Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng Di tích quốc gia cho Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh ở tỉnh Hưng Yên.
Ngôi đình cổ gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Tọa lạc tại thôn Đại Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên Đình Đại Hạnh Đình thờ Chử Đồng Tử cùng Nhị vị Phu nhân Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa thời vua Hùng Vương Thứ 18. Sự hình thành của ngôi đình này gắn với một sự tích rất nổi tiếng trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Theo tư liệu của Ban Quản lý Di tích Tỉnh Hưng Yên, vào thời Hùng Duệ Vương thứ 18 tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) có Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân. Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần kiếm sống bằng cách câu cá và xin ăn.
Thời ấy, Vua Hùng có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm, thuyền rồng của Tiên Dung qua vùng Chử Xá. Chử Đồng Tử trông thấy hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, thấy chàng hiếu thảo, bản tính thật thà nàng xin được cùng nên duyên vợ chồng.
|
Tranh "Tiên Dung tắm" (1973) của danh họa Nguyễn Phan Chánh. |
Hùng Vương nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Nàng biết ý nên cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Buôn bán tấp nập, phồn thịnh. Về sau, Chử Đồng Tử theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Một hôm, qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Viên sơn (Hiện nay là núi Nam Giới thuộc Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Trên núi còn có chùa Quỳnh Viên, Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp một tăng sĩ tên Phật Quang. Chử Đồng Tử bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.
Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng, văn võ bá quan lẫn tiên đồng ngọc nữ đều sẵn sàng để hầu hạ. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.
Nghe tin, Hùng Vương cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà vua đóng quân ở bãi tự nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung - Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn. Vua Hùng hay tin, về tận nơi xem xét. Bấy giờ mới tường mọi việc. Nhà vua cho đặt tên đầm là Nhất Dạ. Lại truyền xây miếu thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Kiến trúc độc đáo của đình Đại Hạnh
Theo Ban Quản lý Di tích Tỉnh Hưng Yên, đình Đại Hạnh được khởi dựng vào thời Hậu Lê với kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công (工) gồm các tòa Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Từ ngoài vào là Nghi môn được dựng dưới dạng trụ biểu với hai trụ lớn ở giữa và hai trụ nhỏ hai bên. Tiếp đến là sân đình.
Đại bái gồm 3 gian 2 chái, kết cấu kiểu bốn mái truyền thống đặc trưng thời Lê. Mái Đại bái được lợp bằng ngói mũi hài hay còn gọi là ngói ta hay ngói vẩy rồng. Đường bờ nóc đắp lưỡng long chầu hổ phù đội mặt nhật. Đường bờ dải chạy xuống gấp khúc ở giữa mái. Mặt trước ba gian giữa Đại bái làm bằng gỗ mở ra ba luồng cửa bức bàn, hai gian hồi bít đốc, nền nhà nát gạch bát. Bộ khung chịu lực của tòa Đại bái được định vị khá vững chắc bởi hai hàng cột cái và hai hàng cột quân.
|
Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh. Ảnh: Báo Điện tử Chính Phủ. |
Đình kết cấu kiến trúc kiểu bốn mái nên hai mái phụ ở hai đầu hồi hay gọi là hai chái. Mỗi bên chái gồm một hàng cột quân. Hai hàng cột này xoay vuông góc với hàng cột trong gian chính. Hai bộ vì chính và hai bộ vì giáp chái được liên kết giống nhau kiểu con chồng đấu vuông. Hai bộ vì hồi kết cấu kiểu vì kèo trụ chốn đơn giản. Bên dưới câu đầu gian trung tâm đặt bốn đầu dư tạo tác thành hình đầu rồng. Bốn bộ vì nách gian giữa được liên kết bởi các con rường xếp chồng lên nhau khép kín tạo thành bức cốn, mặt trước chạm biểu tượng tứ linh (Long, lân, quy, phượng); mặt sau chạm biểu tượng sóng nước.
Nối với Đại bái và Hậu cung là gian Ống muống với kết cấu kiến trúc đơn giản. Ống muống là nơi đặt ban thờ công đồng để thờ những người có công với làng với nước. Hậu cung ba gian, kết cấu kiến trúc kiểu vì giá chiêng đơn giản. Gian trung tâm đặt ngai, bài vị thờ Đức Thánh Chử cùng Nhị vị phu nhân là Tiên Dung và Tây Sa công chúa.
Khi xưa, sân đình Đại Hạnh là nơi họp chợ buôn bán của người dân địa phương. Đình chợ thường họp vào các ngày rằm, tuần tiết. Đây là nét văn hóa đặc sắc của cư dân thuộc vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vì thế cho nên mới có ca rằng:
Ngày xưa họp chợ sân đình
Vào ngày tuần tiết ta mình đi xem
Ao làng thơm ngát hương sen
Bên cầu ao Chạ che nghiêng bóng bàng
Chợ quê sản vật bốn mùa
Thịt tươi rau sạch bán mua ồn ào
Dẫu không mỹ vị thanh cao
Mùa nào thức ấy mời chào thân thương
Chợ quê chợ của mọi nhà
Cho ta nỗi nhớ đậm đà quê hương
Hằng năm, lễ hội đình Đại Hạnh được tổ chức vào ngày mồng 10/2 âm lịch để tưởng nhớ tới công lao của các vị Thành hoàng.
Vào năm 2022, đình Đại Hạnh đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.