Vén màn bí mật "thuốc thánh" - ngón nghề độc của giới thầy cúng

Google News

(Kiến Thức) - Trong các ngón nghề của giới thầy cúng ở Việt Nam không thể không nhắc đến "thuốc thánh". Nhiều người khi hết hy vọng vào khả năng chữa bệnh thực tế thì thường hướng niềm tin vào thế giới siêu nhiên thần bí, nhờ vậy mà "thuốc thánh" chẳng bao giờ ế hàng...

Ở Việt Nam, khi mắc bệnh nan y, không ít người thường hy vọng ở các thày cúng. Không quản đường xá xa xôi, nhiều người lặn lội nghe thời lời mách bảo để tìm đến các thày cúng với niềm tin có thể khỏi bệnh nhờ "thuốc thánh".
Khi thầy cúng chữa bệnh
Ông Nguyễn Văn Q ở Thái Bạt (Bất Bạt – Sơn Tây) có sở trường cúng lễ để chữa bệnh cho dân, sau khi được giáo dục bài trừ dị đoan đã dốc “gan ruột” để đem cái “bí quyết” kiếm ăn bằng "thuốc thánh" của mình ra ánh sáng.
Ông kể: “Thực ra thuốc dấu cũng chẳng có gì là phép tắc cả. Sau khi cúng tôi dùng ba thứ thuốc thần sa, chu sa, hùng hoàng mài thật đặc để vẽ bùa. Khi trị bệnh sốt nóng cho trẻ con, đốt bùa ấy hòa với nước, thuốc tan ra, uống vào thì hạ sốt”.
 "Thánh" Hằng ở xã Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai đang phun rượu và xoa khói thuốc để "chữa" bệnh cho người. Ảnh: Báo Công an TP HCM.
Cũng với phương thức như thế, ông Thống Ngh ở Liên Sơn (Sơn Tây) thường cho bùa khi bệnh nhân đến xin thuốc chữa bênh. Nhưng chắc chắn hơn, ông nói nước đôi: “Nếu uống ba ngày không khỏi thì phải biện lễ xin ngài cho uống thuốc trần”.
Tinh vi ảo diệu nhất trong nghề cúng lễ chữa bệnh có lẽ là ông Thống Ch ở xã An Hòa (ngoại thành Hà Nội) với sở trường “quạt bùa trừ ma”. Một lần có gia đình đến mời ông làm bùa chữa bệnh. Đến nơi ông hỏi: Bệnh tình ra sao. Bệnh nhân trả lời: dạ cháu đi làm đồng về tự nhiên thấy tối tăm mặt mũi lại rồi bị ốm liên miên.
Ông lại hỏi: “Đêm có ngủ được không?”. Bệnh nhân bảo: “Dạ cứ mơ mơ màng màng khi nóng khi lạnh ạ!”. Ông nói: “Biết thừa là cảm nắng, cảm gió nhưng tôi tìm cách xoay tiền nên nói: Tôi hỏi thì hỏi chứ, tôi biết là có con tà nó theo đây! Yên chí, có tôi thì không sợ”.
Thế rồi bệnh chỉ có thế thôi nhưng nhà cũng phải lập đàn tràng với đầy đủ hàng mã, xôi gà cùng với cháo và bỏng rang. Thời nay lễ như thế là mỏng nhưng những năm khó khăn thời trước thì thế đã là một món lớn cho gia chủ rồi. Ông Ch bảo phải làm cho uy nghi như thế người ta mới tin mình là cao tay. Cũng bởi thế mà gây ra tổn phí cho gia đình. Vào cuộc lễ, bệnh nhân nằm trên phản, nách được “thầy” bố trí cho cặp một con gà còn sống. Bên trên, bệnh nhân đắp một cái lưới đánh cá cũ và một cái chiếu. Trên chiếu thì đặt một đạo bùa. Cái chỗ quan trọng là ở con gà và cái chiếu vì sách thuốc Đông y nói gà sống có tác dụng thu phong và phát nhiệt, chất lưới gai và chiếu thì kỵ gió đồng thời giữ nhiệt.
Ông Thống Ch kể tiếp: “Một người giúp việc cầm một đĩa thầu dầu đốt bấc thật to, quạt ngọn lửa hắt vào xung quanh chiếu. Còn tôi ngậm rượu phun vào ngọn lửa. Miệng hô “âm binh thần tướng đáo lai đàn tràng…” Tay cầm roi, bắt quyết đánh lung tung vào chiếu, hung hăng như đánh ma thật.
Cứ cái kiểu nhăng cuội, khấn khứa con cà con kê như thế hàng tiếng đồng hồ. Vì nóng ngốt lên và hồi hộp nên bệnh nhân toát mồ hôi ra, thế là nhẹ bệnh. Con bệnh về nhà giữ gìn mấy hôm là khỏi”.
