Tọa lạc ở xã Long Đức, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5 km về phía Bắc, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng ở miền Tây Nam Bộ. Tỉnh đoàn Trà Vinh vừa hoàn thiện công trình số hóa di tích này.
Biểu tượng cho tấm lòng của nhân dân Trà Vinh với Bác Hồ
Ngược dòng thời gian, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu vĩnh viễn đi xa. Đây là nỗi đau, sự mất mát to lớn không gì bù đắp được của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam. Tin dữ này đã làm bàng hoàng người dân Nam Bộ, nơi vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của đế quốc và tay sai.
Bất chấp sự cấm đoán gắt gao của địch, nhiều gia đình ở Long Đức, Trà Vinh lập bàn thờ ngày đêm hương khói cho Bác Hồ. Ý nguyện của nhân dân Long Đức về một nơi khang trang để cộng đồng làng xã bày tỏ lòng thành kính biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề đạt lên Đảng bộ địa phương. Tỉnh ủy Trà Vinh đã thảo luận, thống nhất và chấp thuận chủ trương xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Long Đức.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1970 tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh. Sau gần 11 tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng, bất chấp mọi gian khổ hy sinh trước sự càn quét, đánh phá điên cuồng của địch, Đảng bộ, quân dân xã Long Đức đã hoàn thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính thức khánh thành vào đúng ngày 30 Tết Tân Hợi (ngày 26/1/1971). Khi mới xây dựng, đền có kết cấu đơn sơ. Chỉ sau 7 ngày khánh thành, đã có trên 10.000 lượt người dân thuộc các tầng lớp nhân dân khắp nơi trong tỉnh đến thắp hương, tưởng nhớ Bác.
|
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Long Đức, Trà Vinh. Ảnh: Du lịch Trà Vinh. |
Từ khi ngôi đền được xây dựng, quân và dân Trà Vinh thường xuyên chống trả những cuộc càn quét dữ dội của quân địch nhằm phá hủy ngôi đền. Vào ngày 10/3/1971, đền bị đốt cháy. Đầu năm 1972, một số người dân Long Đức lại góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới. Sau đó, đền lại bị đốt cháy mấy lần nữa, trong đó lần cuối là vào chiều ngày 9/4/1975. Ngày 29/4/1975, chỉ trước một ngày trước ngày giải phóng Sài Gòn, ngôi đền lại bị bom đạn làm hư hỏng một phần.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trùng tu, tôn tạo cảnh quan trên diện tích rộng hơn 7 ha. Các hạng mục chính của di tích gồm cổng chào, nhà dừng chân, nhà truyền thống, đài tưởng niệm. Trung tâm của di tích là ngôi đền thờ được xây dựng theo kiểu hình khối vuông, nóc bánh ú, mái lợp lá, nền láng xi măng. Những di vật trong đền thờ hiện có: Ba bộ lư đồng vuông, một lư hương tròn, 2 lục bình bằng đồng, 5 tấm màn chắn, 2 đôn sứ hình voi, Chân dung Bác Hồ (chất liệu sơn dầu), 1 bộ bình trà, 2 bàn thờ gỗ khảm xà cừ, 1 tủ thờ gỗ khảm xà cừ... Nhà truyền thống trong khu di tích trưng bày rất nhiều hiện vật, tài liệu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Bác và truyền thống đấu tranh anh dũng của quân dân tỉnh Trà Vinh. Khuôn viên của ngôi đền rộng rãi, thoáng đãng, được trồng rất nhiều cây xanh, trong đó có những loại cây ăn trái quen thuộc của vùng đất Nam Bộ.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng bất diệt, tấm lòng son sắt của nhân dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong nước, quốc tế đã viếng, tham quan ngôi đền.
Tháng 9/1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và là khu di tích cấp quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Số hóa để nâng tầm di tích
Theo Cổng thông tin điện tử Tỉnh Trà Vinh, sau thời gian nghiên cứu triển khai, công trình số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tỉnh đoàn Trà Vinh hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng.
|
Giao diện website số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Chỉ với một thiết bị điện tử thông minh có kết nối Internet và thực hiện thao tác quét mã QR tại khu di tích hoặc truy cập vào đường dẫn https://denthobac.tinhdoantravinh.vn/, người dân, du khách có thể tham quan với trải nghiệm sinh động, trực quan thông qua công nghệ hình ảnh 360° kết hợp video clip, âm thanh thuyết minh, góc nhìn từ trên cao.
Công trình số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch tại địa phương.
|
Mã QR truy cập vào website số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Việc tích hợp mã QR vào địa điểm du lịch cũng là sự sáng tạo trong quảng bá du lịch, giúp người dân, du khách tìm hiểu và tham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống. Đồng thời, cung cấp tài liệu, hình ảnh về di tích lịch sử một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả mà còn bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của khu di tích… góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống theo hướng số hóa, hiện đại.
Cùng với việc số hóa Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thực hiện số hóa 32 điểm di tích lịch sử, bảo tàng trên địa bàn tỉnh.