Hồ bán nguyệt, hay còn gọi là hồ hình trăng lưỡi liềm, thường được xây dựng trong các không gian quan trọng như đình, chùa, cung điện, và cả nhà ở, nhằm tạo ra sự thịnh vượng, cân bằng âm dương và sự điều hòa về năng lượng trong không gian sống.
Hình dáng bán nguyệt tượng trưng cho mặt trăng – biểu tượng của âm tính, đối lập với mặt trời – dương tính. Do đó, hồ bán nguyệt thường được sử dụng để cân bằng năng lượng âm dương trong không gian.
Theo quan niệm phong thủy, nước là yếu tố quan trọng mang lại tài lộc và may mắn. Hồ bán nguyệt giúp nước lưu thông, chuyển hóa năng lượng, mang lại sự sung túc và thịnh vượng cho gia chủ.
Hình dáng cong của hồ bán nguyệt đại diện cho sự linh hoạt, uyển chuyển trong dòng chảy năng lượng, giúp điều hòa các yếu tố phong thủy khác trong không gian sống.
|
Hồ bán nguyệt ở Đền Đô, Bắc Ninh. (Ảnh: Báo VOV) |
Theo
Tạp chí Reatimes phân tích, bản chất của phong thủy là Khí. Khí mang năng lượng tự nhiên của trời đất và cả năng lượng của con người tác động đến mọi vật. Con người sinh sống và chịu ảnh hưởng của Khí.
Trong phong thủy, một nguyên lý căn bản là “Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng” nghĩa là gió làm cho Khí tản đi và di chuyển theo gió nhưng khi gặp nước thì Khí sẽ tụ lại. Khí muốn tác động đến con người thì cần phải tụ, do đó nước là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nước giúp cho Khí dừng, Khí tụ. Điều đó giải thích vì sao người xưa chọn đất làm nhà, lập làng hay rộng hơn là lập kinh đô, lập nước thường chọn nơi có nguồn nước.
Tại nhiều công trình kiến trúc như nhà ở, các công trình công cộng, tôn giáo (như đền, chùa, miếu, phủ…) thường đào giếng, ao, hồ... trong trường hợp không có sẵn nguồn nước. Nguồn nước này trong phong thủy gọi là điểm tụ thủy hay tụ Khí hoặc tụ tài lộc.
Cùng chủ đề này, tạp chí Kiến trúc Việt Nam lý giải hồ hình bán nguyệt, mang ý nghĩa để tụ khí và trừ tà. Để tụ khí nước phải có thế cuộn lại, trong phong thủy gọi là “long hồi đầu”, chứ không chảy thẳng. Nếu nước theo mạch chảy xuôi như ở đoạn sông thẳng, Khí sẽ theo dòng nước chảy đi mất. Nhưng nếu ở khúc sông cong, uốn khúc, nước đang chảy thẳng sẽ cuộn lại, Khí sẽ theo đó mà tụ lại thành huyệt.
Ở khúc sông cong, nước sẽ chảy xói vào bờ cong phía ngoài tạo thành bên lở, rồi mang đất cát lắng lại bờ cong phía trong tạo thành bên bồi. Bên lở sẽ sinh ra sát khí có hại, còn bên bồi sẽ sinh ra sinh khí có lợi cho con người và vạn vật. Vì vậy, người xưa có câu “bồi ở, lở đi”.
Hồ hình bán nguyệt là mô phỏng theo hình dạng của khúc sông cong với bên lở là phía vòng cung và bên bồi là cạnh thẳng của dây trương cung, để cho Khí tụ lại và tạo thành sinh khí cho khu đất. Do đó, hồ bán nguyệt bao giờ cũng hướng đường vòng cung là bên lở ra phía ngoài, cạnh thẳng là bên bồi ở phía trong để đặt công trình chính là ngôi nhà vào đúng huyệt vị để được hưởng sinh khí.
Bên cạnh đó, hồ bán nguyệt có hình như một cánh cung với cạnh thẳng là dây cung và cung tròn là cánh cung để đặt mũi tên, nên trong phong thủy được dùng để trừ tà khí. Cánh cung hướng mũi tên ra bên ngoài sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma và ngăn chặn sát khí nói chung, bảo vệ an toàn cho ngôi nhà. Vì vậy, người ta không bao giờ xây hồ bán nguyệt hướng cánh cung vào phía trong, vì nếu hướng vào trong chính là lại “bắn mũi tên” vào chính ngôi nhà của mình, tạo xung sát và không may mắn.