Ngoài ra, ông Ch còn dùng bùa chữa nhiều bệnh khác nữa mà điển hình như bệnh điên. Với bệnh này, ông đã nghiên cứu rất kỹ các sách thuốc Đông y và biết loại này do nóng nực và rực máu thì có thể dùng các chất thuốc mát để chữa khỏi được.
Biết vậy, ông Ch liền tìm cách chế các loại thuốc mát. Ông kể: “Về nhà tôi liền Nghiên cứu các loại thuốc mát như “bách thiên thảo” “huyết dụ”, sao rõ vàng, cho thêm thục địa, viễn chí sắc kỹ cho bệnh nhân uống. Quả nhiên, một số người đã khỏi vì chữa theo phương pháp thuốc nam trị bệnh”.
Một "thánh" khác đang hành nghề. Ảnh: Internet.
Nhưng nghề chính của ông vẫn là thầy cúng. Bởi thế, khi chữa ông phải bịa ra tà này tà nọ rồi bắt làm lễ trục con tà. Ông nói thêm: “Khi chữa, trước hết phải tìm hiểu xem có chữa được tôi mới nhận lời. Sau đó, phải bịa ra ma nọ, tà kia để họ đến điện nhà tôi kêu thánh. Cuối cùng là lễ bái, cho bùa và lấy “thuốc thánh” này cho họ uống. Cứ đi lại hầu thánh như vậy rồi uống thuốc dần dần khỏi bệnh. Thế là bà con kháo lẫn nhau. Tôi trở thành cao tay, có tiếng tăm”.
Giải bí mật bùa yêu thuốc dấu
Thời nay, chúng ta vẫn còn được nghe nhiều câu chuyện kể về bùa ngải, nhất là bùa yêu. Vùng Hòa Bình là địa danh được coi như “thủ đô” của loại bùa này. Biết bao câu chuyện kể những người miền xuôi lên vùng cao làm ăn bị ăn phải bùa ngải của con gái vùng cao dẫn đến điên khùng khiến người nghe cứ gọi là sởn gai ốc.
Chưa biết thực hư câu chuyện ra sao nhưng ở ngay vùng đồng bằng thì không ít thày cúng cũng biết làm bùa yêu. Cụ Đỗ Thế Ph ở vùng Hòa Thạnh (Quốc Oai) là một người nổi tiếng về tài làm loại bùa này. Người ta đồn có nhiều cặp vợ chồng chê nhau thế mà chỉ nhờ cụ lấy cho một đạo bùa là lại về yêu nhau đến nỗi gỡ không ra, đuổi không đi
Trước đây, nếu ai hỏi cụ làm cách nào mà tài thế thì cụ nói giọng trịnh trọng: "Ấy nhờ thánh cho ăn lộc". Nhưng ở lớp giáo dục cải tạo mê tín thì cụ không giấu giếm nữa mà nói: Cách làm bùa yêu của tôi là như thế này. "Đầu tiên ai đến nhờ, tôi hỏi xem vợ cồng nó chê nhau đã lâu chưa, họ còn đi về nhà nhau không? Nếu còn đi về nhà nhau thì mới chữa được, ấy việc bùa cho thì cứ cho, đạo dán đầu giường, đạo yểm trước cửa chỗ bước ra bước vào, đạo yểm vào đồ rau, vua bếp…Nhưng cái chính không phải là bùa mà là thuốc.
Người ta thường nói bùa yêu thuốc dấu thì phải giữ kín, đừng cho người dùng biết. Người nhà đem về sắc lên nói là uống nước lá cho tiêu cơm, dễ ngủ. Thuốc ấy gồm những vị như bách loan, bách hợp, ngũ vị tử, bắc khởi tử, âm dương thủy trạch, âm dương hoặc rễ cau (trắng) dương khởi thạch… uống vào có tác dụng kích thích dục tính, làm cho anh chị phải “đi lại” với nhau…”
Qua những câu chuyện trên chúng ta thấy rằng dẫu các thày lòe người nhưng vẫn còn dựa vào hiểu biết y học tức là thuốc của họ có căn cứ, cơ sở nên mới có tác dụng. Nhưng thời gian gần đây, không ít nơi cũng lợi dụng danh nghĩa “thuốc thánh” để chữa bệnh mà chữa bằng nước lã với lại những loại rễ cây chẳng ra vị gì, chẳng căn cứ vào cơ sở nào thì chỉ có hại người chứ chẳng chữa được bệnh.
Một điều nữa cần nói tới là người bệnh sau khi hết hy vọng vào khả năng thực tế thì thường hướng niềm tin vào thế giới siêu nhiên thần bí. Tất nhiên khi thầy cúng nói rằng thánh đã cho thuốc thì người bệnh cũng nhen nhóm hy vọng cho nên có thể cảm thấy khỏe khoắn ra và cho là thuốc công hiệu. Nhưng tác dụng tinh thần cũng chỉ được một chốc lát nên cuối cùng vẫn là tiền mất tật mang.
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)