Nhắc tới vị quân chủ nổi danh Tam Quốc là Lưu Bị, có ý kiến cho rằng cuộc đời đầy biến động của ông có thể tổng kết qua 2 giai đoạn: Nửa đời trước phiêu bạt khắp nơi, vất vả lập nghiệp, nửa đời sau chiếm cứ Ích Châu – Kinh Châu, quyền thế cực thịnh.
Mặc dù chưa thể thực hiện được giấc mộng thống nhất thiên hạ, thế nhưng Lưu Huyền Đức chung quy cũng đã gây dựng được đế nghiệp cho riêng mình.
Tuy nhiên, mỗi khi nhắc tới cuộc đời của vị Hoàng đế khai quốc nhà Thục Hán ấy, ngoài công cuộc lập nghiệp lận đận hay những chiến công xuất sắc vang dội, hậu thế còn không thể quên được một "vết đen" khác. Đó chính là hành động bỏ rơi và hy sinh vợ con trong lúc nguy nan của vị quân chủ này.
|
Ảnh minh họa. |
Giai thoại nổi tiếng hơn cả về số phận bị bỏ rơi của vợ con Lưu Bị có liên quan tới trận chiến giữa Lưu – Tào tại Đương Dương – Trường Bản xảy ra vào năm 208.
Bấy giờ, do Tào Tháo tấn công dữ dội, quân của Lưu Bị đã bị đẩy vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Sau cùng, Lưu Bị nhận lấy thất bại nặng nề, phải cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Trương Phi và mấy chục khinh kỵ bỏ chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ dân chúng, quân trang và cả gia quyến.
Sau đó, Triệu Tử Long đã liều mạng đột phá vòng vây, cứu được Cam phu nhân và người con trai là A Đẩu về cho Lưu Bị.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet). |
Chiến công này của Triệu Vân từng được "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả hết sức ly kỳ. Cũng theo diễn biến của tác phẩm này, Lưu Bị sau khi nhận lại con trai đã tức giận vứt A Đẩu xuống đất mà mắng rằng:
"Vì mày mà suýt nữa ta mất đi một viên đại tướng".
Giờ đây mỗi khi nhắc tới giai thoại trên, có ý kiến cho rằng Lưu Bị dường như đã thừa hưởng một thói quen di truyền không mấy tốt đẹp từ hoàng tộc Hán thất. Đó chính là hành động thẳng tay vứt bỏ vợ con trong lúc nguy nan.
Năm xưa, tổ tiên của ông là Hán Cao Tổ Lưu Bang trong một lần thua trận trước quân Sở đã từng ném con khỏi xe ngựa tới 3 lần để… tiện chạy trốn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khẳng định, ở vào thời đại loạn thế như giai đoạn Tam Quốc, một người mang hùng tâm tráng chí như Lưu Bị có những lúc buộc phải gác lại tình riêng để có thể hoàn thành đại nghiệp.
|
Ảnh minh họa (Nguồn Internet). |
Cho tới ngày nay, hành động bỏ lại gia quyến để chạy trốn trong lúc nguy nan của Lưu Bị vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi.
Thế nhưng trên thực tế, bên cạnh giai thoại nổi tiếng ở Trường Bản, Lưu Bị trước đó cũng từng có một lần hy sinh gia quyến. Thậm chí trong lần ấy, ông còn để lại một câu nói mà cho tới ngày nay vẫn còn lưu truyền.
Theo đó, vào năm 195, Lữ Bố thất bại trong cuộc chiến với Tào Tháo ở Duyện Châu và buộc phải chạy tới nương nhờ Lưu Bị ở Từ Châu.
Không lâu sau, nhân lúc Lưu Bị cùng Quan Vũ đem quân đi giao tranh với Viên Thuật, Lữ Bố đã đánh úp thành Hạ Bì để chiếm Từ Châu.
Trước nước cờ bất ngờ và hung hiểm ấy, nhân vật thủ thành khi đó là Trương Phi vì không chống đỡ nổi quân địch nên chỉ đành mang theo thủ hạ bỏ chạy.
Vốn dĩ thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh, tuy nhiên điều đáng nói nằm ở chỗ, vào thời điểm tháo chạy khỏi chiến trường khốc liệt, Trương Phi đã không kịp mang theo gia quyến Lưu Bị.
Đối mặt với lỗi lầm này, Trương Phi vô cùng hối hận. Cho tới lúc gặp lại Lưu Bị, Quan Vũ, ông đã quỳ khóc tạ tội.
|
Ảnh minh họa (Nguồn Internet). |
Có giai thoại còn truyền lại rằng, khi ấy vì quá mức hổ thẹn, Trương Phi đã toan rút kiếm tự sát. May mắn thay, Lưu Bị và Quan Vũ đã kịp thời ngăn cản.
Trước tình thế ấy, Lưu Bị liền nói:
"Anh em như tay chân, đàn bà như quần áo. Quần áo rách có thể vá lại, tay chân đứt sao có thể nối lại?".
Quan – Trương nghe xong vô cùng cảm động, từ đó càng thêm nỗ lực giúp Lưu Bị đánh hạ giang sơn, khai sáng cơ nghiệp nhà Thục Hán.
"Anh em như tay chân, đàn bà như quần áo" – câu nói ấy của Lưu Bị cho tới ngày hôm nay vẫn còn được tiếp tục lưu truyền.
Thế nhưng cũng giống như hành động vứt bỏ vợ con trong lúc nguy nan, câu so sánh của Lưu Huyền Đức vẫn luôn là một chủ đề gây tranh cãi.
Có ý kiến cho rằng, lời nói ấy thể hiện sự coi nhẹ của Lưu Bị đối với vợ con của mình. Đây cũng là một biểu hiện của sự thâm căn cố đế về quan niệm trọng nam khinh nữ vào thời kỳ phong kiến.
Thế nhưng cũng có ý kiến khẳng định, lời nói của ông đã thể hiện hết thảy chí khí của bậc anh hùng cùng hoài bão kinh bang tế thế mà vị quân chủ nhà Thục Hán vẫn luôn ấp ủ cả đời…