Dân ta có niềm tin vào việc người chết vào giờ xấu thì có thể gây hại cho người sống. Cái giờ chết xấu nhất là chết nhằm vào giờ trùng tang thì sau người đó sẽ còn có vài người trong gia đình phải đi theo nếu không nhờ được thày cao tay trấn yểm. Ấy đó là nội dung của câu chuyện "thần trùng" vẫn bí ẩn từ xưa đến nay.
Những “thần trùng” được tạo ra như thế nào?
Ông Thống Ch – người có biệt tài trị bệnh điên đã nói ở trong bài trước, không chỉ giỏi chữa bệnh mà còn nổi danh trong vùng về một mảng khác là trị thần trùng. Nhưng hãy nghe ông nói về cái bản chất của con “trùng” này: “Có người đến lấy bùa thần trùng thì tôi dọa: trùng tang liên táng đấy, còn mấy mạng nữa đi theo… Trước hết phải làm cho họ sợ đã. Có sợ mới theo đuổi mình. Nhưng sau đó lại phải làm họ yên tâm ngay.
Bà con nông thôn ta thường hay mê tín nhảm nhí, trong nhà có người chết liền lo lắng trùng nọ trùng kia. Bên cạnh đó, lại thêm hao tài tốn của và nhớ thương người chết, sinh ra biếng ăn, biếng ngủ, làm ăn chệch choạc không ra sao. Không khéo một chút là ốm đau, làm ăn sa sút ngay. Trùng là ở chỗ ấy đấy! Vì vậy, phải làm bùa tạo ra đủ chuyện: Xung quanh cái bùa, vẽ nhảm vẽ nhí vào đó.
Nhiều người không biết cứ cho là chữ thánh là có sách, sách không khéo cũng là bịp. Rồi tôi giả đò khấn khứa, bắt quyết… để cho người ta tin vào bùa như đinh đóng cột. Mục đích là làm cho họ yên tâm, hết lo lắng. Có thế thôi làm gì có trùng đâu!
|
Đây là một đạo bùa của "thánh" Hằng ở Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai ban phát cho những người đến lễ. Ảnh: Báo Công an TP HCM . |
Thày Thống Ch chỉ dừng ở mức độ lòe người khi người ta tự động tìm đến cúng lễ. Một số người khác thì không “hiền lành” như thế. Ông Tư B ở Ngọc Thụy cũng kể lại: "Gia đình nào có người chết, không chịu lấy bùa tôi liền sai thần trùng về khảo nhà đó. Đêm đến tôi cho nó ho khục khặc ở trong nhà làm cho mọi người phải sởn gai ốc, dựng tóc gáy. Thế là tôi lại được mời đến cúng, làm bùa.
Có gì đâu, tôi bắt con cóc rồi nhét thuốc lào vào mồm khâu chỉ lại. Rình lúc gia chủ đi vắng, tôi sai người đem cóc vào gầm giường nhà chủ đó. Có ánh sáng thì nó im lặng, tắt đèn thì nó lại ho vì sặc thuốc lào”.
Một số gia đình sau khi có người chết thường đêm đêm cứ có tiếng đập cửa mà ra xem thì chẳng có ai. Đêm tối chẳng đèn điện nên thấy tiếng đập cửa mà chẳng hề nghe thấy tiếng người thì ai chả nghĩ là hồn ma về. Sự thật là thế này:
Một thày tên là Cảnh M viết tự thuật cho biết: “Để khảo của moi tiền của một nhà giàu vừa có người chết nào đó, tôi có cách làm ma đập cửa. Muốn vậy, đêm hôm gia chủ mai táng thân nhân, tôi sai người bôi nước a ngùy vào cánh cửa nhà đó. Đây là thứ nước loài dơi thích ngửi nên đêm đến chúng bay đến, đập đập đôi cánh ngửi mùi a ngùy. Nếu thoáng thấy có ánh đèn le lói, có tiếng chân người bước ra là chúng lại vụt bay đi.
Thế là nhà chủ chỉ thấy tiếng đập cửa mà không thấy bóng ai. Họ kinh hoàng vội vã đi đón thầy cao tay về lập đàn cúng lễ, yểm bùa trừ ma. Chúng tôi bắt lập đàn tràng bày lễ vật tốn kém rồi vờ phù phép, tẩy uế tức là rửa cánh cửa có nước phép rồi yểm vào đấy một lá bùa. Thế là trừ được tà ma cho gia chủ vì hết mùi a ngùy dơi sẽ không bay đến đập cánh nữa”.
