Văn hóa dùng ngọc bồi táng ra đời dựa trên nền tảng tâm linh và tinh thần của người Trung Quốc xưa. Các nhà khảo cổ đã khai quật lăng mộ của nhiều phi tần thuộc các triều đại và thu được những miếng ngọc có hình dáng kì lạ khác nhau. Sau khi nghiên cứu mới phát hiện đó là ngọc dùng để nhét lỗ hậu môn và cửu khiếu của họ.
Tại sao người Trung Quốc xưa chuộng dùng ngọc để bồi táng?
Người xưa cho rằng ngọc óng ánh trong suốt, tượng trưng cho sự thịnh vượng vĩnh cửu cho nên nó có tác dụng chống sự suy tàn. Vì thế họ thường để người mất bồi táng cùng ngọc để giữ được cơ thể nguyên vẹn trong thời gian dài mà không bị phân hủy. Đặc biệt, vào thời Hán, văn hóa dùng ngọc bồi táng người đã mất phát triển rất mạnh mẽ.
Ngoài tin về tác dụng thần kì của nó, các sĩ phu thời Hán còn mang trong mình sự sùng kính vô tận với ngọc, với họ ngọc là biểu tượng của sự thuần túy. Các sĩ phu Nho giáo còn so sánh ngọc với đạo đức để thấy được sự cao quý của loại đá này. Trong "Xuân thu phồn lộ" nhà triết học Đổng Trọng Thư từng khẳng định ngọc tượng trưng cho quân tử mang trong mình sự trong sạch mà không ẩn giấu điều xấu, có bản chất đạo đức tốt đẹp. Đầu thời Hán, Giả Nghị từng đưa ra trong "Tân thư – Thuyết đạo đức" 6 hình thể của đạo đức đều có mặt trong ngọc là : đạo, đức, tính, thần, minh, mệnh.
Không những vậy, người xưa cho rằng mỗi loại ngọc với chất lượng khác nhau sẽ đại diện cho những phận người khác nhau. Người xưa không chỉ dùng ngọc làm nơi để gửi gắm tâm hồn mà còn coi là vật tượng trưng cho giai cấp người sở hữu nó trong xã hội. Vậy nên không chỉ khi còn sống mà ngay khi mất đi họ vẫn muốn dùng ngọc để bồi táng cùng.
Các hình thức bồi táng cùng ngọc
Hình thức thứ nhất là "Ngọc phủ mặt". Người xưa quan niệm mặt là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể, nó là đại diện cho một người vậy nên họ đã tạo ra hình thức dùng ngọc bồi táng cho khuôn mặt. Năm 2011 sau khi các nhà khảo cổ khai quật lăng mộ của Hải Hôn Hầu – cháu trai vua Hán Vũ Đế phát hiện ngoài lượng vàng nguyên chất vô cùng lớn được chôn cùng, trên phần mặt của ông được che bởi rất nhiều miếng ngọc và dạ minh châu.
Hình thức thứ 2 là "Lũ ngọc y". Vào thời xưa, họ đã dùng ngọc để chế tác nên lũ ngọc y, tức là dùng rất nhiều miếng ngọc để tạo thành một bộ quần áo. Để hoàn thành bộ quần áo này không chỉ mất rất nhiều thời gian công sức mà cả một lượng ngọc lớn. Người sở hữu bộ quần áo bằng ngọc này có thể nói là thân phận không hề bình thường.
Hơn nữa hình thức bồi táng bằng bộ quần áo ngọc cũng chia ra làm ba loại: Kim lũ ngọc y, ngân lũ ngọc y và tơ lũ ngọc y. Các sợi dùng để liên kết miếng ngọc khác nhau sẽ thể hiện đẳng cấp khác nhau.
Thông thường chỉ có những người có địa vị vô cùng cao như hoàng thượng và chư hầu vương tôn mới được mặc áo kim lũ ngọc y (dùng sợi vàng để kết ngọc) khi mai táng. Các quý tộc khác cao nhất cũng chỉ được mặc ngân lũ ngọc y (dùng sợi bạc để kết ngọc).
Hình thức thứ 3 là "Ngọc quan". Thời xưa họ dùng ngọc để đúc thành quan tài. Theo các nhà khảo cổ, sau khi khai quật ba ngôi mộ cổ với một ở tỉnh Hà Bắc và hai ngôi mộ ở tỉnh Giang Tô họ đã thu được 3 mẫu quan tài ngọc.
Đặc biệt là chiếc quan tài được khai quật ở núi Đại Vân tỉnh Giang Tô có giá trị còn cao hơn chiếc "kim lũ ngọc y" rất nhiều. Được biết chiếc quan tài này thuộc lăng mộ của Giang Đô Dịch vương Lưu Phi – con trai của vua Hán Cảnh Đế.
Hình thức thứ 4 là "Bồi ngọc". Thời phong kiến, người xưa sử dụng nhiều nhất là hình thức cầm ngọc, ngậm ngọc và nhét ngọc. Khi mai táng, người mất sẽ được dùng ngọc nhét kín cửu khiếu như: miệng, tai, mũi, mắt, lỗ hậu môn,…
Những chỗ có thể thoát hơi từ cơ thể đều sẽ dùng ngọc để nhét kín lại. Liên quan đến việc nhét ngọc vào cửu khiếu của người phong kiến, nhà sưu tầm Mã Vị Đô từng sưu tập rất nhiều loại ngọc cửu khiếu. Có một giai thoại như sau, một lần bạn của ông đến chơi lại nghĩ đó là ngọc quý nên đã cho miếng ngọc vào miệng cắn thử. Sau khi Mã Vị Đô tiết lộ về xuất xứ và vị trí viên ngọc đó để trong lỗ hậu môn của người mất thì người bạn ấy đã ngớ người đỏ mặt.