Trích đoạn trong '"Đại dương đen"
Thùy Dương, một cô gái trẻ vừa học đại học vừa vật lộn với căn bệnh này:
“Tuần trước, bác sĩ đã chính thức cho bệnh đau của mình một cái tên: fibromyalgia. Kiệt sức, đau toàn thân, cứng cơ, mất ngủ, sương mù fibro (đầu óc mụ mị, khó hồi tưởng và tập trung), đó là những gì Google nói với mình về bệnh này. Trong trường hợp này, quá trình xử lý các tín hiệu đau của hệ thần kinh trung tâm bị trục trặc. Người ta nói bệnh này có gốc rễ từ các sự kiện chấn thương tâm lý và từ gene, có trời mà biết được ở mình thì yếu tố nào là chính, nhưng biết thì cũng có để làm gì đâu? Mình chỉ muốn ngừng sự tra tấn này lại. Giật điện, cắt chân cắt tay, gì cũng được, nhưng cho mình một cuộc sống bình thường, có được không? Ăn thấy ngon, đọc sách thấy vào, tối ngủ được, sáng có thể ra khỏi nhà, thế thôi mà. Nhiều khi mình kinh ngạc quan sát những người khác, họ vui vẻ nói về thèm ăn món gì, mừng quá vì Grab có mã giảm giá, cuối tuần này đi chơi đâu.
Mình còn phải như thế này bao lâu nữa?”
Trầm cảm đến từ đâu? Từ gene, từ những trải nghiệm của tuổi thơ dữ dội, từ những mối quan hệ gia đình độc hại, từ môi trường xã hội lạnh lùng… hoặc tất cả những yếu tố trên cộng lại. Trầm cảm tấn công ai? Trẻ con, người già, thanh thiếu niên, trung niên, đàn ông và phụ nữ. Trầm cảm có sức phá hủy như thế nào? Đây là bảng so sánh mức độ khuyết tật của một số bệnh tâm thần và một số bệnh khác của Trường Đại học Eramus, Hà Lan.
Trầm cảm nhẹ - tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối
Rối loạn lo âu nhẹ nhẹ tới vừa - tương đương với nứt đốt sống, HIV
Trầm cảm vừa - tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tủy sống)
Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn mức nặng - tương đương với liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi
Trầm cảm nặng - tương đương với tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn
“Đâu là thời điểm tín hiệu đầu tiên xuất hiện ở anh? Thành nhớ lại cái buổi hội trường năm anh lớp Mười một. Đã mười mấy năm trôi qua, nhưng anh vẫn không thể nào quên. Hôm ấy, khi đang ở sân trường, xung quanh là cờ quạt, âm nhạc, đèn hoa, không khí ngày hội, bỗng nhiên bên trong cậu bé Thành có một cái hố sâu mở ra rộng ngoác. Mọi thứ mờ đi, thảm âm thanh lùi ra xa. Cậu đứng đó trơ trọi, không thể chạm được vào tụi học trò, vào cây cối, không gian xung quanh. Có một nỗi buồn thăm thẳm mà cậu không thể mô tả. Thành thấy mình rơi vào cái hố thăm thẳm đó, xa dần, xa dần sự sống mà không thể níu kéo được. Chính xác hơn, cậu để mình rơi và không muốn níu kéo gì cả.”
Trong hầu hết những câu chuyện được kể trong cuốn sách, gia đình của người mang bệnh trầm cảm không chịu thừa nhận đó là một căn bệnh, họ cho con cái mình làm trò, thích gây chú ý; cá biệt có trường hợp chính người bị bệnh không chịu thừa nhận mình có bệnh - như Xuân Thủy: “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được".