Nếu như nhạc khúc Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông được sử dụng trong phim Tam quốc diễn nghĩa là nỗi lòng chứa đựng những tâm tư mang khí chất bi hùng của những hảo hán danh tiếng lẫy lừng ghi danh sử sách: Lưu Bị, Quan Vũ, Tào Tháo, Tôn Quyền, Gia Cát Lượng… thì Hảo hán ca trong bộ phim Thủy hử lại được ví như bản anh hùng ca viết cho những con người có tinh thần hào sảng, khí phách ngang tàng, chí lớn bốn phương của những anh hùng nơi bến nước.
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Nếu như bộ phim Tam quốc diễn nghĩa thu hút hàng triệu con tim của khán giả, thì những ca khúc được sử dụng trong phim lại là một lời kể tóm tắt nhất những giá trị cốt lõi mà bộ phim chứa đựng.
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông không chỉ đạt được sự thành công về ca từ mĩ diệu, âm thanh hùng tráng, mà hơn hết nó chứa đựng cả những đạo lí nhân sinh, hào khí và sự sâu lắng khiến người nghe rung động trong từng cung bậc cảm xúc.
Với giọng hát trầm ấm, mang theo nội lực, giọng ca Dương Hồng Cơ đã truyền tải được khí phách cũng như sức mạnh của những hảo hán trong vai diễn lịch sử của cuộc đời. Nhưng sâu thẳm tâm tư của họ lại là những trải lòng thầm kín mà có lẽ, nỗi lòng đó chỉ có ta với riêng ta mới thật sự thấu hiểu.
Trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời, dòng chảy ấy được ví như dòng nước của con sông Trường Giang. Sóng lớn bạc đầu gập ghềnh như thác nước, phải chăng đây như thế cuộc của con tạo cuộc đời.
Nếu như ông trời tạo thế cuộc thì phải chăng anh hùng xuất sinh để thuận theo thiên ý? Chiến sự binh đao, thời cuộc rối ren, lịch sử như màn kịch đen tối… chính trong hoàn cảnh phức tạp đó lại xuất hiện anh hùng kì tài, người mang trong mình bản lĩnh trời ban.
Những vị anh hùng hảo hán trong Tam quốc diễn nghĩa là những con người sinh ra để thực hiện vai diễn to lớn trong lịch sử loài người. Họ khởi tạo cho hậu nhân về những gì là nghĩa khí tốt đẹp, đâu là bản lĩnh của quân tử. Những anh hùng ấy kiến tạo ra những giá trị phi thường di lưu lại trong lịch sử.
Người đời nhớ đến họ không chỉ bởi những chiến công vang dội, sự túc trí đa mưu, tài năng siêu phàm. Họ được nhớ tới bởi những phẩm chất đạo đức cốt lõi bên trong.
Họ sẽ đóng vai diễn như những người dẫn đầu của cơn cuồng phong mà quét sạch đi bụi trần gian. Bằng ý chí và sức mạnh, bằng cốt cách phi phàm họ làm những việc mà ở đời không phải ai cũng có thể làm, anh hùng trượng nghĩa, chí lớn bốn phương, sức mạnh vô địch thiên hạ.
Trong giấc mộng anh hùng, việc ôm mộng lớn làm chủ một vùng trời, bá vương xưng hùng thì ai ai cũng ấp ủ. Nhưng thành bại, được mất dường như tài trí, mưu lược tinh thông không thể thao túng được. Giỏi điều binh khiển tướng, sức mạnh địch nổi gió, ngang tàng đứng đầu ngọn sóng mà làm chủ nhưng lại không thể làm chủ được vận mệnh cuộc đời.
Ngẫm lại những gì có được ở đời, bỗng chốc nhận ra đó chỉ là mây khói. Xưng hùng xưng bá cũng chỉ bởi cái uy danh. Ta thèm biết bao cảnh sống của ngư tiều, bạn với sông nước, vui với gió trăng. Sự đời ta chẳng bận tâm, ung dung tự tại cho đời thong dong.
“Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thịnh suy, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Núi xanh nguyên vẹn cũ
Bao độ ánh chiều tà
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui bạn cũ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng”.
25 năm đã trôi qua, Tam quốc diễn nghĩa phiên bản 1994 vẫn được xếp vào hàng kinh điển của phim truyền hình Trung Quốc. Cho dù những phiên bản sau này ra đời được đầu tư công phu hơn, dàn diễn viên ‘lung linh’ hơn, song vẫn không thể vượt qua được thành công của Tam quốc diễn nghĩa 1994.
