“Rất nhiều người nói rằng xây nhà là dịp để họ nhìn lại gia đình cũng như quãng đời đã qua của mình”. Thế nhưng, trong ngôi nhà kiến trúc sư Kazuto xây lên để làm mẫu cho triết lí thiết kế đó lại đang trải qua những tháng ngày hết sức tăm tối. Khi cậu con trai cả của anh vướng vào một vụ án mạng tuổi vị thành niên. Mà liên quan theo hướng nào, hung thủ hay nạn nhân, cũng đều “quá cay đắng và nghiệt ngã” với những con người sống trong ngôi nhà đấy.
Hung thủ?
Là cuốn sách được gắn với thể loại “trinh thám” nhưng Hy vọng mong manh có lẽ gần với thể loại tâm lí xã hội mang màu sắc trinh thám nhiều hơn bởi cả câu chuyện, quá trình điều tra phá án không phải trọng tâm tác giả Shizukui Shusuke hướng tới mà điều ông tập trung khắc họa, là sự ngột ngạt, chênh vênh của nội tâm những ai thuộc về phía người thân của kẻ hiện chưa rõ sẽ dính líu tới vụ án theo khía cạnh nào. Cùng với đó là cả búa rìu dư luận, sự phán xét cực đoan đến độc đoán của xã hội để thỏa mãn cái “tôi chính nghĩa” nửa vời, trong bối cảnh sự việc còn chưa ngã ngũ.
|
Hy vọng mong manh do Nhã Nam phát hành tháng 6 năm 2022 qua bản dịch của Mai Khanh.
|
Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, án mạng tại Tozawa được Shizukui Shusuke dựng lên trong tiểu thuyết Hy vọng mong manh mang tính chất cực kì nghiêm trọng. Ở đó, không chỉ thể hiện sự tàn bạo của hung thủ lên thân xác một nạn nhân yếm thế mà hơn hết, vụ án này do một nhóm hung thủ độ tuổi vị thành niên thực hiện. Tất cả thu hút toàn bộ ánh nhìn của xã hội theo từng diễn biến vụ án từ phía điều tra viên, cánh truyền thông, phía gia đình người bị hại và cả phía gia đình kẻ bị tình nghi đang mất tích.
Một xác chết, ba đứa trẻ mất tích nhưng người ta lại chỉ nhìn thấy bóng dáng hai đứa chạy thoát? Không ai biết danh tính cụ thể hai đứa trẻ kia hay một đứa trẻ nữa hiện ở đâu.
Bằng bút pháp cực tả trong một điểm không gian hẹp, Shizukui Shusuke không dàn trải tình tiết mà trên trang viết Hy vọng mong manh ông chỉ tập trung vào việc khắc họa sự dồn ép của người đời tựa hiệu ứng domino tới một gia đình, một cá nhân cụ thể. Và với lối dẫn truyện bậc thầy, Shizukui tiên sinh đã hướng ánh nhìn độc giả, chứng kiến trọn vẹn việc người ta hiếu kì, nhiều chuyện, quy kết tội lỗi cho một đứa trẻ đang mất tích ra sao, đẩy một gia đình đến bờ vực mâu thuẫn, sụp đổ như thế nào. Xuất phát từ niềm thương cảm cho nạn nhân ư? Hay vốn cộng đồng mạng, bản tính con người luôn thích đóng vai trò quan tòa phán xét?
Tuy nhiên, nếu xã hội kết tội đứa trẻ Tadashi, con trai kiến trúc sư Kazuto là hung thủ bằng thứ chính nghĩa đầy bốc đồng cùng sự tò mò, thích phán xét đến cuồng dại thì bản thân những người trong gia đình cậu bé lại mang “hi vọng mong manh” cậu là hung thủ, bởi hai chữ “sinh mạng”. Rằng, “bia miệng” thiên hạ không quan trọng, chỉ cần còn sống, sẽ có cơ hội làm lại từ đầu.
“Con muốn thằng bé còn sống… Con chỉ muốn thằng bé còn sống thôi mà…”.
Là nỗi lòng của đấng sinh thành, là hi vọng và có lẽ, cũng có cả một phần niềm tin ích kỉ trước bi kịch bủa vây, bởi đối diện dư luận xã hội với đủ tầng tầng lớp lớp thông tin nhiễu loạn và hai trường hợp mà sự thật cuối cùng thế nào cũng đưa tới khổ đau, người ta hẳn, chỉ có thể chọn lựa, bám lấy thứ niềm tin yếu ớt mà vực dậy tinh thần mà thôi.
Mấy tiếng “người nhà hung thủ” là tương lai đầy mơ hồ treo trên đầu gia đình Kazuto. Song bi kịch họ đang ngày ngày trải qua lại là hiện thực. Hiện thực rằng họ đang bị cô lập và tước mất tất cả những quyền cơ bản nhất của con người. Không gian truyện vốn hẹp, lại càng trở nên dồn nén; tựa như ngôi nhà Kazuto thiết kế, dần trở thành nấm mồ, chôn vùi chính những con người sống trong đó vào một thứ thực tại nghiệt ngã cùng tương lai mịt mờ.
Nhưng cuối cùng, giữ được sinh mệnh thì sao? Khi mà “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ?”.
Nạn nhân?
Hiện thực vụ án đặt ra, bên cạnh trường hợp đứa trẻ có tên Tadashi là hung thủ còn có khả năng khác - cậu bé có thể là nạn nhân.
Một xác chết, ba đứa trẻ mất tích nhưng người ta lại chỉ nhìn thấy bóng dáng hai đứa chạy thoát? Không ai biết danh tính cụ thể hai đứa trẻ kia hay tại sao một đứa trẻ nữa, hiện ở đâu.
