Huyện Sỹ Lê Phát Đạt giàu có cỡ nào mà hơn cả Bảo Đại?

Google News

Trong “Tứ đại phú hộ” nổi tiếng Sài Gòn một thời, thì người giàu có nhất là Lê Phát Đạt (thường được gọi là Huyện Sỹ), không chỉ giàu có nhất Nam kỳ, mà ông được xem là hào phú giàu có bậc nhất Đông Dương.

Xuất thân nghèo khó

Ông Lê Phát Đạt vốn tên là Lê Nhứt Sỹ, sinh năm 1841 ở Cầu Kho, Sài Gòn, nhưng quê quán ở Tân An, Long An. Gia đình ông theo Công Giáo nhưng vì khó khăn, Lê Nhứt Sỹ phải lái đò chở thuê kiếm sống.

Huyen Sy Le Phat Dat giau co co nao ma hon ca Bao Dai?

Vợ chồng ông Lê Phát Đạt. (Ảnh qua Anhxua.net)

Thấy Lê Nhứt Sỹ thông minh lanh lợi, các cha đạo người Pháp hay chơi đùa cùng ông. Linh mục Moulin rất quý Nhứt Sỹ, biết gia cảnh ông khó khăn nên đã nhận làm cha đỡ đầu để giúp đỡ tiền ăn học.

Khi Lê Nhứt Sỹ học hết tiểu học ở Sài Gòn, linh mục Moulin xin gia đình Lê Nhứt Sỹ cho sang học trường dòng ở Penang, Mã Lai và được đồng ý. Lê Nhứt Sỹ học thông tiếng La Tinh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và chữ quốc ngữ. Ở trường do trùng tên với một người thầy nên ông đổi tên thành Lê Phát Đạt.

Khi về nước, nhờ giỏi ngoại ngữ, Lê Phát Đạt được chính quyền Nam kỳ cho làm thông ngôn. Năm 1880, ông làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, sau phong hàm lên cấp Huyện, từ đó người dân quen gọi ông là Huyện Sỹ.

May mắn trở nên giàu có

Lúc này người Pháp đưa quân đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ. Tình hình loạn lạc, quân Pháp đến vùng nào thì dân chúng vùng ấy đều tìm cách chạy. Đất đai bỏ trống, dù người Pháp có kêu gọi dân chúng cũng chẳng có ai muốn quay về. Các chủ đất bấy giờ không muốn theo Pháp nên không nghe lời kêu gọi. Họ hy vọng sau này Pháp rút thì sẽ nhận lại đất.

Người Pháp thu giữ và phát mãi số ruộng đất này nhưng không có ai mua. Thấy thế người Pháp yêu cầu người Việt đang làm việc trong chính quyền phải mua số đất này để làm gương cho dân chúng và người khác noi theo.

Lúc này ông Lê Phát Đạt có một ít vốn, định mua ít nhà phố ở Sài Gòn rồi cho thuê. Trước sự vận động của người Pháp, ông mua đất thửa có địa thế tốt, rồi cho người thuê trồng trọt. Năm ấy được mùa, lúa xanh tốt nên ông cũng thu lợi rất lớn.

Lê Phát Đạt liền mượn tiền bạn bè để tiếp tục mua, rồi trúng mùa suốt mấy năm liên tiếp. Từ đó đất ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ đều thuộc về ông.

Bấy giờ ở Gò Công đất bị bỏ hoang vô số, ai chỉ cần chịu đứng ra quản lý đóng thuế đầy đủ là được làm chủ, nhưng chẳng ai để ý đến. Ông Lê Phát Đạt liền đến cai quản, đóng thuế. Ai ngờ được mấy vụ ông lại càng phất hơn nữa.

Lê Phát Đạt theo đà, đầu tư tiếp các khu đất ở Tiền Giang. Như vậy các vùng đất của ông ở Long An, Gò Công, Tiền Giang rộng lớn kéo dài đến tận biên giới Campuchia, dân gian ví là “cò bay mỏi cánh không hết”.

Nhận thấy xu hướng của thành phố Sài Gòn, Lê Phát Đạt liền mua một loạt khu đất ngoại thành sát thành phố, đặc biệt ở Gò Vấp để cho thuê xưởng, nhà máy. Ông cũng dựng hàng nghìn căn nhà cho thuê.

Những điều này đã mang đến cho Lê Phát Đạt một nguồn lợi khổng lồ.

