Hình ảnh các đốm xanh lóe sáng bầu trời đêm ngay trước khi động đất xảy ra ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Ảnh: Twitter
Trong những bức ảnh và video được đăng trên mạng xã hội, có thể nhìn thấy những vệt sáng và quầng sáng xanh xuất hiện trên bầu trời đêm. Ngay sau đó, những rung chấn dưới lòng đất đã xảy ra. Hiện tượng này được quan sát bởi cư dân của tỉnh Latakia của Syria và các khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ quan quản lý thiên tai (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai trận động đất đã xảy ra cách nhau ba phút tại tỉnh Hatay vào ngày 20/2, với độ lớn lần lượt là 6,4 và 5,8. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 3 người đã thiệt mạng và khoảng 300 người khác bị thương do rung chấn.
Đáng chú ý, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ tin đồn cho rằng những tia sáng bí ẩn xuất hiện trên bầu trời là nguyên nhân gây ra động đất.
Ngày 22/1, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng những vệt sáng xuất hiện trong trận động đất ngày 20/2 ở Đông Nam nước này là hoàn toàn tự nhiên. Chúng không do bất kỳ hệ thống cụ thể nào gây nào. Các tia sáng chỉ xảy ra trong lúc rung chuyển và chúng đã biến mất sau đó.
Trước đó, một số cư dân mạng cho rằng các tia sáng xanh này do Chương trình nghiên cứu cực quang hoạt động tần số cao của Mỹ (HAARP) gây ra.
"Khi các mảng Trái đất bắt đầu di chuyển, năng lượng được giải phóng. Mặt khác, những rung chấn đó ra những thay đổi trong lưới điện, đó là lý do tại sao những tia sáng chói có thể xuất hiện. Những tia sáng như vậy có thể đạt tới độ cao 200 mét. Trong một số trường hợp, chúng trông giống như tia chớp", Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.
Trong khi đó, ông Hala Hasan, Giáo sư tại Viện nghiên cứu động đất thuộc Đại học Damascus, nói rằng không có lời giải thích chính xác nào về những tia sáng xanh xuất hiện trên bầu trời, song ông lưu ý rằng điện trường và từ trường của bầu khí quyển đã thay đổi trước khi xảy ra chấn động.
HAARP được thành lập vào năm 1993 để nghiên cứu phần cao nhất của bầu khí quyển Trái đất là tầng điện ly. Nó gồm một trạm tín hiệu 3,6 megawatt đặt tại Alaska với nhiều ăng-ten được cho là có khả năng ion hóa các khu vực nhỏ trong khí quyển. Hệ thống này đã trở thành chủ đề của nhiều tin đồn đoán, cho rằng HAARP có khả năng gây ra những thảm họa thiên nhiên tàn khốc, như lũ lụt, hạn hán và động đất, thậm chí kiểm soát tâm trí con người.
Những vệt sáng và tia lửa tương tự cũng được ghi nhận vào năm 1927 trong các trận động đất mạnh ở Crimea. Chúng được cho là do sự bốc cháy của khí mê-tan thoát ra từ đáy biển thông qua các vết nứt do chuyển động địa chấn gây ra.
Đầu tháng 2 này, loạt vụ động đất kinh hoàng đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến hơn 47.000 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, phá hủy vô số tòa nhà trên khắp hai quốc gia.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây mới gần 200.000 ngôi nhà ở khu vực Đông Nam nước này, nơi 2 tuần trước hứng chịu động đất lớn.
Công tác tái thiết sẽ bắt đầu vào tháng 3, với việc xây mới 199.739 ngôi nhà, trong đó có hơn 130.000 ngôi nhà ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hatay, Kahramanmaras và Malatya. Tất cả nhà xây mới sẽ được xây dựng trên nền đất chắc chắn, nằm xa các đường đứt gãy địa chất và chỉ cao tối đa 4 tầng.