Và dường như, không một ai, từ người thân nạn nhân, giới truyền thông, thậm chí cả người thân đứa trẻ có tên Tadashi ấy nhìn nhận cậu cũng là một nạn nhân để một lần, có thể sẻ chia nỗi đau cho cậu bé. Cũng như không một ai đi đến tận cùng để suy xét, đứa trẻ đang mất tích và bị tình nghi là tòng phạm, chịu đủ lời lẽ độc địa của thiên hạ kia là người như thế nào? Những lời đồn thổi hời hợt, lối lấy tin, dựng phóng sự theo hướng “mì ăn liền”, dựng lên chân dung một con người, bản tính một cá nhân sơ sài mà vẫn đủ khiến người ta tin theo, chẳng suy xét.
Phải chăng, giữa thế giới bao la, truyền thông nắm trong tay thứ quyền lực áp đặt và không gian mạng vàng thau lẫn lộn, kích động, dẫn dắt đám đông dư luận dễ dàng đến thế? Người ta máu lạnh và cũng thật tàn nhẫn. Người ta mất lí trí và như cũng mất đi lí tính. Người ta sẵn sàng đẩy những kẻ ngoại lai, mang theo suy nghĩ khác biệt với cộng đồng đến ranh giới đổ vỡ nhận thức về con người cùng niềm tin họ gây dựng: “Kì lạ thay, khi một người suy nghĩ theo hứng bóp méo sự thật thì xung quanh sẽ xuất hiện bầy không khí hùa theo. Và thế là cái suy nghĩ méo mó ấy sẽ càng ngày càng vững chắc”.
Dẫu biết rằng, nạn nhân hay hung thủ, kết quả cuối cùng là gì cũng đều quá đỗi đớn đau với người ở lại. Nhưng trước những kẻ hiếu kì lấy nỗi đau, bi kịch của người khác làm trò mua vui, câu chuyện chốn trà dư tửu hậu thỏa mãn sở thích ích kỉ cùng tính ưa bạo lực thì có lẽ việc đẩy một cá nhân đến phía kẻ thủ ác nhằm tiếp tục kéo dài câu chuyện kích thích chưa rõ ràng là điều họ mong muốn hơn hết thảy. “Thật kì lạ, tôi lại mong giá mà cháu Tadashi là hung thủ”.
Bởi vậy… coi một đứa trẻ đang mất tích là “nạn nhân”, dù đau đớn đấy nhưng lại như cách cứu rỗi trái tim, tâm hồn những ai đang ngày đêm chịu đựng dằn vặt, dày vò trong muôn vàn nỗi hoài nghi, day dứt; để họ có thể tiếp tục sống một cuộc đời bình thường. Rằng đó là tin tưởng, dù cho niềm tin ấy có xuất phát từ sự ích kỉ về một kí ức đã xa đi chăng nữa. “Tương lai của Kazuto đã được cứu rỗi. Và đúng là nó đã được cứu rỗi bởi Tadashi. Chính vì thế mà gã càng thêm phần cay đắng. Sự sám hối của Miyabi cũng như mũi dao xuyên vào ngực gã”.
Nhưng “tương lai được cứu rỗi” thì sao? Khi mạng sống một đứa trẻ, vốn còn cả tương lai của riêng nó ở phía trước, mong manh tựa thứ hi vọng xa vời phụt tắt? Trăn trở, mâu thuẫn, hi vọng rồi tuyệt vọng, cuối cùng, chỉ còn sự trống rỗng, nỗi hối hận khôn nguôi của những người ở lại mà thôi.
Nỗi đau người ở lại
Một vụ án, ba kẻ tình nghi nhưng Shizukui lại chỉ khắc họa biến động trong sinh hoạt thường ngày lẫn diễn biến nội tâm của riêng gia đình kiến trúc sư Kazuto trong cơn lốc truyền thông bủa vây cùng sự thực đớn đau họ phải đối diện. Và việc tác giả tập trung bút lực để đi sâu, khắc họa từng tình tiết, xáo động cảm xúc tinh tế tinh tế nhất từ những người trong cuộc trước diễn biến vụ án, đã đưa cả tập truyện Hy vọng mong manh gần như không có một chi tiết thừa.
Tất cả đều là hiện thực và mọi thứ đều là bi kịch nhân sinh của một xã hội hiện đại cuồng quay theo thông tin nhiễu loạn, đa chiều. Để rồi sự việc qua đi, có lẽ, chẳng ai còn bận tâm đến nạn nhân hay gia đình họ từng mạt sát. Bạo lực mạng, bạo lực ngôn từ chưa bao giờ trở nên đơn giản đến thế.
Nhưng hơn hết, ở Hy vọng mong manh, vẫn là nỗi đau của những yêu thương lầm lạc tới từ khoảng cách thế hệ, nhận thức như chẳng thể lấp đầy giữa cha mẹ, con cái. Khi đến chính đứa con dứt ruột đẻ ra, sống chung dưới một mái nhà, họ cũng không biết đứa trẻ ấy đã sống và đã khát khao điều gì.
Chỉ khi bàng hoàng nhận ra sự thực họ xa rời con cái thế nào thì cũng là lúc bi kịch đã chẳng thể vãn hồi. “Vào cái lúc vợ chồng gã còn ích kỉ tranh cãi nhau xem mình có tin thằng bé hay không thì nó đã chết như thế này rồi”.
Nên phải chăng, Hy vọng mong manh, cũng chỉ là thứ ảo mộng của những con người, dưới khốn cùng đau thương đang ân hận mà cần một lí do để tồn tại và chuộc lỗi.