Vào năm 1839, trong Chiến tranh Thuốc Phiện lần I, Anh đã xâm lược Trung Quốc nhằm đè bẹp phe phản đối sự can thiệp của họ vào các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị của Trung Quốc. Một trong những bước tiến đầu tiên của Anh là chiếm Hồng Kông, một hòn đảo dân cư thưa thớt ngoài khơi bờ biển đông nam Trung Quốc.
Năm 1841, Trung Quốc nhượng hòn đảo này cho người Anh qua việc ký Xuyên Tỵ Thảo ước, và vào năm 1842, Hiệp ước Nam Kinh đã được ký , chính thức chấm dứt Chiến tranh Thuốc Phiện lần I. Vào cuối Chiến tranh Thuốc Phiện lần II (1856-1860), Trung Quốc đã buộc phải nhượng lại cho Anh bán đảo Cửu Long, gần Hồng Kông, cùng với các hòn đảo khác trong khu vực.
Thuộc địa mới của Anh đã phát triển mạnh mẽ thành một trung tâm thương mại Đông-Tây và là cửa ngõ thương mại và phân phối cho miền nam Trung Quốc. Ngày 01/07/1898, Anh được trao thêm 99 năm cai trị thuộc địa Hồng Kông theo Hiệp định Bắc Kinh thứ II. Hồng Kông bị Nhật chiếm đóng từ năm 1941 đến năm 1944 trong Thế chiến II, nhưng nó vẫn ở trong tay người Anh suốt những biến động chính trị ở Trung Quốc trong thế kỷ 20.
Ngày 19/12/1984, sau nhiều năm đàm phán, các nhà lãnh đạo Anh và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận chính thức về việc trao trả thuộc địa vào năm 1997 để đổi lấy việc xây dựng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Thủ tướng Margaret Thatcher gọi thoả thuận là “bước ngoặt trong lịch sử của lãnh thổ, trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc, và trong lịch sử ngoại giao quốc tế.” Hồ Diệu Bang, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gọi đó là “một ngày trọng đại, một dịp chứa đựng nhiều niềm vui” cho một tỷ người dân Trung Quốc.
Nửa đêm 01/07/1997, Hồng Kông đã được bàn giao một cách hòa bình cho Trung Quốc trong một buổi lễ có sự tham dự của nhiều quan chức quốc tế, trong đó có Thủ tướng Anh Tony Blair, Hoàng tử Charles, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Vài ngàn công dân Hồng Kông đã phản đối việc trao trả. Trưởng Đặc khu mới của Hồng Kông, Đổng Kiến Hoa, đã ban hành một chính sách dựa trên khái niệm “một quốc gia, hai chế độ”, qua đó duy trì được vai trò của Hồng Kông như là một trung tâm tư bản chủ nghĩa tại Châu Á.