Thay đổi tên, mang khát vọng về con đường tri thức
GS.TS, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí sinh ngày 14/9/1957 trong một gia đình nghèo ở xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuy nhiên, ngay từ trong những năm tháng nhọc nhằn, vất vả nhất, GS Nguyễn Anh Trí đã được gieo vào tâm trí khát khao cháy bỏng về việc theo đuổi con đường học tập, trở thành một trí thức có ích cho đất nước. Và cái tên của ông, cũng đã thể hiện khát vọng này.
|
GS.TS, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí . Ảnh: NVCC. |
GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ, mẹ ông là một nông dân, không biết chữ. Cả đời bà, chỉ viết được đúng chữ “Hằng” là tên của bà. Còn bố ông là một y sĩ trong quân đội, đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Khát vọng, tình yêu đối với học tập trong ông bắt đầu từ người bố.
Ngay từ khi còn là một cậu bé 5 tuổi, ông đã được ba giải thích ý nghĩa của từ “Trí” trong tên của ông, đó là trí tuệ. Nguyện vọng của ba ông là sau này ông có thể sống bằng trí tuệ của mình. Tuy nhiên, lúc đó, ông tên là “Nguyễn Văn Trí”, vì dòng họ của ông là “Nguyễn Văn”.
Việc thay đổi tên của ông bắt nguồn từ một ngày, anh trai của ông đọc tạp chí Toán học, trong đó có tên Phó Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí. Trong bữa cơm tối, anh trai của ông đã nói với bố, đổi tên ông là “Nguyễn Anh Trí”, để sau này, ông cũng có thể trở thành một phó tiến sĩ.
Điều đó, càng khiến ông nung nấu hơn nữa quyết tâm học tập để sau này có thể thỏa được ước nguyện của gia đình. Nhà nghèo, không có nhiều thời gian dành cho việc học, ông tranh thủ học, đọc sách mọi lúc mọi nơi. Có khi, vừa đi chăn trâu ông vừa học. Cứ thế, ông học tốt dần lên.
“Cơ duyên” khiến ông đến với nghề Y đến vào đúng thời điểm quan trọng của cuộc đời ông: chuẩn bị thi đại học. Một lần, ông đến nhà người bạn chơi, tình cờ đọc được cuốn sách về GS Đặng Văn Ngữ (Chuyện về nhà bác học yêu nước).
“Câu chuyện về GS Đặng Văn Ngữ đã khơi dậy tình yêu trong tôi với nghề Y, với bệnh nhân. Điều đó đã khiến tôi phấn đấu để thi đỗ Đại học y khoa, rồi cố gắng học tập và hết lòng thương yêu người bệnh như GS. Đặng Văn Ngữ”, GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Vào học Trường ĐH Y Hà Nội, một lần ông nghe Bí thư Đoàn Thanh niên Trường lúc bấy giờ nói rằng, nếu ai học giỏi thì sẽ được học nội trú, có cơ hội làm luận án và có thể được học tiếp lên phó tiến sĩ. Vậy là ông đã đặt ra quyết tâm quyết phải thi bằng được bác sĩ nội trú. Năm 1993, ông trở thành một trong những người bảo vệ phó tiến sĩ đầu tiên của khoá nội trú, hoàn thành giấc mơ lớn nhất đời mình. Đến năm 2003, ông được phong phó giáo sư.
Vị Viện trưởng đặc biệt, yêu nghề và yêu người
Sáng 2/10/2017, tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã diễn ra buổi lễ đặc biệt - GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng dự buổi lễ chào cờ cuối cùng với toàn thể cán bộ, nhân viên của Viện trước khi về hưu. Hình ảnh những cái ôm, những giọt nước mắt của hàng ngàn nhân viên Viện máu và các bệnh nhân… được “truyền” đi, đã gây "xôn xao", xúc động về một lãnh đạo, bác sĩ đã nhận được quá nhiều tình cảm thương mến của nhân viên, người bệnh.
Không phải ngẫu nhiên, mà GS.TS Nguyễn Anh Trí lại có được những điều đó. Từ khi về Viện Huyết học Truyền máu Trung ương công tác, GS Nguyễn Anh Trí đã coi đây như tổ ấm của mình. Ông đã đồng cam cộng khổ, chèo lái con thuyền, cùng với những đồng nghiệp của mình đem lại những lợi ích to lớn cho người bệnh, cộng đồng.
Nhắc đến ông, là người ta nhớ tới phong trào vận động hiến máu rầm rộ, với hàng chục nghìn người tham dự như Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ. Ông cùng với các nhân viên Viện máu đã tổ chức, thu lại hàng nghìn đơn vị máu mỗi dịp lễ hội, cứu hàng nghìn người bệnh cần máu.
Từ chỗ chưa thể ghép được tế bào gốc, Viện Huyết học đã trở thành Viện đứng đầu trong chữa bệnh bằng tế bào gốc, cứu chữa nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo.
Viện cũng thành công trong việc xây dựng ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng. Với việc xây dựng ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng do các bà mẹ hiến tặng sau sinh, xử lý để lấy tế bào gốc, Viện đã giải quyết được tình trạng khan hiếm tế bào gốc, cứu sống nhiều người bệnh.
Đặc biệt, với vai trò là Viện trưởng, GS Nguyễn Anh Trí đã góp phần xây dựng được một văn hóa rất đặc trưng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Nơi đây, bệnh viện mà như một mái nhà, nhân giữa nhân viên y tế và bệnh nhân không có khoảng cách, nơi mà người ta có thể bắt gặp cảnh bệnh nhân ngồi xếp hàng chờ bác sĩ cắt tóc, cạo râu... ấm áp, thân tình.
Và ông, người Viện trưởng luôn là người nêu gương đầu tiên về việc đối xử công bằng, chia sẻ với các nhân viên.
“Khi làm Viện trưởng, tôi rất chú ý, giải quyết cho những trường hợp nhân viên khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc. Tôi cho rằng, một lãnh đạo luôn phải sát sao, đặt mình vào hoàn cảnh của nhân viên để xem lại chính sách cho hợp lý”, GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ với PV Tri thức & Cuộc sống.
Gần trọn cuộc đời cống hiến cho ngành Y, GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ, phần thưởng lớn nhất đối với ông, chính là những tình cảm của những đồng nghiệp, nhân viên, bệnh nhân.
Ngày 27/2 năm nay, GS Nguyễn Anh Trí đã tự “dặn mình”: “Thật yêu nghề, thật yêu người, thật yêu đời đề thật hạnh phúc”. Đó cũng chính là điều mà GS Nguyễn Anh Trí đã tâm niệm, theo đuổi và cũng đã thật hạnh phúc, như chia sẻ của ông khi đã chọn đúng nghề y – nghề yêu người.
Với những đóng góp to lớn cho ngành huyết học - truyền máu nói riêng và ngành y nói chung, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước: Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú, 2 lần được giải thưởng Vinh quang Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ, được Giải nhất Nhân tài Đất Việt. Ông còn được biết đến là một đại biểu Quốc hội với nhiều tiếng nói thẳng thắn trên nghị trường, là một nhạc sỹ với nhiều ca khúc hay ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước…
Mời quý độc giả xem video: "Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19". Nguồn: THDT.