Dương Thị Ngọt là vợ của vua Thành Thái (1879 - 1954), vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn. Bà sinh ra bên dòng sông Ô Lâu trong lành tại thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và sở hữu một sắc đẹp thanh khiết, ngọt ngào khó ai bì kịp.
Từ nhỏ, Dương Thị Ngọt chỉ sống ở quê nhà, là một cô thôn nữ được bao người mơ ước. Nhờ sự thăng tiến của cha là ông Dương Quang Xứng, một vị quan trải qua nhiều đời vua triều Nguyễn, bà lọt vào mắt xanh của vua Thành Thái và được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân” như một cuộc hóa thân kỳ diệu.
Nhan sắc mỹ miều, lại hiền lành, chân thật, nên kể từ khi trở thành bà phi thứ 9 của vua Thành Thái, Dương Thị Ngọt được chồng vô cùng sủng ái và yêu thương. Thế nhưng cuộc đời của mỹ nhân này cuối cùng lại kết thúc rất ai oán. Bà bị chính chồng mình truyền lệnh giết chết, nguyên nhân cũng vì sự bộc trực của bản thân.
Theo ông Dương Quang Diêu, người cháu họ thuộc đời thứ 3 của bà Dương Thị Ngọt thì cái chết oan khiên của bà chỉ do một câu nói vô tình của người phụ nữ đẹp và thẳng thắn này.
Vua Thành Thái không để tóc dài như các vua khác nên quyết định cắt tóc ngắn. Một lần, sau khi cắt tóc, nhà vua dạo một lượt đến từng phi tần hỏi xem tóc mới của vua có đẹp không. Bà phi nào cũng hết lời ca ngợi tóc mới của vua, riêng bà Dương Thị Ngọt đã không khen lại còn buông một câu nhận xét rằng: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Vua đùng đùng nổi giận, liền truyền lệnh xử tử bà Ngọt vì bà đã phạm tội khi quân.
Sau khi bà Ngọt chết, vua Thành Thái đã cho mai táng theo đúng nghi thức của một bậc vương phi. Quan tài của bà được đưa từ Huế về Quảng Trị bằng đò theo đường sông Ô Lâu. Lăng mộ của bà được xây dựng một cách cẩn thận ngay tại quê hương yêu dấu của mình - thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
Có người giải thích rằng nguyên nhân dẫn đến tội chết thảm khốc của bà Ngọt liên quan đến tâm sự u uất của vua Thành Thái - vị vua từng được mệnh danh là “vua điên”, vì ông đã từng giả điên để che giấu mưu đồ chống Pháp. Có thể đó là một khúc quanh của lịch sử chưa được soi vào, nhưng xét cho đến cùng, dù sao bà Dương Thị Ngọt cũng đã bị mất mạng một cách oan uổng chỉ vì một câu nói vô tình của mình.
Thế mới biết, thân phận của người đàn bà trong xã hội phong kiến thật là đáng thương. Ngay cả khi được xếp vào bậc mẫu nhi của thiên hạ, họ vẫn không có chút quyền hạn gì trong tay, dù chỉ là quyền được nói một câu ngay thẳng hay một lời bông đùa có phần nhạy cảm.