Giáo dục con cái

Giàu có, Lê Phát Đạt xây biệt thự cho gia đình mình. Ông chọn được khu đất ở ngã ba sông Tân An và Bảo Định, rồi mời thầy phong thủy đến xem địa thế. Biệt thự được xây xong, ông giao cho một người con của mình trông coi, thỉnh thoảng đến đây vào những lúc nhàn rỗi.

Dù được xem là người giàu có bậc nhất Đông Dương lúc đó, nhưng Lê Phát Đạt giáo dục con cái rất chu đáo, chi tiêu chừng mực chứ không hoang phí, không chi tiêu vào những thứ vô bổ. Vợ ông cũng dạy con theo lễ nghĩa truyền thống dân tộc.

Lê Phát Đạt cho treo trong nhà câu đối để ông và các con cùng ghi nhớ:

Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách.

Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ.

Câu này mang ý nghĩa: Trong gia đình cần chăm chỉ và tiết kiệm, đối nhân xử thế ở ngoài cần hòa hoãn và nhẫn nhịn.

Lê Phát Đạt cho con cái đi du học ở những trường danh giá của Pháp. Khi trở về ông chia cho các con quản lý một phần tài sản ở các vùng khác nhau.

Con trai cả của ông là Lê Phát An được vua Bảo Đại phong là An Định Vương, tước Vương là cao nhất, vốn chỉ phong cho người trong Hoàng tộc có công trạng lớn. Ngay cả Hoàng tử nếu không có công trạng lớn thì không được phong tước Vương mà chỉ được phong đến Công tước. Ông Lề Phát An là người duy nhất không phải Hoàng thân nhưng được phong tước Vương.

Huyen Sy Le Phat Dat giau co co nao ma hon ca Bao Dai?-Hinh-2

Nam Phương hoàng hậu trong triều phục năm 1934. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Con gái của ông là Lê Thị Bính sinh ra Nguyễn Hữu Thị Lan. Năm 1934, Nguyễn Hữu Thị Lan lấy vua Bảo Đại, trở thành Nam Phương hoàng hậu. Ông Lê Phát An đã tặng cho cháu 1 triệu đồng tiền mặt làm của hồi môn, tương đương với 20.000 lượng vàng.

Cuối đời

Những năm tháng cuối đời, Lê Phát Đạt dành một phần đất của mình để xây dựng nhà thờ ở khu vực thuộc đầu đường Tôn Thất Tùng và Nguyễn Trãi ngày nay. Nhà thờ do Linh mục Bouttie thiết kế. Lê Phát Đạt dự tính chi phí xây dựng cho nhà thờ là 30.000 đồng bạc Đông Dương, đây là cả một gia tài rất lớn lúc bấy giờ.

Huyen Sy Le Phat Dat giau co co nao ma hon ca Bao Dai?-Hinh-3

Nhà thờ Huyện Sỹ lúc đang xây dựng tháp chuông. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Công việc xây nhà thờ đang chuẩn bị được tiến hành thì Lê Phát Đạt qua đời vào năm 1900. Đến năm 1902 nhà thờ này mới được xây dựng, đến năm 1905 thì khánh thành, lấy tên nhà thờ Chợ Đũi. Sau khi khánh thành, nhà thờ này rất thu hút và trở thành biểu tượng một thời của Sài Gòn. Sau này dân gian quen miệng gọi ông Lê Phát Đạt là Huyện Sỹ, và cũng gọi luôn nơi đây là nhà thờ Huyện Sỹ.

Huyen Sy Le Phat Dat giau co co nao ma hon ca Bao Dai?-Hinh-4

Nhà thờ Huyện Sỹ. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Huyen Sy Le Phat Dat giau co co nao ma hon ca Bao Dai?-Hinh-5

Gần khu nhà thờ Huyện Sỹ. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Năm 1920, vợ của Lê Phát Đạt mất, thi hài của hai vợ chồng mới được đưa vào trong nhà thờ này. Công trình mộ này được trạm trổ rất công phu.

Trước đây ở quận Tân Bình gần nhà thờ Chí Hoà có đường Lê Phát Đạt, khoảng năm 2000 thì đổi tên thành đường Đặng Lộ. Sau do có nhiều ý kiến phản đối nên con đường này được chia làm 2, một bên là đường Đặng Lộ và một bên là đường Lê Phát Đạt.


Theo Trần Hưng/Tri Thức

>> xem thêm

Bình luận(0)