Vua Thành Thái tên thật Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879-1953), là con thứ bảy của vua Dục Đức và bà Từ Minh hoàng hậu Phan Thị Điểu.
Sau khi vua Đồng Khánh qua đời cuối năm 1888, Viện Cơ Mật liền tới Lưỡng cung Hoàng hậu thỉnh ý. Do con trai của vua Đồng Khánh lúc bấy giờ mới 3 tuổi, hai bà Lưỡng Cung không đồng ý cho nối ngôi.
Sợ tranh chấp trong triều, họ đã đến hỏi Khâm sứ Pháp là Rheinart. Tại đây, nhờ sự khéo léo của người thông ngôn là Diệp Văn Chương (họ hàng bên ngoại) cố ý dịch sai nên Bửu Lân đã được chọn nối ngôi.
Đúng ngày mồng 2 Tết Kỷ Sửu năm 1889, vua Thành Thái đăng cơ khi mới chỉ 10 tuổi.
Ông vua yêu nước
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, Thành Thái là vị vua ham học hỏi. Ngoài việc học cả chữ Nho, chữ Pháp, ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với vǎn minh phương Tây.
|
Vua Thành Thái. Ảnh: Wikipedia. |
Ông nghiên cứu các loại vũ khí, giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến - người tốt nghiệp trường mỹ thuật Paris - vẽ hình mẫu các khẩu súng Pháp, các loại vũ khí hiện đại. Nhiều lần bị phát hiện, nhà vua đã “giả điên”, xé hết các bản vẽ.
Vua Thành Thái khinh ghét bọn quan lại xu nịnh. Ông cũng rất căm ghét thực dân xâm lược, thỉnh thoảng lại có những hành động khiến người Pháp rất nghi ngại.
Khi khâm sứ Leveque đi công cán ở Hà Nội, Thượng thư Trương Như Cương muốn tâng công nên tổ chức cho triều đình đưa tiễn. Nhà vua đã giả bộ đau chân để từ chối việc này.
Dịp Bắc tuần năm 1902, tận mắt chứng kiến nhân dân bị thực dân Pháp chà đạp, bóc lột, vua Thành Thái làm bài thơ bộc lộ ý muốn theo các tiền bối đời xưa, đánh đuổi kẻ thù.
Khi cầu Long Biên xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công. Ông đã cười nhạt mà trả lời: "Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu".
Chiêu mộ đội quân tóc dài đánh thực dân
Giai đoạn đầu mới lên ngôi, lúc rảnh rỗi, nhà vua lại vi hành. Ban đầu chỉ là những cuộc dạo chơi, nhưng về sau, nhà vua muốn tận mắt chứng kiến cuộc sống của dân chúng. Để an toàn đi lại, vua ăn mặc như dân thường, có lúc cải trang thành nhà sư khất thực, khi đóng giả làm thư sinh nho nhã.
Theo một số tài liệu, Vua Thành Thái chiêu nạp được 4 đội nữ binh. Mỗi đội gồm 50 người.
Sau khi luyện tập quân sự thành thục, 50 nữ binh ấy được giao trả về gia đình, đợi khi cần thì nhập ngũ chống Pháp, sau đó tuyển thêm 50 nữ binh mới.
Nhà vua có cách tuyển vợ rất đặc biệt. Ông thường đích thân mang ngự lâm quân ra khỏi hoàng thành, đến những nơi có phụ nữ đẹp đưa họ về cung, sau một thời gian lại thả về nhà.
Những cô gái đó được nhà vua tổ chức thành đội quân tóc dài. Nhà vua tự bỏ tiền ra lo chi phí, ăn ở cho đội nữ binh, cho ăn mặc áo quần theo kiểu riêng và hàng ngày chăm lo luyện tập võ nghệ. Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức bí mật.
Để thuận lợi, nhà vua cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc họ và gia đình. Nếu được chấp thuận, vua cho "dàn cảnh" bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón đưa vào cung cấm.
Để bảo mật, các cô gái bị "bắt cóc" thường được đưa vào cung bằng cửa Hữu của Thành nội, gần làng Kim Long. Con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng.
Ngoài các cô gái Kim Long, nhà vua còn tuyển các cô gái làng An Ninh. Vua ngụy trang cho tổ chức ở Đại nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong cung. Một mặt, nhà vua dễ dàng lừa thực dân, mặt khác để cho nữ binh có công việc, trang trải chi phí.
Trước những hành động “kỳ quặc” có chủ ý của nhà vua, người Pháp biết rằng đã đến lúc phải hạ bệ ông vua trẻ. Nhất cử nhất động của ông đều bị viên Thượng thư bộ Lại Trương Như Cương mật tấu lên Tòa khâm sứ.
Lấy cớ nhà vua không chịu phê chuẩn tấu chương của người Pháp đòi thăng quan cho một số tay sai, khâm sứ Leveque đã tước bỏ quyền phê chuẩn của vua, giao lại quyền điều hành triều đình cho Hội đồng Thượng thư với lý do “Vì Thành Thái mắc bệnh điên nên hai chính phủ đã quyết định như vậy để bảo vệ lợi ích của quốc gia, cũng như chính bản thân nhà vua”.
Ngày 2/9/1907, đại thần vào điện Càn Thành dâng lên vua tờ biểu kèm theo chiếu thoái vị. Vua Thành Thái đón lấy, ông chỉ liếc nhìn qua rồi cười khinh bỉ, ghi “phê chuẩn” vào phía dưới rồi ung dung đi vào.