“Người tài là một tài nguyên, nhưng tài nguyên đáng quý, đáng trọng nhất là tài dùng người tài. Cụ Hồ có tài dùng người tài và trọng trí thức”, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chia sẻ.
“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, Việt Nam có truyền thống hiếu học, trọng học, trọng trí thức. Trên tấm bia văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có đoạn viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc nên hơn ai hết đã thấu hiểu sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam không thể không huy động tối đa vai trò của trí thức. Trong những năm bôn ba nước ngoài, mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn và bận trăm công nghìn việc, Người vẫn không ngừng tự học, nâng cao trình độ để tự mình trở thành một trí thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964. (Ảnh tư liệu).
Chính vì tinh thần cầu thị và trọng trí thức nên Nguyễn Ái Quốc nhận được sự cảm tình và giúp đỡ hết sức quý báu của nhiều trí thức Pháp và Việt kiều, trong đó đặc biệt phải kể đến nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.
Sau khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công vào tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tư tưởng trọng trí thức khi xây dựng Chính phủ lâm thời. Người đã quy tụ xung quanh mình rất nhiều những trí thức yêu nước có tài, có đức và uy tín trong nhân dân để cùng gánh vác việc nước.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ hai tháng sau lễ Tuyên ngôn độc lập, khi mà chính quyền cách mạng non trẻ đang còn như ngàn cân treo sợi tóc, lại phải gồng mình chống đỡ với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đích thân đến chủ trì lễ khai giảng và trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Việt Nam.
Cùng tháng đó, Người viết trên báo Cứu Quốc bài “Nhân tài và kiến quốc”, nêu rõ quan điểm kiến thiết cần phải có nhân tài.
Một năm sau, khi cuộc chiến chống thực dân Pháp đã cận kề, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Thông lệnh Tìm người tài đức, trong đó nêu rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Đây chẳng khác gì một “chiếu cầu hiền”.
Học Bác Hồ cách dùng người tài
GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ, ông học ở Bác Hồ rất nhiều, nhưng có hai điều ông tâm đắc nhất. Đầu tiên là sự trung thực. Sự trung thực ở đây chính là sự không phô trương, không hình thức, màu mè. Điều này vô cùng cần thiết đối với trí thức. Nhiều người hay gắn phẩm chất này với tính giản dị của Bác Hồ. Tuy nhiên, theo ông, giản dị là hình thức khác, còn trung thực là cái thực chất, không giả dối.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Điều tâm đắc thứ hai mà GS Vũ Minh Giang học được ở Bác Hồ, đó là trọng trí thức, trọng người tài. Với những người có tài, Bác Hồ luôn tìm mọi cách, tạo điều kiện cao nhất để họ phát triển.
“Đây là phẩm chất rất quan trọng của lãnh tụ. Bởi người tài là một tài nguyên. Nhưng tài nguyên đáng quý nhất, đáng trọng nhất là tài dùng người tài. Cụ Hồ có tài dùng người tài và trọng dụng trí thức”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nói.
TSKH Vũ Minh Giang cho hay, ông từng trải qua vị trí quản lý từ cấp thấp đến cao hơn, từ chủ nhiệm một khoa của trường đại học, tới Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông học Bác ở việc luôn chú trọng tới việc tìm ra cái tài, cái hay của người khác để nâng đỡ, sử dụng.
Khi Ban Tổ chức Trung ương mời ông tham gia góp ý, giúp xây dựng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, ông đưa ý kiến, sau đó được dùng trong Nghị quyết. Đó là kiên quyết không sử dụng những người đố kỵ người tài vào vị trí lãnh đạo các cơ quan khoa học và đội ngũ trí thức. Điều này ông học được từ phẩm chất, tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không chỉ trọng thị, Bác còn còn thấu hiểu, cảm thông với trí thức
Một trong những điểm nổi bật trong cách dùng người tài của Hồ Chủ tịch, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, đó là sự thấu hiểu, cảm thông với trí thức.
Với tâm nguyện trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, trong thời gian công tác ở Pháp năm 1946, Hồ Chủ tịch đã cảm hoá nhiều trí thức tài giỏi từ bỏ cuộc sống đủ đầy, tương lai cá nhân rộng mở, về nước tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu quốc đầy hy sinh, gian khổ.
Sức cảm hoá của Hồ Chủ tịch đối với trí thức không chỉ ở thái độ trọng thị, mà còn là sự thấu hiểu, cảm thông. Người từng khẳng định, việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản bội lại quyền lợi Nhân dân là có thể dùng được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các trí thức năm 1964. Ảnh http://baotanglichsu.vn.
Giải thích thêm, GS.TSKH. Vũ Minh Giang cho hay, đối với trí thức, người tài, họ có thể có những "đặc điểm" riêng. Chẳng hạn, với người thực tài, họ không giỏi nịnh bợ, lấy lòng người khác; hoặc đôi khi, đi cùng cái tài lại có một số "lệch chuẩn" thông thường, như các cụ vẫn thường nói "tài đi liền với tật"... Vì thế, nếu xét nét, soi mói, nhìn người tài với những "chuẩn" thông thường thì không dùng được họ. Bác Hồ biết được đặc tính ấy của trí thức, đó chính là sự thấu hiểu, cảm thông, cái tài trong cách dùng người tài của Người.
Một điểm đáng chú ý nữa trong cách dùng người tài của Người, đó là Bác Hồ còn chỉ đạo không được bỏ rơi những nhân tài ngoài Đảng mà phải thật thà đoàn kết, nâng đỡ, thân thiết, gần gũi để họ đem tài năng ra giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Đây là tư tưởng nhất quán của Người về sử dụng trí thức: Đã dùng thì phải tin, phải tin mới dùng.
Ngày 15/8/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
“Đây là cuộc gặp lịch sử giữa vị lãnh tụ anh minh với đại diện giới trí thức. Từ đây, tư tưởng của Người về trí thức ngày càng thấm sâu trong quan điểm của Đảng và từng bước được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách của Nhà nước”, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho hay.