Tàu ngầm lớp Ming của Trung Quốc. Ảnh: Pinterest
Lập tức Hải quân Trung Quốc cử hai tàu đến điều tra với nghi ngờ đây có thể là ống ngắm từ tàu ngầm Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Nhưng sau cùng họ nhận ra ống ngắm này trên thực tế lại thuộc tàu ngầm chạy bằng điện diesel lớp Ming số hiệu 361 của chính quân đội Trung Quốc.
Đến 26/4, họ phát hiện tất cả 70 thủy thủ trên tàu ngầm lớp Ming số hiệu 361 đều thiệt mạng. Chủ tịch Giang Trạch Dân vào ngày 2/5/2003 thừa nhận về vụ tai nạn và cho biết nguyên nhân dẫn đến thảm kịch là do “lỗi kỹ thuật”. Ở thời điểm đó, điều bất ngờ là Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận tai nạn này bởi thông thường Bắc Kinh thường giấu thông tin liên quan đến tai nạn quân sự.
Một tháng sau, một số lãnh đạo của Hạm đội Biển Bắc Trung Quốc bị thôi việc. Chủ tịch Giang Trạch Dân và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người vừa lên cầm quyền được hơn 1 tháng, khi đó đã đến gặp gỡ thân nhân các thủy thủ hy sinh.
Tàu ngầm lớp Ming 035 là một trong những tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc, hai chiếc đầu tiên được đóng từ năm 1975 và có thiết kế phát triển từ tàu ngầm lớp Romeo của Liên Xô. Đến thập niên 90 của thế kỷ trước, xưởng đóng tàu của Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng tàu ngầm lớp Ming.
Tàu ngầm số hiệu 361 đi vào hoạt động từ năm 1995, cùng với 3 tàu ngầm khác cùng lớp Ming là thành viên đội tàu ngầm số 12 thuộc Hạm đội Biển Bắc đóng quân ở tỉnh Liêu Ninh.
Ngày 16/4, tàu ngầm 361 trong nhiệm vụ huấn luyện yên lặng ở ngoài khơi đảo Changshang và quay trở lại căn cứ ở Weihai, tỉnh Sơn Đông.
Chính vì trong chế độ radio yên lặng nên quân đội Trung Quốc không nhận ra điều bất thường với tàu ngầm 361 và 10 ngày sau đó vụ việc mới vỡ lở.
Có nhiều giả thiết liên quan đến tai nạn của 361. Tờ National Interest (Mỹ) cho biết tàu ngầm lớp Ming thường có thủy thủ đoàn từ 55-57 người nhưng ngày xảy ra tai nạn trên chiếc 361 có tới 70 thủy thủ, được coi là khá đông đúc chật chội. Ngoài ra trên tàu 361 khi đó còn có Phó Đề đốc Cheng Fuming, dấy lên nghi vấn thời điểm xảy ra tai nạn con tàu này không trong nhiệm vụ bình thường.
Một số nhà quan sát cho rằng số thủy thủ bổ sung nhằm quan sát thử nghiệm động cơ đẩy độc lập không khí (AIP) – thiết bị giúp tàu ngầm tàng hình và tăng sức bền khi hoạt động dưới nước.
Một giả thiết là rò rỉ trên tàu khiến nước biển hòa vào acid ổ ắc quy hình thành chlorine “đầu độc” các thủy thủ.
Tuy nhiên, lý giải được cho hợp lý nhất là thủy thủ đoàn tàu ngầm 361 chết ngạt do động cơ diesel của chính phương tiện này. Tàu ngầm năng lượng điện diesel thường sử dụng động cơ diesel hút không khí để sạc ắc quy. Điều này thường được thực hiện khi tàu ngầm nổi trên mặt nước nhưng 361 khi đó cố gắng không bị phát hiện nên chỉ duy trì hoạt động dưới mặt nước và tận dụng ống thông hơi để thu không khí. Điều đặc biệt là ống thông hơi thường được thiết kế để tự đóng lại khi mực nước lên quá cao.
Theo tờ Wen Wei Po (Hong Kong, Trung Quốc), thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc 361 đã hết nhiện liệu trong khi mực nước lên cao khiến ống thông hơi đóng lại và trục trặc kỹ thuật khiến thiết bị này không thể vận hành như bình thường. Tuy nhiên, động cơ diesel lại không ngừng hoạt động do vậy đã tiêu thụ hầu hết không khí trong tàu ngầm chỉ trong 2 phút.
Thủy thủ tàu có thể cảm thấy đau đầu nhẹ và khó thở trong phút đầu, sau đó là mất tỉnh táo ở phút thứ hai.
Như vậy, hầu hết các lý giải được đưa ra đều xoay quanh việc cả sự cố bắt nguồn từ lỗi kỹ thuật.