Ai oán nhất, ghê rợn nhất là những tiếng kêu như người bị tra tấn vọng lên từ mả người mới chết. Một khi gặp phải tình huống này thì phải cúng lễ linh đình lắm, phải mời thầy thật cao tay mới được. Nhưng cũng chỉ những gia đình có máu mặt mới bị các thày chơi "chiêu" này thôi.
Gặp trường hợp ấy, dân gian đồn đoán là vì người này chết phải giờ xấu hoặc lúc sống có nhiều nghiệp chướng nên khi chết bị trời sai thần Kem xuống bổ gối để tra khảo các tội đã làm. Và do người chết bị tra khảo đau đớn quá cho nên từ mộ mới vẳng lên tiếng kêu ai oán bi thương. Muốn khỏi bị tra tấn như thế, phải mời thày phù thủy đến yểm bùa.
|
Đây là một dạng bùa khác. Có tài "thánh" cũng không luận ra bùa viết hay vẽ cái gì vì có loằng ngoằng mới là bùa. Ảnh: Internet. |
Bí mật của tiếng kêu ấy là thế này: Họ chôn một con mèo vào trong một cái hố đậy cái chõ (loại nồi đất dùng để đồ xôi thời xưa - TG) có lỗ thông hơi lên mặt đất (cho mèo thở) ở ngay bên cạnh mả người chết. Đợi đến đêm khuya thanh vắng họ cho mèo xuống, mèo kêu văng vẳng lên khiến gia chủ ngỡ là người nhà bị khảo.
Vào lúc đêm tối, chẳng ai to gan dám ra tận mả để xem kỹ là tiếng gì. Thôi thì thần hồn nát thần tính lại chả nghĩ ra đủ thứ ma tà. Để yên ổn, họ sẽ mời ngay thày cúng đến. Nếu đúng là ông thày tác giả của con mèo thì ông chỉ việc cúng rồi đêm đến ra thả mèo hoặc giết nó đi là mồ yên mả đẹp ngay.
Còn nếu gia chủ mời thầy khác, không phải tác giả của con mèo thì nó vẫn cứ kêu và như thế thì thầy này chưa phải là cao tay, loanh quanh rồi sẽ tìm đến đúng tác giả thôi.
Bùa yểm thần trùng
Chuyện thần trùng là như thế, vậy “bài vở” để trị thần trùng thì thế nào? Chúng ta hãy nghe cụ Thống Nguyễn Văn Th ở Phượng Độ (Hà Tây), người một thời nổi danh về khoa mở mả trị thần trùng tiết lộ bí mật:
“Nhà nào không may có hai, ba người chết liền, tôi phao tin là có trùng. Trước cái chết kề bên ai chẳng sợ nên họ sẽ mời tôi đến cúng. Khi gặp gia chủ, tôi bấm giờ và dọa trùng rất nặng phải mở mả, yểm bùa. Cái trò đời “hữu bệnh thì vái tứ phương” lúc nhà có tang ma bối rối thì ai nói gì cũng dễ tin làm thật.
Tôi làm ra vẻ quan trọng nói: “việc mở mả này, ông thày phải cao tay lắm mới trị được không thì “nó” đánh chết tươi ngay”. Nhưng đã đi với tôi thì không sợ. Tôi đã có phép. Cần cho hai người khác họ, khỏe mạnh đi theo tôi. Tôi đứng giữ phép cho mà đào.
Tôi dặn những người này: “Nếu đào lên thấy mùi hôi thối thì không được khạc nhổ”. Tôi đã có phép làm cho uế khí phải tan đi.
Lúc đào lộ ván thiên lên rồi, tôi bảo họ lên để tôi xuống làm phép. Trong túi tôi đã có sẵn một gói thuốc trừ uế khí. Nó gồm các vị a ngùy, sương truật, quỉ kiến sầu, ô dầu, ba kích, đinh hương, hồi hương, quế chi, ngân tinh, thiết tinh, đồng trích… và một nắm bã trầu nhặt ở chợ gọi là “bách nhân bách khẩu” tán ra trộn với nhau. Tôi chỉ rắc cho một lượt lên chốc ván và đốt một nắm hương to là hết thối.
Rắc xong, gọi họ xuống kênh ván thiên lên rồi lại rắc cho một lượt nữa lên xác chết. Yểm cho một đạo bùa rồi lấp lại. Nhờ có “thứ thuốc trừ” ấy, tôi được nổi tiếng là thày phù thủy cao tay và hốt được tiền của thiên hạ”.
Thiết nghĩ, đến đây hẳn độc giả cũng đã biết rành rẽ được cơ bản các mánh lới của “nghề thầy” rồi. Vậy đừng bao giờ phí tiền phí của vào những cuộc cúng lễ tốn kém để làm giàu cho ông đồng bà cốt.