Những ngày gần đây, dư luận thế giới hết sức quan tâm trước những diễn biến tại bán đảo Triều Tiên. Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến thăm Triều Tiên. Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc hy vọng lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ được tiến hành theo từng bước và cải thiện quan hệ Mỹ - Triều.
Ông Kim Jong Un cho biết vấn đề phi hạt nhân hóa cần được giải quyết thông qua các kênh đối thoại, đàm phán hiệu quả và mang tính xây dựng.
Chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Lavrov diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang tích cực chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại Singapore.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lần thứ hai. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý sẽ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trên bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh viễn.
Liên quan đến cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên của ông Kim Jong Un, một số chuyên gia đã đưa ra quan điểm riêng. Cụ thể, các nhà phân tích và chuyên gia vũ khí nhận định nếu cam kết trên được thực hiện thì thỏa thuận về phi hạt nhân hóa sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để tiến hành do sự phức tạp của đàm phán và sự thiếu lòng tin giữa hai bên.
Nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker, nhà phân tích về Triều Tiên Robert Carlin và Elliot Serbin - trợ lý nghiên cứu của ông Hecker mới đưa ra báo cáo về vấn đề đang "nóng" dư luận trên. Theo các chuyên gia này, nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra như dự kiến, các nhà đàm phán hai bên sẽ phải xác định 22 chương trình hoặc hoạt động cụ thể, như kho dự trữ vũ khí hạt nhân, kho tên lửa hoặc cơ sở tái chế hạt nhân.
Theo nhóm chuyên gia của ông Hecker, ngừng hoặc đình chỉ nhiều cơ sở hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ mất ít hơn 1 năm. Nếu tiêu hủy hay thiết lập giới hạn đối với chúng sẽ mất khoảng 15 năm.
Một số chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Nguyên do vì Bắc Kinh sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng các ưu đãi kinh tế và an ninh chính trị cần thiết để từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Mỹ chờ "thư tay" từ Triều Tiên (nguồn: VTC Now)
Theo Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại tổ chức về chính sách ở Mỹ cho rằng, khi Triều Tiên và Mỹ chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc có thể dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để nối lại quan hệ tốt đẹp và duy trì ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Cho Beong-ryoul, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia ở Seoul, nhận định điều Triều Tiên muốn nhất là sự đảm bảo an toàn cho hệ thống chính trị. Nếu không đạt được điều này thì Bình Nhưỡng sẽ không hoàn toàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.