, Thành Cát Tư Hãn khi còn trẻ đã lên đỉnh núi Khentii để trốn kẻ thù truy sát. Đứng trên đỉnh núi, ông cầu nguyện trời cao ban cho mình sức mạnh để thống nhất các bộ lạc Mông Cổ.
Ý nguyện của Thành Cát Tư Hãn sau đó trở thành hiện thực và ông cho rằng núi Khentii đã ban sức mạnh cho mình. Khentii trở thành ngọn núi thiêng của người Mông Cổ. Thời Trung cổ, Khentii có tên là Burkhan Khaldun (tiếng Mông Cổ nghĩa là Đại cấm địa).
Năm 2009, Albert Lin với sự tài trợ của kênh National Geographic, đã tổ chức cuộc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn với quy mô lớn ở núi Khentii. Phương pháp khảo cổ của nhóm này rất tiên tiến, không phải đào xới địa hình nên được dư luận hưởng ứng. Nhóm khảo cổ đã phát hiện một số lượng lớn cổ vật khá đa dạng như các đầu mũi tên, sản phẩm gốm… ở vùng núi Khentii rộng hơn 10.000 km vuông.
Trong một nỗ lực khác, Viện Viễn thông và Công nghệ thông tin tại Trường đại học California (Mỹ) đã sử dụng công nghệ 3D với độ phân giải cao để tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn quanh vùng núi Khentii với sự giúp đỡ của hơn 10.000 tình nguyện viên. Tuy nhiên, thông tin về lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn bặt vô âm tín.
Theo Qulishi, manh mối dẫn đến lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn đã bị những người con và tướng lĩnh trung thành với ông giấu kín bằng một biện pháp duy nhất: Giết chóc.
“Khi đưa thi hài Thành Cát Tư Hãn từ Tây Hạ về quê hương, các binh lính Mông Cổ tàn sát bất cứ ai họ gặp trên đường đi. Sau khi Thành Cát Tư Hãn an táng trong lăng mộ, 1.000 con ngựa được điều tới để giẫm nát toàn bộ dấu vết còn sót lại. Lều được dựng lên để che chắn và cây cỏ được trồng xung quanh lăng mộ cho đến khi mặt đất trở lại trạng thái bình thường. Nhóm lính làm nhiệm vụ chôn cất Thành Cát Tư Hãn bị buộc tự vẫn hoặc bị giết bởi một nhóm lính khác để bảo vệ bí mật”, Qulishi viết.
Năm 2002, một nhóm các nhà khảo cổ học Mỹ dẫn đầu bởi nhà sử học Woods của Đại học Chicago tuyên bố đã tìm thấy lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở một ngọn núi cách thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ khoảng 200km về phía Bắc. Tuy nhiên, họ không thể khai quật lăng mộ bởi “lời nguyền”.
Theo nhóm này, lăng mộ Thành Cát Tư Hãn được bảo vệ bởi một bức tường dài hơn 2 km. Có nhiều con rắn bất ngờ xuất hiện và phun nọc độc khi thành viên của đoàn khảo cổ đào tới bức tường. Thêm vào đó, nhiều chiếc xe của đoàn bỗng lao đầu xuống núi mà không rõ lý do. Nhiều người Mông Cổ cũng lên án đoàn khảo cổ Mỹ vì cho rằng tổ tiên của họ đang bị xúc phạm. Cuối cùng nhóm khảo cổ của sử học Woods phải quay về Mỹ trong tiếc nuối.
Theo trang nghiên cứu lịch sử Grunge, sở dĩ lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn đến nay vẫn chưa được tìm thấy là do thi thể ông được an táng một cách hết sức đơn giản.
“Thi thể kẻ chinh phạt vĩ đại được chứa trong chiếc quan tài khoét từ một thân cây lớn. Sau khi lấp đất lại, hàng ngàn con ngựa được xua tới để xóa sạch dấu vết. Ở vị trí đặt mộ, những tướng lĩnh trung thành với Thành Cát Tư Hãn sẽ giết một con lạc đà con ngay trước mặt mẹ nó. Năm sau, họ thả lạc đà mẹ ra. Nó sẽ tự tìm đến nơi con non bị giết và chảy nước mắt. Các tướng lĩnh tổ chức lễ giỗ lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cho Thành Cát Tư Hãn. Sau đó không ai lui tới nữa”, Grunge mô tả.
Grunge cũng đề cập tới một số giả thuyết khác cho rằng, Thành Cát Tư Hãn được chôn cất theo hình thức thủy táng. Các tướng lĩnh đã vùi quan tài đá cùng vô số châu báu của ông xuống đáy hồ Issyk-Kul, nằm ở phía Đông Bắc Kyrgyzstan ngày nay. Có truyền thuyết lại cho rằng quân lính của Thành Cát Tư Hãn đã chuyển dòng cả một con sông để làm nơi an nghỉ cho vị thủ lĩnh của họ.
Ngoài khan hiếm tư liệu lịch sử, cuộc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn còn gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật.
Diện tích Mông Cổ rất lớn, nhiều vùng hoang vu không có người ở. Mông Cổ rộng gấp 7 lần diện tích nước Anh nhưng hệ thống giao thông chỉ bằng 2%. Mật độ dân số Mông Cổ cực thấp, có thể nói thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong điều kiện đó, việc tìm ra một ngôi mộ chẳng khác nào mò kim đáy biển.
Cuối cùng sau những nỗ lực tìm kiếm kéo dài gần 8 thế kỷ, thế giới vẫn không thu được một manh mối nhỏ nào để xác định vị trí lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn.