Chủ động phương án tác chiến, đấu trí với kẻ địch mạnh
Đánh giá về chiến thắng Hà Nội – “Điện Biên Phủ trên không”, đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho hay, đặc điểm nổi bật của cuộc đối đầu giữa quân và dân ta với không quân Mỹ tháng 12/1972 là cuộc đấu trí có tính chất, hàm lượng khoa học kỹ thuật với khả năng làm chủ vũ khí, khí tài.
|
Đại tướng Lương Cường: Chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không 1972" thể hiện khí phách bất khuất, là bản hùng ca được viết bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
|
Trong quyết định "dốc túi", đế quốc Mỹ đã tung vào cuộc tập kích đường không chiến lược những phương tiện chiến đầu và vũ khí tối tân, trong đó có máy bay B52, bom điều khiển, máy tạo nhiễu...
Trong khi đó, vũ khí của quân đội ta chỉ ở mức tương đối hiện đại như: máy bay MiG-17, MiG-21, tên lửa SAM-2, pháo phòng không có 100mm, rada P-35.
Tuy nhiên, chúng ta đã chủ động xây dựng phương án tác chiến, sẵn sàng đối phó với phương tiện tối tân nhất của đối phương.
Ngay từ năm 1962, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu lực lượng phòng không "phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52".
Tháng 1/1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Đây là bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tư lệnh Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu về máy bay B52. Các cơ quan tác chiến, quân báo tích cực thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến máy bay B52, nhất là tính năng, tác dụng của “Siêu pháo đài bay".
|
Pháo đài bay" B52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu.
|
Ngay sau khi Mỹ sử dụng máy bay B52 ném bom Bến Cát (18/6/1966), đèo Mụ Gia - Quảng Bình (12/4/1966).... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không Không quân nghiên cứu cách đánh B52.
Việc nghiên cứu cách đánh, xây dựng kế hoạch đánh B52 được triển khai gấp rút và căn bản hoàn thành vào đầu tháng 9/1972. Cẩm nang đỏ “Cách đánh B52" sau nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh, được phổ biến đến từng chiến sĩ trực tiếp chiến đấu của bộ đội tên lửa, rada, không quân, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu của bộ đội.
Bằng tinh thần chủ động, xác định rõ quyết tâm đánh bại âm mưu, thủ đoạn sử dụng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã sẵn sàng bước vào cuộc đối đầu có tính chất quyết định.
10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp chỉ thị cho các sự đoàn 61, 361, 366, 375 và các binh chủng rada, không quân, nhất là hai khu vực trọng điểm Hà Nội và Hải Phòng chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Chiến thuật phù hợp, tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm
Nắm bắt chính xác âm mưu, thủ đoạn, quy mô, cường độ và thời điểm không kích của đế quốc Mỹ, quân và dân Thủ đô đã chủ động thiết lập thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp.
|
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972). Ảnh: TTXVN. |
Đó là thế trận xen kẽ trong chiến đấu, hình thành ba cụm phòng không chiến dịch. Các lực lượng phòng không - không quân đã phân công nhiệm vụ khu vực tác chiến, phân chia độ cao và thời gian chiến đấu chặt chẽ, tạo thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, hiểm hóc, liên hoàn.
Thế trận vừa có chiều sâu, vừa có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động nhịp nhàng, có thể đánh liên tục, từ xa đến gần, ở mọi tầng cao, đánh từ nhiều phía, trực diện, từ phía sau, bên sườn, khiến dịch không thể cơ động phòng tránh.
Sự phân công, hiệp đồng chặt chẽ đó khiến quân địch xâm nhập từ hướng nào, ở độ cao nào, ban ngày hay ban đêm đều bị lưới lửa phòng không chặn đánh.
Cuộc chiến đấu có tính chất sống còn với Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 một lần nữa minh chứng cho trí thông minh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Rada P-35 “vạch nhiễu tìm thù", máy bay tiêm kích MiG bé nhỏ bắn rơi B52, tên lửa SAM-2 và cả khẩu súng trường đều bắn rơi “con ma", thần sấm".
|
Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12-1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Với lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo, quân và dân ta không chỉ phát huy tối đa khả năng của vũ khí, trang bị mà còn phát triển thành nghệ thuật tác chiến phối hợp các loại vũ khí, tạo thành "lưới lửa" phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, vòng trong, vòng ngoài. khiến cho đối phương bất ngờ, khiếp sợ.
“Đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội. Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố cuối năm 1972 là một mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”, đại tướng Lương Cường nhấn mạnh.
Đại tướng Lương Cường cho hay, trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam được thể hiện trong tài thao lược, trong nghệ thuật chiến dịch phòng không, trong việc làm chủ vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, trong sáng tạo cách đánh của từng binh chủng, của từng thử quân, trong việc kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao ở bàn đàm phán Paris.
Đây là một quy luật đặc sắc của chiến tranh cách mạng - một dân tộc nhỏ muốn đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tên đế quốc đầu sỏ phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; biết tổng hợp các nhân tố mưu, kế, thế, thời; biết sử dụng cả ý chí và trí tuệ.
Mời quý độc giả xem video Anh hùng phi công Phạm Tuân kể về ký ức Điện Biên Phủ trên không. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.