Bắn rơi 18 máy bay B52 trong 7 ngày đêm đầu tiên
Cuối năm 1972, trong tình thế thất bại ở cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, bất chấp sự phản đối của dư luận trong nước và quốc tế, ngày 18/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận.
Đây là chiến dịch tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ.
|
Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: TTXVN. |
Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và sự chủ động về chiến lược, chiến dịch, ta đã tổ chức xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, trong đó Quân chủng Phòng không - Không quân là lực lượng nòng cốt.
|
Một máy bay ném bom B-52 cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - Linebacker II. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Trong đợt 1, từ ngày 18 đến ngày 24/12/1972, đế quốc Mỹ sử dụng hàng trăm máy bay chiến lược B52 và máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận.
Đế quốc Mỹ sử dụng nhiều thủ đoạn đánh phá khác nhau, chia thành nhiều đợt trong ngày, chủ yếu là ban đêm; xen kẽ các đợt, địch sử dụng các tốp máy bay chiến đấu, chiến thuật đánh phá một số mục tiêu trên miền Bắc.
|
"Lưới lửa" phòng không của Việt Nam đã hạ gục B-52 Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng, ngay từ trận đấu (18/12/1972), các lực lượng phỏng không, không quân đã hiệp đồng chặt chẽ, bắn rơi máy bay địch, đó có 3 máy bay B52 (2 chiếc B52 rơi tại chỗ), bắt giặc lái.
Kết quả chiến đấu trận mở đầu đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, củng cố quyết tâm đánh bại tiến công đường không chiến lược của địch.
Đặc biệt, đêm 20 rạng ngày 21/12, bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, bắn rơi 7 chiếc B52 với 35 quả đạn, có 5 chiếc rơi tại chỗ.
Trước thất bại nặng nề, Mỹ buộc phải tạm ngừng hoạt động của lực lượng B-52 ở đảo Guam, sử dụng lực lượng ở Thái Lan để đánh phá nhỏ, duy trì chiến dịch tập kích ngoài khu vực Hà Nội, bảo đảm an toàn cho B52, đồng thời tạo thế nghi binh chiến dịch, kéo tên lửa ta ra khỏi Hà Nội.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không chủ lực, đêm 24/12 Trung đoàn 256 trang bị pháo 100mm của Quân khu Việt Bắc tại Thái Nguyên bắn rơi 1 máy bay B.52, đây là chiếc B52 đầu tiên bị cao xạ bắn rơi trong chiến dịch.
“Trong 7 ngày đêm giai đoạn 1, lực lượng phòng không, không quân cùng quân và dân miền Bắc đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bắn rơi 52 máy bay địch, trong đó có 18 chiếc B52”, Trung tướng Vũ Văn Kha cho hay.
Nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo khiến địch khiếp sợ
Trong đợt 2 Chiến dịch, từ ngày 26/12/1972, địch huy động hàng trăm lần máy bay B,52, có máy bay chiến thuật yểm trợ, tổ chức 7 mũi, cùng một lúc tiến công vào đánh phá 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Ngoài ra, chúng còn sử dụng các tốp máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt vào các trận địa phòng không, sân bay.
Phát huy kết quả của đợt 1, trong đợt 2 chiến dịch, các lực lượng phòng không, không quân chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng cách đánh.
|
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. (Ảnh: TTXVN). |
Lực lượng tên lửa phòng không đã hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện các trận đánh tập trung, kết hợp linh hoạt đánh dịch từ nhiều hướng cả khi bay vào và bay ra, sử dụng linh hoạt các phương pháp đánh đón, đánh đuổi, đánh từ bên sườn để đối phó với nhiễu của địch, nâng cao hiệu quả tiêu diệt địch.
Trong chiến đấu, tên lửa phòng thực hiện sơ tán, phân tán ngụy trang, giữ bí mật trong ban ngày, ban đêm lại triển khai chiến đấu, có khi ngay ở trận địa cũ nên tạo được yếu tố bất ngờ.
“Đặc biệt, ta tiến hành nghi binh rất hiệu quả, bằng cách "phóng tên lửa giả", buộc địch phải cơ động, làm đội hình tiến công bị phá vỡ, giảm hiệu quả của nhiễu, ta xác định được chính xác B52 thật để đánh địch, nâng cao hiệu quả chiến đấu”, Trung tướng Vũ Văn Kha cho hay.
Với sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng trong chiến dịch, ta đã đánh tập trung quyết liệt đạt hiệu suất cao ở cả 3 khu vực là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên.
Đêm 26, ngày 27/12/1972, lực lượng phòng không, không quân miền Bắc đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bản rơi 8 máy bay B52 và 10 máy bay chiến thuật khác. Riêng ở Hà Nội, trong hơn 1 giờ, lực lượng tên lửa phòng không bắn rơi 5 chiếc B52, có 4 chiếc rơi tại chỗ.
|
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21/12/1972. (Ảnh: TTXVN). |
Tiếp đó, trong 2 ngày 27 và 28/12/1972, lực lượng không quân cất cánh từ các sân bay vòng ngoài, bất ngờ tiếp cận mục tiêu, tiêu diệt 2 máy bay B52 địch.
Kết quả trong đợt 2 chiến dịch, lực lượng phòng không, ba thứ quân đã bắn rơi 29 máy bay các loại, trong đó có 16 máy bay B52.
Trước những tổn thất nặng nề, ngày 30/12/1972, đế quốc Mỹ buộc phải ngừng chiến dịch tập kích đường không chiến lược. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc, nòng cốt là lực lượng phòng không, không quân đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, 16 chiếc rơi tại chỗ. bắt được nhiều phi công Mỹ, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch "Linebacker II" của địch.
“Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đây là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, biểu hiện cụ thể ở nghệ thuật quân sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đổi không, trong đó, lực lượng phòng không, không quân giữ vai trò nòng cốt”, Trung tướng Vũ Văn Kha nhận định.
Từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, người đứng đầu Quân chủng phòng không – không quân cho rằng, để giữ vững an ninh vùng trời trong tình hình mới, cần có nhiều giải pháp. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân. Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới nhằm bảo đảm khai thác sử dụng hiệu quả tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, khí tài trang bị có trong biên chế, nâng cao khả năng tác chiến.
Mời quý độc giả xem video: Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ về ký ức về trận đánh Điện Biên Phủ trên không. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.