Lưu Thiện (207 – 271), tự Công Tự, tiểu tự A Đẩu, thụy hiệu là Hán Hoài đế là vị Hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, Lưu Thiện là con trai của Lưu Bị, vua đầu tiên của nhà Thục Hán với người thiếp là Cam phu nhân, tuy nhiên không cho biết rõ ông là con trai thứ mấy của Lưu Bị.
Lưu Thiện chào đời vào năm 207, khi Lưu Bị còn đang nương nhờ thế lực quân phiệt của Lưu Biểu ở Kinh Châu.
|
Hình ảnh Lưu Thiện trên phim. Ảnh: Sohu |
Cho dù trong sách sử hay trong tiểu thuyết, hình tượng của Lưu Thiện dường như đều không lấy gì làm vẻ vang, đặc biệt là trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, thậm chí có thể nói là vô dụng đến tột cùng, không hề có chủ kiến.
Nhiều người đánh giá, Lưu Thiện là cái bóng dưới hình tượng rực rỡ của Gia Cát Lượng, để mặc Gia Cát Lượng chi phối. Lưu Thiện chẳng làm nên trò trống gì, chỉ giỏi mỗi trò chọi dế. Nếu như không có Gia Cát Lượng, chẳng biết cỏ trên mộ Lưu Thiện đã mọc cao mấy mét rồi.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, cả bộ tiểu thuyết cũng nhanh chóng đi đến hồi kết. Ngay cả việc Lưu Thiện mở cửa đầu hàng kẻ địch cũng không được nhắc đến nhiều.
Nhưng những nhà sử học hiện tại thì nhìn nhận Lưu Thiện không hẳn là một vị vua kém. Trong giai đoạn đầu nắm quyền, ông cũng có một số thành tích. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện vẫn có thể tiếp tục lãnh đạo nhà Thục Hán yên ổn trong 30 năm mà không xảy ra đại loạn gì lớn, có thể thấy Lưu Thiện vốn không phải là hồ đồ.
Tất nhiên, nếu như đem Lưu Thiện và Gia Cát Lượng ra so, quả thật không thể sánh nổi. Nhưng từ việc này có thể thấy, không thể nói rằng Lưu Thiện là một kẻ vô tích sự, ông cũng có bản lĩnh riêng. Tuy nhiên, sau này về già, ông tin cậy hoạn quan Hoàng Hạo thì chính sự nước Thục Hán mới suy yếu.
|
Gia Cát Lượng đã dốc hết sức mình để phò tá Lưu Thiện. Ảnh: Sohu |
Năm xưa, khi bệnh tình của Lưu Bị càng nguy kịch, ông bèn viết chiếu cho Thái tử Lưu Thiện ở Thành Đô, có đưa trước cho Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm xem, với nội dung như sau:
"Trẫm mắc bệnh nan y, xem tình hình bệnh không khỏi. Người ta 50 tuổi đã không gọi là chết yểu, nay ta đã hơn 60, chẳng có gì ân hận, bởi thế chẳng lo lắng cho mình, chỉ nghĩ đến tương lai của anh em các ngươi.
Nghe thừa tướng Gia Cát Lượng nói, ngươi có khí chất lớn, tiến bộ rất nhanh, vượt quá mong mỏi của ông cha, nếu như thực sự như thế ta còn phải lo gì, hy vọng ngươi cũng phải nỗ lực, chớ làm một điều ác nhỏ, cũng chớ không làm một điều thiện nhỏ".
Gia Cát Lượng vốn là người chính trực không thích nịnh bợ việc ông đánh giá cao Lưu Thiện đủ để thấy Lưu Thiện không phải kẻ ngốc nghếch khờ khạo, và lịch sử đã chứng minh Lưu Thiện đã chính thức kế thừa ngai vàng với thời gian trị vì tổng cộng lên tới 41 năm. Trong ba nước thời Tam quốc là Ngụy – Thục – Ngô, ông chính là người ở ngôi Hoàng đế lâu nhất.
|
Hình ảnh Gia Cát Lượng trên phim. Ảnh: Sohu |
Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa được La Quán Trung phác họa ông là vị quân sư kiệt xuất, chiến lược gia tài ba. Thừa tướng Gia Cát Lượng đã lãnh đạo nhà Thục Hán vượt qua nhiều khó khăn, lập nhiều công trạng và thưởng phạt công minh. Không chỉ có tài năng hơn người, ông còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi". Con trai và cháu nội của Gia Cát Lượng cũng kế thừa chí nguyện bảo vệ nhà Hán của ông và đã anh dũng tử trận khi nhà Thục Hán sắp sụp đổ, tạo nên tấm gương "Trung nghĩa truyền gia thế vô song, Ba đời trung liệt chiếu sử xanh" nổi tiếng lịch sử của nhà Gia Cát.