Lâm Thị Mỹ Dạ - một đời thơ cay đắng, ngọt ngào

Google News

Vào lúc 5h sáng nay, ngày 06 tháng 07 năm 2023, trái tim nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã ngừng đập, một thiên thần với vẻ đẹp trong sáng vô ngần đã bay về trời.

Số phận cho cay đắng và ngọt ngào
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18/9/1949 tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bà học Trường viết văn Nguyễn Du những năm 1978 đến 1983.
Lam Thi My Da - mot doi tho cay dang, ngot ngao
 Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: L.V.T.
Lâm Thị Mỹ Dạ từng làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương, là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.
Vào năm 1971, khi mới 22 tuổi, Lâm Thị Mỹ Dạ đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài “Khoảng trời, hố bom” (tác phẩm từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp ba). Cũng từ đây, cái tên Lâm Thị Mỹ Dạ đã được người yêu thơ biết đến.
Sau đó, bà đã đoạt rất nhiều giải thưởng về văn chương. Năm 2007, bà được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983), Đề tặng một giấc mơ (1988).
Tên tuổi gắn với nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu thích như: “Chuyện cổ nước mình” (thơ, 1978; Hái tuổi em đầy tay” (thơ, 1989), “Mẹ và con” (thơ, 1994); “Đề tặng một giấc mơ” (thơ, 1998); “Cốm non” (thơ, 2005) “Hồn đầy hoa cúc dại” (thơ, 2007)...
Trong đó, bài thơ “Truyện cổ nước mình” cũng được đưa vào sách giáo khoa. Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Hoa Kỳ.
Thế nhưng, khi nói về con đường văn chương, trong một chia sẻ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cho biết, bà đã không thể ngờ mình có thể dấn bước trên con đường mình yêu thích dài lâu như thế. “Số phận đã cho tôi nỗi cay đắng và cũng cho tôi sự ngọt ngào. Đến bây giờ nhìn lại vốn liếng văn thơ của mình tôi vẫn còn thấy lạ”, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chia sẻ.
Người cũng như thơ: dịu dàng, nhân hậu, trong sáng vô ngần
Kể về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Khoảng trời, hố bom”, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chia sẻ, năm 1970, chị đi thực tế trên tuyến đường Trường Sơn đã gặp một tiểu đội gồm 7 cô gái thanh niên xung phong. Chị hỏi người tiểu đội trưởng có vẻ lớn tuổi hơn so với các bạn của mình rằng vì sao giải ngũ, thì được nghe một câu chuyện buồn ám ảnh.
Lam Thi My Da - mot doi tho cay dang, ngot ngao-Hinh-2
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ. 
Chị tiểu đội trưởng kể với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ rằng cáchđây 3 năm, khi 24 tuổi chị đã được giải ngũ về quê. Giây phút gần về tới làng, chị chạy như bay, tưởng tượng giây phút đoàn viên. Thế nhưng, khi về đến nơi, trước mắt chị là một hố bom sâu hoắm. Ông bà, cha mẹ, anh em của chị đều nằm dưới hố bom... Chị ngất đi trước nỗi đau quá lớn. Thế rồi, chị quyết định khoác ba lô trở về đơn vị, tiếp tục chiến đấu trả thù cho người thân...
Đầu năm 1972, khi máy bay Mỹ quần đảo, ném bom triệt phá con đường lưu thông Nam - Bắc. Trong một lần nhìn xuống hố bom, nước đọng lại khoảng trời trong ngắt, một cánh chim bay qua, cả mặt trời cũng như dừng lại. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bỗng nghĩ tới những người lính đã hy sinh, và thầm liên tưởng, biết đâu họ cũng đã biến thành khoảng trời dưới hố bom này?
Chị đã gọi thầm tên những người lính đã ngã xuống, nhưng chỉ có khoảng trời xanh vời vợi đối diện chị trong im lặng. Trong niềm xúc cảm mãnh liệt, chị đã viết một mạch bài thơ “Khoảng trời, hố bom”.
Nói về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã gọi bà là một thiên thần bay xuống trần gian bởi gương mặt đẹp và thánh thiện, tâm hồn trong sáng vô ngần bởi những câu thơ của bà luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng.
“Ngay cả những câu thơ chị viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp ấy:
"Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau"”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Lam Thi My Da - mot doi tho cay dang, ngot ngao-Hinh-3
 Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và chồng - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ảnh chụp năm 1973. Ảnh: TN.
Trong ký ức của những bạn văn, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là người được gia đình bạn bè nể trọng không chỉ vì tài năng mà còn vì cách sống với một tấm lòng nhân hậu, ấm áp, nghĩa tình, hết lòng với bạn bè.
Năm 1998, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường – chồng của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bị tai biến. Từng ấy năm, nhà thơ đã chăm sóc chu đáo cho chồng, “không rời chồng nửa bước”. Nhưng có lẽ, cộng lại gánh nặng của những vất vả, suy nghĩ, bản thân bà những năm gần đây đã mắc căn bệnh Aizheimer khiến bà mất trí nhớ.
“Giờ bạn đi rồi, hết một đời trần gian vinh quang cũng nhiều mà bị kịch cũng không ít, nhất là những năm cuối đời. Thôi yên nghỉ nhé, mệt mỏi vất vả đủ rồi. Bay đi thanh thản với trời xanh mây trắng”, nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ lời tiễn biệt.

Mời quý độc giả xem video: Cúc họa mi - Nàng thơ Hà Nội ngày chớm đông | VTV24. 



Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)