Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã để lại hơn 2.000 bài báo với một “đề tài” duy nhất là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
|
Ảnh tư liệu. |
Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ 2, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Người nhớ lại: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Tạp chí “Các vấn đề phương Đông” của Liên Xô, 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về sự kiện Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin trên báo “Nhân Đạo” như sau: “Hồi ấy, trong các chi bộ của Đảng Xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lênin?... Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?
Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân Đạo”.
Thực tế là trong hai ngày 16 và 17/7/1920 trên báo “Nhân Đạo” ở Pháp đã đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ ra: “Đối với các quốc gia, dân tộc chậm tiến hơn…nhất thiết phải có sự giúp đỡ của các đảng cộng sản đối với phong trào giải phóng dân tộc dân chủ tư sản của những nước ấy; công nhân của một nước đang thống trị một dân tộc chậm tiến về mặt thuộc địa hoặc về mặt tài chính phải có nhiệm vụ trước tiên ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của dân tộc ấy!”. Có thể khẳng định rằng, việc đọc được Luận cương của Lênin trên báo “Nhân đạo” đã biến đổi Bác từ một người yêu nước thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế.
Cần nói rõ về tờ báo “Nhân Đạo”. Báo được thành lập vào năm 1904, là tờ báo của Đảng Xã hội Pháp và có tư tưởng truyền bá chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội lần thứ 18 của đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours vào năm 1920, những đảng viên ủng hộ Lênin và Quốc tế Cộng sản đã bỏ phiếu về vấn đề đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản. Đây chính là bước ngoặt để thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Kể từ đó, báo “Nhân Đạo” trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp cho đến nay.
Mừng Tết Độc lập trên báo “Quốc gia”
Gần đến Tết Bính Tuất 1946, các ông chủ báo ở Hà Nội đều tập trung lo cho số Tết. Đây là số báo quan trọng nhất trong năm vì nó thể hiện “thương hiệu” của tòa báo và cũng bởi Tết Bính Tuất 1946 cũng là Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Làm sao đưa đến cho độc giả không khí mừng Xuân, mừng Độc lập một cách phong phú và hấp dẫn nhất đây? Báo “Quốc gia” (trụ sở ở số 67, phố Cửa Nam, Hà Nội) do ông Lê Quang Thiều làm chủ bút cũng có suy nghĩ như vậy.
Để hấp dẫn bạn đọc, ông Lê Quang Thiều và tập thể tòa soạn cho rằng báo “Quốc gia” số Tết phải có bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Chủ bút Lê Quang Thiều và phóng viên Lê Chương đã đến Bắc Bộ Phủ xin Bác viết cho một bài để đăng ở trang nhất. Bác đã tiếp các nhà báo của báo “Quốc gia” rất thân mật và vui vẻ nhận lời đề nghị của báo “Quốc gia”.
Được tin, cả toà soạn báo “Quốc gia” vui mừng, đợi chờ, khi tờ báo đã lên khuôn, chỉ còn trang nhất, chờ bài của Bác. Khi cả toà soạn ngóng chờ, thì có anh vệ quốc đoàn mang đến trao cho chủ bút phong thư của Bác gửi. Mở phong thư ra, mọi người thấy tấm phong bì làm bằng tờ giấy đã viết một mặt. Trong phong bì chỉ có một bài báo Tết cũng là bài thơ Xuân của Bác:
TẶNG BÁO “QUỐC GIA”
Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà đón mừng Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hoà
Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa
Hồ Chí Minh
Bài thơ của Bác thật đặc biệt. Đặc biệt vì trước đây báo Xuân của nước ta khi chưa có độc lập toàn viết về cái đẹp của đất trời, cái đẹp của xuân thì, đọc chỉ để giải trí mà thôi. Nay Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, chấm dứt cảnh đời nô lệ cho dân tộc nhưng thực dân Pháp nào có từ bỏ dã tâm thôn tính trở lại đất nước ta. Chúng núp sau quân đội Anh làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật để xâm lược trở lại nước ta. Bởi vậy, Bác làm thơ Xuân cũng là để khẳng định nền độc lập, tự do của đất nước ta, dân tộc ta. Bác cũng lấy thơ để đoàn kết lòng dân, cổ vũ lòng dân tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do.
Tờ báo “Quốc gia” số Tết năm đó được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Tờ báo in đi in lại nhiều lần mà vẫn không đáp ứng đủ cho bạn đọc. Điều đặc biệt là ông Lê Quang Thiều, chủ bút đã quyết định tặng tất cả số tiền phát hành số báo đó vào công quỹ của Nhà nước để phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.