Huỳnh Thị Xậm: Nghị lực của nữ họa sĩ vẽ tranh bằng chân

Google News

Bị tật tứ chi bẩm sinh, chỉ có ngón tay và chân cử động được, nhưng chị Huỳnh Thị Xậm đã vượt lên số phận với nghị lực phi thường, vẽ nhiều bức tranh khiến người xem trầm trồ, thán phục.


Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan
 Chị Huỳnh Thị Xậm trong lễ báo công, trao huy hiệu Bác Hồ cho 68 gương điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Loan.

Nỗ lực vượt lên nghịch cảnh

Chị Huỳnh Thị Xậm sinh năm 1978 ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Ngay từ khi sinh ra, chị Xậm đã nhận một số phận kém may mắn khi bị tật cả tứ chi bẩm sinh, chỉ có mấy ngón chân cử động được nhưng rất cứng, không mềm dẻo linh hoạt, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự trợ giúp của người khác.

Hằng ngày, bố mẹ đi làm thuê, làm mướn để nuôi 6 người con, chị Xậm chỉ biết quanh quẩn ở nhà, buồn bã, mặc cảm khi nhìn các bạn được đến trường.

Cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn, khi năm chị Xậm 14 tuổi, cha chị qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Gánh nặng gia đình lúc này dồn hết lên vai người mẹ.
Nhìn cảnh gia đình, nhìn mẹ, chị Xậm ứa nước mắt. Chị quyết tâm làm gì đó để thay đổi số phận, không trở thành gánh nặng gia đình nữa, giúp đỡ cho mẹ và các em. Nhưng để làm được điều đó, chỉ có con đường học tập. Chân tay đều bị liệt, chị Xậm vẫn xin mẹ được cho đến trường. Thương con, mẹ chị đồng ý. Thế là trong khi các bạn đồng trang lứa đã chuẩn bị lên cấp 3, thì chị Xậm mới bắt đầu đi học lớp 1.
Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan-Hinh-2
 Chị Xậm và người mẹ đã luôn dành cho con gái tình yêu vô hạn. Ảnh: NVCC.
Đường đi không có, Xậm được em gái và bạn cùng xóm dùng xuồng chở đến trường. “Những con chữ đầu tiên được viết bằng chân khó nhọc, đau đớn đến trào nước mắt, nhưng cùng với đó là niềm hạnh phúc vô bờ, bởi tôi đã bắt đầu được thực hiện hành trình chinh phục mơ ước, khát vọng của mình”, chị Xậm chia sẻ.
Trải qua chặng đường nhiều gian nan, thử thách, năm 2003, chị Xậm đã chính thức tốt nghiệp THPT.
Năm 2004, trong khi chờ đợi Trung tâm dạy nghề thành lập, chị Huỳnh Thị Xậm được cô Nguyễn Thị Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi TPHCM giới thiệu về "Mái ấm Thành Đạt" để học nghề.
Để học nghề cần đôi tay, Xậm đành tập vẽ bằng mấy ngón chân. Năm 2006, Trung tâm Dạy nghề thành lập, Xậm được Hội Bảo Trợ đưa về học nghề, lớp đầu là khóa vi tính văn phòng, sau đó lớp vẽ tranh.
Sau khi tốt nghiệp khóa học, chị Xậm được Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM sắp xếp làm thủ thư.
Năm 2007 Ban Giám đốc Trung tâm mở lớp xóa mù chữ để chị Xậm và 2 bạn nữa cùng hướng dẫn cho một số bạn đã và đang học nghề chưa biết chữ... Chị Xậm giúp các bạn biết được chữ giống như chị đã từng được giúp đỡ ngày xưa...
Với tinh thần lạc quan, ý chí, nỗ lực vươn lên, chị Xậm đã truyền cảm hứng về nghị lực sống đến rất nhiều người, đặc biệt là người cùng cảnh ngộ.
Xúc động trước cố gắng của chị, Ban Giám đốc Trung tâm tạo điều kiện cho chị vừa làm, vừa học Đại học ngành Xã hội học tại Đại học Mở TPHCM (hệ giáo dục từ xa). Năm 2013, với sự giúp đỡ, yêu thương của rất nhiều thầy cô, bạn bè, chị Xậm đã tốt nghiệp đại học – chạm tay vào ước mơ tưởng chừng như không thể và không ngờ tới.
Cô giáo của lớp học đặc biệt
Từ một cô bé tật cả chân lẫn tay, chị Huỳnh Thị Xậm từng bước đã đạt được những mơ ước của mình. Nhưng để có được điều đó, song hành bên chị là bao trái tim, lòng tốt.
Chị biết ơn Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi TPHCM đã thành lập lên Trung tâm dạy nghề, giúp cho chị cũng như các bạn cùng cảnh học được nghề...). Đặc biệt là cô Đinh Thị Hỏi, nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, với chị Xậm, là cả một sự biết ơn sâu sắc.
Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan-Hinh-3
 Chị Xậm và cô Đinh Thị Hỏi, nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM. Ảnh: NVCC..
“Tôi vượt qua được mọi khó khăn, mặc cảm một phần rất lớn là nhờ cô Đinh Thị Hỏi. Cô là người hỗ trợ tinh thần mỗi khi tôi cần đến. Cô truyền cho tôi niềm tin và sức mạnh, rằng dẫu cho cuộc sống còn nhiều nỗi đau, khiếm khuyết, không được như mong muốn, nhưng hãy sống làm việc hết mình với tinh thần lạc quan, tích cực... Tôi thực sự rất trân quý, biết ơn cô", chị Xậm bày tỏ.
