Vào ngày 18/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 12) cho 29 hiện vật, trong đó có Tượng Shiva Mỹ Sơn C1.
Tác phẩm điêu khắc hiếm có của nền nghệ thuật Chăm
Hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tượng thần Shiva Mỹ Sơn C1 được tạo tác bằng chất liệu sa thạch, cao 197 cm, mang số ký hiệu BTC 26. Pho tượng được tìm thấy tại tháp C1 Mỹ Sơn vào năm 1903. Lúc này tác phẩm không còn nguyên vẹn. Đầu, hai cánh tay đưa ra phía trước và đôi chân từ đầu gối trở xuống bị gãy.
Nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier cho rằng đây là hình ảnh khất thực của thần Shiva. Cũng có giả thuyết cho rằng, người Chăm có tục thờ Thần - Vua nên đây là chân dung Thần - Vua được thờ cúng tại Mỹ Sơn.
Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tác phẩm được tạo tác ở dạng tượng tròn cao lớn, thể hiện Shiva ở dạng nhân thần, theo kích thước người thật, tư thế đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước... Hiện nay, không còn nhiều tác phẩm thể hiện Shiva trong tư thế này, ngoại trừ một pho tượng được tìm thấy tại tháp Mỹ Sơn A4, nhưng đã bị thất lạc và một tượng khác thể hiện Shiva đứng trên bệ yoni hiện đang bị chôn vùi trong lòng tháp Mỹ Sơn E4.
Các chi tiết điêu khắc trang trí trên bức tượng này được xem là tinh tế và độc đáo, mang tính bản địa rõ rệt. Đặc biệt ở phần dái tai còn dấu vết lỗ đeo trang sức, dùng để đeo trang sức bằng vàng, bạc trong các nghi lễ quan trọng.
|
Tượng Shiva Mỹ Sơn C1. Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Nhìn chung, bức tượng được thể hiện theo một cách thức rất riêng biệt, điển hình, không giống với bất cứ tượng Shiva nào khác của Champa được tìm thấy cho đến nay. Qua đó có thể khẳng định pho tượng Shiva Mỹ Sơn C1 là một kiệt tác của điêu khắc Champa.
Tác phẩm được các nhà nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc xếp vào giai đoạn muộn của phong cách Mỹ Sơn E1, niên đại vào khoảng thế kỷ 8.
Từ năm 1918, tượng thần Shiva Mỹ Sơn C1 được đem về bảo tàng. Năm 1936, bảo tàng được mở rộng với hai phòng trưng bày mới là Mỹ Sơn và Bình Định. Tượng đã được chính thức trưng bày tại phòng Mỹ Sơn kể từ thời gian này.
Bàn thêm về thần Shiva, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hữu, tại bản quốc, Ấn Độ giáo thờ “Tam vị nhất thể”, tức ba vị thần tối cao là Brahma (thần sáng tạo), Vishnu (thần bảo tồn) và Shiva (thần hủy diệt). Theo thời gian, Ấn Độ giáo đã chuyển hóa và hòa nhập vào nền văn hóa bản địa của cư dân Champa, hình thành nên một tôn giáo chuyên thờ thần Shiva, được gọi là Shiva giáo. Thần Shiva được người Chăm đề cao và tôn sùng một cách tuyệt đối.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, một nét đặc trưng trong việc thực hành tôn giáo ở thánh địa Mỹ Sơn là sự đồng nhất thờ thần Shiva và vua Chăm, còn gọi là tập tục thờ thần - vua (devaraja). Bảo tượng Shiva với bố cục, nội dung, đề tài thể hiện tương đối hoàn chỉnh giúp phác họa được chân dung to lớn, uy nghiêm, điềm tĩnh của một vị vua đã được thần hóa và thờ cúng trong không gian linh thiêng của ngôi đền Mỹ Sơn C1.
Bức tượng "kỳ lạ" với một chất liệu, hai màu sắc
Quan sát kỹ có thể thấy, Bảo vật quốc gia Tượng thần Shiva Mỹ Sơn C1 có hai vết đứt gãy lớn ở cổ và phần thân dưới do được khớp nối với ba phần, gồm đầu, thân, chân. Đáng chú ý, mặc dù là một khối tượng hoàn chỉnh nhưng phần thân trên của tượng có màu đá tối hơn so với phần chân được tạc liền với đế.
|
Bức tượng có hai màu khác nhau. Ảnh: Danang Fantasticity. |
Trên báo Thanh Niên Online, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương lý giải, sở dĩ bức tượng có hai màu khác nhau là do trong lịch sử, khi bức tượng được tìm thấy tại Mỹ Sơn, phần thân được tìm thấy trước. Phần đầu được người Pháp tìm thấy và mang về nước cất giữ và sau đó trao trả lại cho bảo tàng.
"Riêng phần chân bức tượng được tìm thấy ở bờ suối tại khu đền tháp Mỹ Sơn. Quá trình phong hóa ở môi trường lòng đất và dưới suối khác nhau khiến cho sa thạch có màu sắc khác nhau. Do vậy, khi khớp nối hoàn chỉnh như ngày nay, bức tượng có 2 màu là vậy", ông Phương nói.
Ông Lý Hòa Bình, cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, thực hiện dự án FSP do Đại sứ quán Pháp hỗ trợ, từ năm 2004 - 2009, các chuyên gia Pháp và Campuchia sang bảo tàng để nghiên cứu, đưa ra giải pháp bảo quản bức tượng. Trước đó, để ghép nối bức tượng, các chuyên gia đã sử dụng chốt sắt bên trong thân tượng. Lâu ngày, chốt sắt bị hoen gỉ nên các chuyên gia đã tháo gỡ, xử lý và thay thế loại vật liệu khác bền bỉ hơn. "Trong nhiều ảnh tư liệu, khoảng thời điểm 1950, bức tượng đã được gắn phần chân. Như thế, việc thất lạc 2 phần tượng từ rất sớm nên bị phong hóa trong thời gian dài mới có màu sắc khác nhau", ông Bình chia sẻ.
Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (2009) định nghĩa Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau đây:
- Là hiện vật gốc độc bản.
- Là hiện vật có hình thức độc đáo.
- Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải bảo đảm:
- Có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận bảo vật quốc gia.
- Có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
Tính đến đầu năm 2024, đã có 12 đợt công nhận với 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
|