Điều đặc biệt trong sách phong bằng bạc mạ vàng thời Thiệu Trị

Google News

Cuốn sách bằng bạc mạ vàng của vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên lớn hơn theo quy định thời đó, và người được tấn phong đã được thăng vượt cấp lên nhất giai, bỏ qua nhị giai.

Hoàng đế Thiệu Trị là vua thứ 3 của triều Nguyễn, miếu hiệu là Hiến Tổ Chương Hoàng Đế, kế vị vua Minh Mạng, trị vì trong 7 năm, từ 1841-1847. Băng hà lúc 40 tuổi nhưng Hoàng đế Thiệu Trị có đến 31 bà ở hậu cung, 29 hoàng tử và 35 hoàng nữ.
Dieu dac biet trong sach phong bang bac ma vang thoi Thieu Tri
 Sách phong bằng bạc mạ vàng nặng 7kg do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Bà Vũ Thị Viên là vợ thứ 4 của vua Thiệu Trị. Bà là con của Phó Vệ úy Vũ Hữu Linh, nhập phủ làm dắng (vợ hầu) khi vua Thiệu Trị đang còn là một Hoàng tử với tước Trường Khánh Công. Bà sinh được 4 Hoàng tử.
Toàn bộ cuốn sách Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên làm bằng bạc mạ vàng. Sách chỉ có 5 tờ (10 trang) nhưng nặng tới 7kg. Ngoài 2 trang bìa trước và sau, 8 trang còn lại của sách phong khắc nổi tinh xảo 186 chữ Hán nói về thân thế, công trạng của bà Vũ Thị Viên và lý do vua Thiệu Trị sắc phong cho bà.
Theo đó, sách ca ngợi tính trung thực, kính trọng, sự hòa nhã, thân thiện của bà khi đối xử với mọi người trong cung. Sách cũng ghi rõ thân thế gia đình cùng một số sự kiện quan trọng mà bà Vũ Thị Viên đã tham gia. 
Vậy có phải ai được vua yêu cũng được tặng sách vàng? Câu trả lời là không, mà tất cả phải theo quy định rõ ràng và nghiêm ngặt thuộc điển lễ của triều đại. Tuy nhiên, cũng vẫn có những điều đặc biệt.
Theo quy định cung giai năm 1836, vua Minh mạng đã nói rõ: chỉ có sách phong cho Hoàng Quí Phi mới được chế tạo bằng vàng, nên gọi là kim sách. Sách phong 6 Phi thì dùng bạc mạ vàng, nhưng vẫn được gọi là kim sách.
Chiếu theo quy định của thời đó, khi bà Vũ Thị Viên được phong từ Lương tần (tam giai) lên Lương phi (nhất giai) đã được thăng vượt cấp, bỏ qua nhị giai. Sách vua tặng bà có kích cỡ 14×23 cm, lớn hơn so với sách phong cho các phi theo quy định thời bấy giờ (21,60 x 12,96).
Trong một hậu cung nhiều phức tạp, tranh đấu, thì việc được hưởng sự đặc biệt này cho thấy, hẳn bà Vũ Thị Viên đã rất được vua sủng ái.
Cuốn sách này nằm trong bộ sưu tập của ông Hồ Đình Xuân (Pháp), sau đó được bán đấu giá vào năm 1996 ở Paris. Người mua này về sau đã ủy thác lại cho phòng đấu giá Sotheby's bán lại vào năm 2010 ở Paris. Sau nhiều lượt đấu giá, cuốn sách bằng vàng được nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường mang về Việt Nam với giá 72.750 euro, tương đương hơn 2 tỷ đồng.
Vừa qua, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm 90 năm ngày khánh thành công trình toà nhà bảo tàng (1932-2022), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức tiếp nhận hiện vật do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao trả.
10 hiện vật được trao trả tại buổi lễ gồm: 1 rìu đá Hậu kỳ đá mới, 4 hiện vật (3 rìu đồng, 1 nồi gốm) văn hóa Đông Sơn, 3 tượng cá sấu đá thế kỷ 1 - 2 SCN, 2 tẩu đồng thế kỷ 17 - 18.
Theo Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, sau chiến tranh, có rất nhiều cổ vật, đặc biệt là từ triều đại nhà Nguyễn, của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài. Có những cổ vật đã may mắn được thu hồi về với quê hương, cũng có những món hiện nằm trong bộ sưu tập của những nhà sưu tầm khắp thế giới.
Mời quý vị độc giả xem video: "Câu chuyện về những cổ vật dưới lòng sông Hương". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện. Ảnh: VTV1.

 
Hoàng Mai

>> xem thêm

Bình luận(0)