Như một sự tri ân với cuộc đời, chị Huỳnh Thị Xậm cũng đã “cho đi”, tiếp tục giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Trong thời gian làm ở thư viện, chị Xậm đã mày mò học chữ nổi dành cho người khiếm thị, người mù, học cách ra dấu của người khiếm thính, điếc.
Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan-Hinh-4
Lớp học đặc biệt của cô và trò Huỳnh Thị Xậm. Ảnh: NVCC.
Năm 2007, Ban Giám đốc Trung tâm mở lớp xóa mù chữ. Chị Huỳnh Thị Xậm cùng hai người nữa đã hướng dẫn cho những bạn đã và đang học nghề chưa biết chữ. Năm 2013, Xậm xin phép Trung tâm mở lớp xóa mù chữ cho những học viên khiếm thị, những em câm điếc và cả những em bình thường hoàn toàn miễn phí.
Lớp học của cô giáo Xậm thật đặc biệt, cô giáo bị tật tứ chi bẩm sinh, còn học trò cũng đủ mọi hoàn cảnh với những khiếm khuyết về cơ thể. Nhưng tất cả, đều chung một khao khát vươn lên, nghị lực sống và tình yêu thương, chia sẻ, đồng cảm.
“Mỗi khi một học viên biết đọc, biết viết để giao tiếp với cuộc sống, tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc”, chị Huỳnh Thị Xậm chia sẻ.
Gieo niềm tin yêu cuộc sống từ nét vẽ bằng chân
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống về ước mơ, chị Huỳnh Thị Xậm tâm sự, chị có rất nhiều mơ ước, nhưng trong hoàn cảnh của chị, giờ chị chỉ ước theo đuổi được nghề vẽ tranh. Mơ ước này cũng xuất phát từ điểm ban đầu chị đến với việc học vẽ, chị muốn có một nghề phù hợp với sức khỏe yếu ớt của mình.
Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan-Hinh-5
 Họa sĩ vẽ tranh bằng chân Huỳnh Thị Xậm. Ảnh: NVCC.
Năm 2919, đang làm thư viện, chị Xậm bị các cơn đau khớp hoành hành, nhất là khớp gối đang tràn dịch (trong khi chị di chuyển chỉ bằng đầu gối) nên phải xin nghỉ nằm viện hơn 5 tháng. Sau đó do yêu cầu của điều trị phải nghỉ ngơi để hồi phục nên chị Xậm xin nghỉ việc về quê nhà dưỡng bệnh.
Sau thời gian hồi phục được kha khá, chị bắt đầu vẽ tranh để rèn luyện lại nghề đã được học dở dang ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM.
Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan-Hinh-6
 Sắc màu của Xậm - vẽ ước mơ từ đôi chân khó nhọc.
Nhớ lại quãng thời gian học vẽ, chị Xậm chia sẻ, khi học chữ, dùng chân viết chữ đã khó, giờ dùng chân để cầm cọ vẽ, quả thực là một thử thách lớn lao. Không bỏ cuộc, từng chút, từng chút một, chị Xậm quyết tâm thực hiện bằng được.
Phải mất 5 tháng, đôi chân của chị mới điều khiển được cọ vẽ nên những nét thuần thục. Bức tranh đầu tiên được hoàn thành sau 2 năm, là thành quả của biết bao cố gắng, nhọc nhằn.
Sắc màu của Xậm”, chị Xậm đã dùng chính ước mơ của mình để vẽ vào tranh. Những bức tranh của chị Xậm là những khung cảnh đồng quê, thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình… Từ cuộc đời đầy gian khó của mình, chị Xậm đã đưa vào tranh tinh thần lạc quan, nghị lực sống. Như con tằm nhả tơ, chị rút ruột cho ra những tác phẩm của mình, giấu đi nỗi nhọc nhằn.
Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan-Hinh-7
 Những chiếc túi được bán với giá 200.000đ.
Những bức tranh cũng được vẽ với tiến độ nhanh hơn, khoảng vài ngày với tranh trên giấy và vài giờ với tranh vẽ trên túi xách vải. Chị bán tranh với giá chỉ 500.000 đồng/bức tranh và 200.000 đồng/túi xách, được nhiều người yêu thích, biết tới.
Huynh Thi Xam: Nghi luc cua nu hoa si ve tranh bang chan-Hinh-8
 Khách tham quan trầm trồ trước đôi chân tài hoa tại Festival Áo bà ba 2023. Ảnh: NVCC.
Tại Festival Áo bà ba 2023 tổ chức tại Hồ Sen (TP Vị Thanh, Hậu Giang), gian hàng của chị Huỳnh Thị Xậm thu hút rất đông khách tham quan. Nhìn người phụ nữ khuyết tật dùng đôi chân vẽ, nhiều người không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ.
Tháng 11/2023, chị Huỳnh Thị Xậm là một trong số 68 gương điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vinh danh và nhận huy hiệu Bác Hồ.
“Tôi thực sự vui và xúc động và tự hào. Tôi sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục nỗ lực và trao đi yêu thương nhiều hơn nữa. Dẫu cho cuộc sống còn nhiều nỗi đau, khiếm khuyết, không được như mong muốn, nhưng hãy sống làm việc hết mình với tinh thần lạc quan, tích cực...”, chị Huỳnh Thị Xậm chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, người sáng lập lớp học "5 không" đặc biệt truyền cảm hứng. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)