Thi hài thật vua Quang Trung được táng ở đâu? Huế, Bình Định, Hà Nội, Nghệ An hay một nơi bí mật nào đó trên dải đất hình chữ S vẫn là câu hỏi lớn. Có giả thuyết cho rằng sau khi qua đời, thi hài vua Quang Trung đã được bí mật đưa về an táng tại quê cha đất tổ ở thành Phượng Hoàng Trung Đô thuộc phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
|
Chân dung vua Quang Trung và Gia Long lưu lại trong sách vở. |
Mất 2-3 tháng mới phát tang
Theo các tài liệu lịch sử, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) sinh ra và lớn lên ở Tây Sơn, Bình Định nhưng quê gốc ở Nghệ An. Năm 1788, vua cho xây dựng kinh đô tại vùng đất giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân ở Yên Trường, Châu Lộc, Nghệ An, nay là phường Trung Đô, TP Vinh.
Thành Phượng Hoàng Trung Đô đang xây dựng dang dở thì mùa thu năm 1792, vua bất ngờ lâm trọng bệnh qua đời. Trước khi băng hà, vua đã căn dặn con trai Quang Toản: "Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể tin cậy được. Ta đắp thành dày để làm Trung Đô. Nếu có biến cố còn có thể giữ được…".
Sau khi vua băng hà, triều đại Tây Sơn kéo dài thêm 10 năm thì sụp đổ. Nhà Nguyễn lên ngôi, thành Phượng Hoàng Trung Đô bị rơi vào quên lãng. Sau hơn 200 năm, thành Phượng Hoàng Trung Đô chỉ còn lại một ít dấu tích nhạt nhòa ở phường Trung Đô.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), Quang Trung là người rất tin chuyện mồ mả, khi tấn công vào Phú Xuân, ông đã từng cho quật mộ tổ tông của chúa Nguyễn. Trước khi về cõi vĩnh hằng, ông dự cảm nếu không duy trì được vương triều, nếu để nhà Nguyễn thắng thế, có lúc mộ của ông sẽ bị quật lên. Đúng như ông tiên đoán, sau này, Nguyễn Ánh đã quật tất cả mộ của nhà Tây Sơn... Như thế, Quang Trung hoàn toàn không muốn nằm lại Phú Xuân và di nguyện tuyệt đối giữ bí mật lăng mộ và thi hài của mình.
Thực tế Quang Trung đã từng truyền cho xã Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) xây dựng tổ miếu của nhà vua để thờ cúng. Điều này có nghĩa là đồng thời với việc xây dựng kinh đô, Quang Trung đã quan tâm đến việc xây dựng mồ mả tổ tiên và lăng mộ của vương triều trên quê gốc Nghệ An. GS-TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định nếu thi hài vua Quang Trung đã được đưa ra khỏi Phú Xuân thì chỉ có Nghệ An vừa là quê cha đất tổ vừa là kinh đô của vương triều, thế đất hiểm yếu, có thể khống chế thiên hạ, đủ yên tâm cho hoàng đế yên giấc ngàn thu.
Ông Nguyễn Hữu Bản - nguyên Bí thư Thành ủy TP Vinh, trưởng nhóm tìm kiếm lăng mộ hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An - cho biết: "Quang Trung có rất nhiều kẻ thù cả bên trong lẫn bên ngoài như: Thanh, Xiêm, Lê, Trịnh, Nguyễn... Trong đó, tử thù là Nguyễn Ánh đang ngày càng mạnh lên, khả năng sẽ chiếm được thành Phú Xuân. Quang Trung đã nhìn thấy điều đó khi dặn con và cận thần phải chuyển kinh đô ra Nghệ An, không có lý gì mà ông lại chịu yên giấc tại Phú Xuân để sau này Nguyễn Ánh có thể quật mồ lên trả thù một cách dễ dàng".
Theo nhiều tài liệu lịch sử, sau khi Quang Trung qua đời, khoảng 2-3 tháng mới tổ chức phát tang. Thời gian này, thành Phú Xuân "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Đường biển, đường bộ đều được canh gác, kiểm soát nghiêm ngặt. Đây chính là thời gian để các cận thần thân thích làm mộ giả và an táng Quang Trung giả tại thành Phú Xuân. Thi hài an táng tại Huế có thể là "giả vương nhập cận" Phạm Công Trị hay một cận thần nào đó. Cũng trong thời gian này, thi hài thật của Quang Trung đã được bí mật vận chuyển theo đường thủy ra Cửa Hội rồi ngược theo sông Lam đem vào an táng tại lăng mộ đã xây dựng sẵn ở thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Vào năm 2012, tỉnh Nghệ An đã mời các chuyên gia từ ĐHQG Hà Nội mang một máy dò địa vật lý từng tham gia khai quật tại Hoàng thành Thăng Long vào khảo sát. "Khi đưa máy vào thăm dò, đến khu vực nghi có mộ vua Quang Trung, máy đều bị tê liệt. Sau khi nhờ người gốc họ Hồ thắp hương xin, máy mới hoạt động trở lại. Qua thăm dò ở khu vực sau bia dẫn tích, máy có phát hiện một vật khác thường nằm ở độ sâu từ 6- 6,5 m" - ông Bản nói.
Tiếp tục khảo cổ lần 2 tại Huế
Trong khi đó, cuộc thăm dò khảo cổ để tìm lăng mộ vua Quang Trung vẫn đang tiếp tục tại Thừa Thiên - Huế với nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Vào tháng 1-2017, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công bố kết quả thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân tại phường Trường An, TP Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng nơi đây là cung điện Đan Dương mà vua Quang Trung ở trong khi chờ đợi xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, sau đó biến thành lăng Đan Dương khi vị vua này mất.
Tại lần thăm dò này mở 5 hố thám sát, trong đó có vị trí ở chùa Thiền Lâm tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế. Kết quả đã phát hiện được nhiều hiện vật như mảnh sành sứ, gạch ngói… bước đầu xác định có niên đại từ thế kỷ XVII đến XIX, kéo dài qua thế kỷ XX. Việc thăm dò cung cấp thêm tư liệu về thời kỳ Tây Sơn liên quan đến thành quách, cung điện.
Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đồng ý chủ trương mở rộng khai quật khảo cổ học gò Dương Xuân với diện tích dự kiến 300 m2. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay đang phối hợp với Viện Khảo cổ học để làm phương án khảo cổ. "Việc khảo cổ mở rộng lần này phải giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa. Khu vực này tập trung đông dân cư nên kinh phí đền bù giải tỏa, tái định cư khá nhiều" - ông Hùng nói.
Dự kiến điểm khai quật chính là mở rộng với diện tích 200 m2 đối với hố thăm dò số 5 ở một nhà dân, nơi đã phát hiện một bức tường đá hồi tháng 10-2016. Từ hố khai quật số 5 này sẽ mở rộng khai quật theo hướng chùa Thiền Lâm với khoảng cách 50 m. Ngoài ra sẽ khai quật thêm 4 khu vực gồm cồn Bông Sứ, giếng loạn, khu vực mộ trước chùa Vạn Phước, hồ bán nguyệt.
Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết đang chờ ngành khảo cổ gửi phương án mở rộng thăm dò để có căn cứ giải phóng mặt bằng.