Khi nhắc tới kỷ niệm với người thầy lớn trong cuộc đời mình - GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Hanh Đệ nghẹn ngào: “Một trong những may mắn, hạnh phúc lớn nhất đời tôi, đó chính là được làm học trò của GS Tôn Thất Tùng”.
Canh cánh kỷ niệm không bao giờ quên
GS Đặng Hanh Đệ sinh ngày 31 tháng 5 năm 1936, tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Năm 1954, tốt nghiệp phổ thông, ông đã quyết định lựa chọn theo học ngành y – cũng là nghề của bố ông.
Năm 1960, ông ra trường, được phân về làm ở phòng chuyên đề mổ tim, là phụ mổ cho GS Tôn Thất Tùng. Cũng từ đây, cho đến tận khi GS Tôn Thất Tùng mất, ông đã trở thành một học trò xuất sắc, luôn sát cánh bên người thầy của mình.
|
GS.NGND Đặng Hanh Đệ (bìa trái) trong Lễ vinh danh các trí thức tiêu biểu 2019. |
Trò chuyện về nghề y, về người thầy lớn của mình, GS Đặng Hanh Đệ nhiều lúc lặng đi, nghẹn ngào. Mắt ông đỏ hoe khi kể về kỷ niệm “không bao giờ quên được” của hai thầy trò trong một ca mổ tim.
“Đó là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên được. Và bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn có cảm giác nghe được tiếng máu réo, sủi bọt trong ngực bệnh nhân”, GS Đặng Hanh Đệ xúc động.
Đó là ca mổ cho một nam bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh. Lẽ ra, bệnh nhân phải mổ trước 5 tuổi, nhưng đến tận năm 18 tuổi, sau khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bệnh nhân mới đến viện. Vì đến viện muộn, nên ống động mạch của bệnh nhân bị dính. Khi phẫu tích, đã bị bục.
Hôm đó, GS Tùng mổ chính, còn ông Đệ phụ mổ. Trong chớp mắt, máu từ động mạch chủ phun vào, từ động mạch phổi phun ra, ngực bệnh nhân đầy máu. Trong giây phút cam go, phòng mổ huy động toàn bộ máy hút, vặn hết công suất, nhưng không kịp.
"Máu dâng lên đầy phổi, không nhìn thấy gì nữa. Khoảnh khắc thấy bệnh nhân nằm ngay dưới tay mình mà bất lực, không cứu được kinh khủng vô cùng. Khi người gây mê nói đồng tử bệnh nhân giãn rồi, thầy Tùng lặng lẽ đi ra, tôi ở lại đóng ngực cho bệnh nhân.
Cả phòng mổ im phăng phắc, không ai nói với ai một lời, chỉ nghe tiếng lạch cạch của bà hộ lý lau quét máu tràn ra phòng mổ", GS Đặng Hanh Đệ nhớ lại hồi ức đau buồn.
Không cứu được bệnh nhân là nỗi đau khổ lớn nhất
GS Đặng Hanh Đệ kể, lúc đó, ông từ phòng mổ trên tầng 2 đi xuống, nhìn thấy GS Tôn Thất Tùng ngồi bệt ở bậc thang cuối cùng, vẫn mặc quần áo mổ.
"Tôi đến gần, thầy ngước lên nhìn tôi và nói: “Thôi, từ nay tôi không mổ nữa đâu, anh mổ đi”. Một người từng ấy tuổi, cả đời đi mổ bệnh nhân mà giờ nói sẽ thôi, thì nỗi đau khổ là như thế nào? Tôi nhìn thầy, tôi thương thầy quá, mà không biết phải làm sao. Tôi chỉ nhìn vào mắt thầy, nói “vâng”. Đúng là từ bấy giờ, thầy không bao giờ mổ tim nữa”, GS Đệ bật khóc.
GS Đặng Hanh Đệ chia sẻ, GS Tôn Thất Tùng là người nổi tiếng nghiêm khắc và khó tính. Thế nhưng, thầy lại không bao giờ mắng chửi trước những thất bại của học trò. Điều đó xuất phát từ việc, là một lãnh đạo, nhưng cũng đồng thời là một người làm nghề, làm chuyên môn, từng trải qua những thất bại như thế, nên thầy Tùng đã có sự thấu hiểu, thông cảm sâu sắc với học trò. Và điều đó, khiến học trò và cấp dưới càng thêm nể phục, kính trọng GS Tôn Thất Tùng.
