Xã hội hiện đại không cho phép đàn ông có "năm thê bảy thiếp". Quy định pháp luật chỉ rõ, đàn ông, phụ nữ tuân thủ nguyên tắc "một vợ một chồng".
Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến Trung Quốc, đàn ông không có tiền, không có quyền (đàn ông nghèo) rất khó lấy vợ. Thậm chí là không thể lấy được vợ. Trong khi đó, các gia đình rất coi trọng người nối dõi tông đường.
Mạnh Tử từng viết: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". Nghĩa là, bất hiếu có 3 loại, trong đó không có hậu duệ nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất. Điều này minh chứng cho việc, các gia đình phong kiến không chấp nhận được chuyện không có con cháu nối dõi tông đường.
"Điển hôn" tức là cuộc hôn nhân cầm cố (ảnh minh họa).
Cũng chính từ thực thế này mà người phong kiến nghĩ ra rất nhiều cách để có con cháu nối dõi tông đường, nhất là trong các gia đình nghèo khó. Cụ thể, vào thời Nguyên thịnh hành tục lệ gọi là "Điển hôn".
Tục "Điển hôn" là gì? "Điển" trong "Điển đáng", có nghĩa là cầm cố, thế chấp. "Điển hôn" tức là một cuộc hôn nhân cầm cố.
Sử sách Trung Quốc có ghi chép, kiểu hôn nhân cầm cố này xuất hiện đầu tiên dưới thời nhà Hán. Nhưng đến thời nhà Nguyên nó mới trở nên phổ biến.
Dân gian tương truyền, vì gia cảnh nghèo khó mà nhiều đàn ông trong xã hội phong kiến Trung Quốc buộc phải đưa vợ vào các tiệm cầm đồ và cầm cố như một món hàng. Chủ tiệm cầm đồ sẽ chuyển những người vợ này cho khách hàng nào đưa ra mức giá hấp dẫn nhất.
Những người vợ này được đưa đến tay chủ nhân mới và đảm nhận nhiệm vụ của một người con dâu như giặt giũ, nấu nướng, gánh nước, lo chuyện đồng ác và đương nhiên không thể thiếu nhiệm vụ sinh con đẻ cái nối dõi tông đường cho nhà chồng "thời vụ".
"Điển hôn" dẫu chỉ là một cuộc hôn nhân "thời vụ" nhưng được các gia đình phong kiến ở Trung Quốc rất coi trọng. Họ chuẩn bị tươm tất mọi lễ nghi trước khi đón con dâu "thời vụ" về nhà.
Người phụ nữ bị đem ra tiệm cầm đồ cầm cố như một món hàng (ảnh minh họa).
Trước khi "Điển hôn" diễn ra, gia đình người thuê "vợ" phải lập một "hợp đồng hôn nhân", trên đó có ghi rõ thời gian làm vợ "thời vụ", tiền thế chấp và giao kèo giữa các bên liên quan.
Một cuộc hôn nhân "thời vụ" thường kéo dài từ 3 đến 5 năm với giá thuê tùy theo độ tuổi của người vợ và thời gian thuê. Trong thời gian ở nhà chồng mới, người vợ không được phép liên hệ với nhà chồng ban đầu của mình.
Sau khi người phụ nữ được thuê về sinh con thì gia đình thuê đem trả người này cho tiệm cầm đồ. Người vợ tiếp tục ở tiệm cầm đồ chờ một gia đình khác đến đưa đi. Cứ thế vòng tròn thuê vợ liên tục lặp đi lặp lại không có điểm dừng.
Người phụ nữ sau khi sinh con cho gia đình thuê mình thì tuyệt đối không được bất cứ liên hệ gì với họ nữa. Người này không được quyền đến thăm con mình.
Chính quyền nhà Nguyên khi đó từng ra lệnh cấm tục "Điển hôn" nhưng nó vẫn bí mật diễn ra trong xã hội. Phải cho đến cuối đời nhà Thanh thì tục lệ này mới bị xóa bỏ hoàn toàn.
Các nhà sử gia nhận định, tục hôn nhân này không chỉ biến người phụ nữ thành hàng hóa rẻ mạt mà còn lấy mất đi quyền tự do của họ. Đây là một hành vi tàn nhẫn vô cùng.