Hảo hán ca
Khán giả yêu thích phim truyền hình chắc hẳn vẫn chưa quên bộ phim Thủy hử nổi tiếng của Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc sản xuất năm 1996. Cảnh quay hoành tráng, những trường đoạn chiến đấu đẹp mắt, nội dung hấp dẫn, diễn viên diễn xuất hoàn hảo, đó là những yếu tố làm nên tuyệt tác truyền hình này. Và còn một yếu tố không thể bỏ qua nữa, đó chính là bài hát cuối phim - Hảo hán ca do ca sĩ Lưu Hoan thể hiện. Chất giọng hùng tráng có phần hoang dã của nam ca sĩ này như mở ra trước mắt chúng ta một Lương Sơn Bạc khí thế ngút trời với 108 vị anh hùng bất hủ.
Mở đầu cho tác phẩm Thủy hử, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Một kẻ tiểu tốt, nhưng gian tham độc ác do ăn may mà dần được thăng quan tiến chức, quá trình hắn được trọng dụng chính là lời tố cáo cho sự thối nát của một vương triều Bắc Tống, khi hoàng đế Tống Huy Tông ham chơi, đam mê tửu sắc, bỏ mặc triều chính, gian thần làm loạn.
Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu gặp may hết lần này tới lần khác, trở thành sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa các gian thần Cao Cầu, Lương Trung Thư, Vương Tiễn… và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các trung thần của triều đình. Lúc này chính là thế loạn tạo kì tài, thời cuộc xuất anh hùng.
Lần lượt là những bậc thượng võ tài cao, mưu cơ chiến lược như: Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh…xuất hiện, họ là những con người tài năng kiệt xuất, chí lớn tận trung, chí khí ngang tàn, một bậc quân tử ngạo nghễ. Nhưng quân tử chẳng thắng nổi kẻ tiểu nhân, gian thần làm loạn khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi lên Lương Sơn Bạc.
Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường… nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn.
Nhưng cũng có những anh hùng mang thân liễu yếu đào tơ, nhưng trí lực đều vẹn toàn. Mang trong mình sự cảm thương với bá tính, khao khát lập lại thời thế để chấm dứt đau khổ, nhũng loạn cho dân đó là: Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và Tôn Nhị Nương.
Nơi bến nước anh hùng quy tụ tạo nên sức mạnh vô song. Giống như giai điệu đầu của bản nhạc, là hào khí chí lớn tụ hợp. Lòng người sôi sục vì chính nghĩa, “quan bức thì dân phản” đó là lẽ thường ở đời. Và bến nước ấy như đánh dấu cho những anh hùng hào kiệt từ nay xin hành việc nghĩa, trọng nghĩa khinh tài, lấy đại cục làm trọng, vì dân tình mà hành sự.
108 vị anh hùng Lương sơn bạc mỗi người một vẻ, mỗi người một gia cảnh, mỗi người một tài năng, nhưng điều lớn lao ở họ chính là những bậc anh hùng coi trọng: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ôm chí lớn nghiệp lớn, hành tẩu giang hồ có nguyên tắc, họ mang sức mạnh của một mãnh thú, nhưng trái tim ẩn sâu là trung quân ái quốc.
Bản nhạc được ví như tiếng trống trận hào hùng, bất bại của những anh hùng Lương Sơn. Sau mỗi chiến công vang dội, chén rượu nghĩa tình kết chặt tình thân, khiến sức mạnh kia như một mũi tên nghìn hướng, sức mạnh vô song.
Bản anh hùng ca với hào khí mang theo lột tả cho người nghe không chỉ là sức mạnh vô bờ bến của đội quân Lương Sơn, mà còn phản ánh được trí tuệ, tài thao lược của những vị tướng siêu xuất dụng binh.
Ngỡ tưởng những anh hùng chỉ thỏa mãn với những chiến công và hưởng thụ cá nhân, nhưng phía sau là những nỗi niềm sâu thẳm, những khao khát được sống một cuộc sống danh chính ngôn thuận, được dùng tài năng mà tận trung báo quốc. Nỗi lòng người quân tử mấy ai tỏ tưởng khi đám gian thần như loài ác thú.
Dẫu kết cục của Thủy hử có như thế nào, thì người đời dường như đã hiểu, anh hùng chí lớn, nghiệp lớn, thì lợi ích nhỏ nhoi bản thân mình không được xem trọng, mà phải lấy xã tắc muôn dân mà làm đại cục, đó mới thể hiện chí khí cao thượng của bậc kì tài, anh hùng lỗi lạc.