“Bởi hơn ai hết, thầy Tùng hiểu, đối với bác sĩ, không cứu được bệnh nhân là nỗi đau khổ lớn nhất rồi. Lúc đó, nếu người thầy, lãnh đạo không hiểu được tâm lý ấy, mà mắng mỏ, hoặc đưa ra phê phán, chỉ trích, thì sẽ rất suy sụp, thậm chí bỏ nghề”, GS Đặng Hanh Đệ nói.
GS Đặng Hanh Đệ chia sẻ, trước mỗi thất bại của học trò, thầy Tùng luôn động viên, ca này thất bại, nhưng cố gắng vượt qua, để làm ca khác. Trừ khi nào sai sót quá đáng lắm thì thầy mới phê bình. Mà nếu có nói thì cũng nói riêng chứ không nói ở chỗ đông người.
Có được một lãnh đạo, một người đứng đầu như vậy, đó là một điều rất may mắn và đáng quý, không phải tập thể nào cũng có được.
Đừng vì đồng tiền mà quên đi người bệnh
GS Đặng Hanh Đệ chia sẻ, ông học được rất nhiều những bài học quý từ người thầy lớn Tôn Thất Tùng, trong đó, đặc biệt là tình yêu thương, hết lòng vì bệnh nhân, sự quả cảm, quật cường.
Những năm chiến tranh, điều kiện kinh tế rất khó khăn, GS Đặng Hanh Đệ và các đồng nghiệp phải làm việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, thiếu đủ mọi thứ, thậm chí có khi đang mổ thì mất điện. Cũng có lúc, còn phải đối diện với bom đạn hiểm nguy, có thể chết bất cứ lúc nào.
Nhưng cũng chính từ tấm gương sáng tâm đức của những người thầy, những bác sĩ thế hệ ông đã vượt qua, cống hiến với một tâm nguyện lớn nhất là bằng mọi giá phải cứu được bệnh nhân.
Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, GS Tôn Thất Tùng vẫn cùng các học trò bám trụ lại Hà Nội, không đi sơ tán. Suốt 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không” khốc liệt, dưới hầm mổ của Bệnh viện Việt Đức, GS Đặng Hanh Đệ cùng các đồng nghiệp đã mổ cấp cứu suốt đêm trong tiếng súng đạn rền vang, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bị thương do bom đạn của giặc Mỹ. Các trò có được tinh thần kiên trung, vững vàng đó, cũng là từ người thầy lớn – GS Tôn Thất Tùng.
GS Đặng Hanh Đệ kể lại, thời kỳ đó, các bác sĩ đồng nghiệp ở nước ngoài đã rất kinh ngạc, không hiểu sao với điều kiện như vậy mà các bác sĩ Việt Nam vẫn có thể làm tốt công việc cứu người đến vậy.
Một BS người Pháp chuyên về hồi sức xem ông mổ tim hở thay van đã nói: “Sau khi về nước sẽ nói với các phẫu thuật viên của mình rằng, các anh ở Pháp đòi nhiều thứ quá. Tôi thấy các bác sĩ Việt Nam họ không có trang bị gì mà vẫn mổ được".
Nhiều đồng nghiệp nước ngoài sau khi xem phòng mổ của Bệnh viện Việt Đức khi đó cũng đã chia sẻ, nếu là họ, sẽ không dám mổ vì quá thiếu thốn. Và điều họ ấn tượng nhất là trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, các bác sĩ Việt Nam vẫn tìm mọi cách để chữa bệnh cho bệnh nhân.
Đó là bởi, ông và các đồng nghiệp được là học trò của những người thầy lớn như GS Tôn Thất Tùng.
“Trong suốt quãng đời làm nghề y, tôi đã luôn nhớ tới lời dặn của GS Tôn Thất Tùng: Là một bác sĩ, thì phải cố gắng chữa hết bệnh cho bệnh nhân, người giàu người nghèo phải đối xử như nhau, đừng vì đồng tiền mà quên đi người bệnh”, GS Đặng Hanh Đệ chia sẻ.
Với những cống hiến của mình, GS Đặng Hanh Đệ đã được trao tặng: Nhà giáo Nhân dân (năm 2000), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (năm 2011), Huân chương Lao động Hạng Hai và Hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2019, ông là 1 trong 112 trí thức KH&CN tiêu biểu được vinh danh.
Mời quý độc giả xem video: "Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19". Nguồn: THDT.