Hoàng tử bé là tiểu thuyết văn học của tác giả người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, được xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1943. Ở Việt Nam, từ bản dịch đầu tiên phát hành năm 1966, đến nay, gần 10 bản dịch của các dịch giả khác nhau.
Được hiệu chỉnh và bổ sung năm 2020, bản dịch của Nguyễn Tấn Đại được đánh giá trong sáng, sát văn phong phiên bản gốc. Mới đây, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc bản dịch này.
|
Bản dịch Hoàng tử bé của Nguyễn Tấn Đại do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.
|
Sức hút của tác phẩm
Tham gia giao lưu với bạn đọc mới đây, ông Jean-Marc Probst - nhà sáng lập Quỹ “Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé” - thông tin đây là ấn phẩm được dịch nhiều thứ hai trên trên thế giới, bán ra hơn 200 triệu bản và được xuất bản bằng 482 ngôn ngữ.
Ông Jean-Marc Probst cũng tiết lộ ban đầu, tác giả định viết cuốn sách này như món quà dành cho trẻ em nhân dịp Giáng sinh. Nhưng vì nhiều lý do, tác phẩm không hoàn thành kịp thời gian mà lên kệ vào tháng tư năm sau đó. Thay vì món quà cho mùa Noel, nó trở thành “câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em thế giới”.
Cũng theo ông Jean-Marc Probst, có 5 yếu tố tạo nên sự thành công của Hoàng tử bé. Thứ nhất, tác phẩm có tính động viên lớn tới người đọc. “Tác giả gửi gắm vào câu chuyện thông điệp về hy vọng đối với những người đã trải qua hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, chia lìa, thậm chí là phải đối diện cái chết”, ông Jean-Marc Probst đánh giá.
Thứ hai, đó là yếu tố về tinh thần. Xuyên suốt tác phẩm, Antoine de Saint-Exupéry đã trả lời cho các câu hỏi: “Vì sao chúng ta tồn tại?”, “Chuyện gì xảy ra sau cái chết?”...
Thứ ba, yếu tố quan trọng nhất chính là giá trị của tình bạn và sự cảm hóa. Thông qua tác phẩm, nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry còn gửi đến độc giả bài học về lòng vị tha.
Thứ tư là yếu tố “phi thời gian”, bởi đây là cuốn sách dành cho độc giả ở mọi lứa tuổi, không riêng gì trẻ em và giá trị của nó có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thứ năm là chất văn chương của tác phẩm. “Bản thảo gốc được tác giả viết đi viết lại nhiều lần với dụng ý tạo ra điểm nhấn và mang đến văn phong thuần khiết, trong sáng. Vì thế, tác phẩm có sự trau chuốt, chỉn chu. Hơn nữa, tác giả còn sử dụng nhiều bút pháp kết hợp: Khám phá, hồi ký và tự vấn”, ông Jean-Marc Probst nói.
|
Một cảnh trong bộ phim hoạt hình The Little Prince (Hoàng tử bé) của đạo diễn Mark Osborne được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. Ảnh: Impuls Picture.
|
Lan tỏa giá trị tác phẩm
Bên cạnh việc hỗ trợ xuất bản bản dịch của Nguyễn Tấn Đại, Quỹ “Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé” còn tài trợ in 2.000 bản Hoàng tử bé để gửi tặng Thư viện tỉnh Lâm Đồng.
Trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Trần Trường San - Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng - cho biết phong trào đọc sách ở tỉnh có những bước tiến nhất định.
“Để tác phẩm đến với bạn đọc địa phương, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, giới thiệu bằng nhiều biện pháp: Trên website thư viện, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện online về chủ đề của cuốn sách này”, ông San chia sẻ.
Bên cạnh đó, bản dịch của Nguyễn Tấn Đại còn được sử dụng làm ngữ liệu sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - tập một (thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành).
Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Hoàng tử bé là tác phẩm phù hợp định hướng biên soạn sách giáo khoa mới của nhóm.
“Tiêu chí của chúng tôi là chọn ngữ liệu từ các tác phẩm tươi mới, đồng thời kế thừa sử dụng những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam và thế giới. Bản dịch này có ngôn ngữ, văn phong phù hợp, đáp ứng những yêu cầu đó. Hy vọng khi xuất hiện trong sách giáo khoa, giá trị về tình bạn, lòng vị tha sẽ lan tỏa rộng hơn đến các em nhỏ”, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng bày tỏ.
Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến, dịch giả Nguyễn Tấn Đại cho biết khi đọc bản gốc tác phẩm, anh đã trăn trở làm thế nào để bản dịch tiếng Việt phải giữ được sự trong trẻo, đảm bảo các bạn nhỏ 5-6 tuổi ở Việt Nam có thể hiểu được.
Để bản dịch có thể “trở về nguyên sơ”, dịch giả Nguyễn Tấn Đại chia sẻ: “Có những chi tiết, câu văn rất tinh tế, yêu cầu tôi khi dịch phải tra cứu từ rất nhiều nguồn khác nhau để có được tính chính xác cao. Tôi muốn truyền tải giá trị tác phẩm bằng câu từ trong sáng và văn phong tươi mới nhất có thể”.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cũng thông tin với bản dịch này, đây sẽ là tác phẩm đầu tiên trong “Tủ sách kinh điển” mà đơn vị của bà có ý định dịch và xuất bản để giới thiệu tới độc giả trong nước.
“Chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc những bản dịch của dịch giả mới. Bản dịch Hoàng tử bé của Nguyễn Tấn Đại đã thể hiện được sự trong trẻo của câu chuyện, đúng với tinh thần tác phẩm gốc”, bà Hoa Phượng nhận xét.
Hy vọng khi Hoàng tử bé xuất hiện trong sách giáo khoa, giá trị về tình bạn, lòng vị tha sẽ lan tỏa rộng hơn đến các em nhỏ.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng