Hình bóng của một vị tướng huyền thoại đã đi vào từng trang sách, mỗi cuốn tài liệu đang được trưng bày ở Thư viện Quân đội - nơi mà lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành sự quan tâm đặc biệt.
Từ 500 cuốn sách ở Chiến khu Việt Bắc
Là người yêu thích sách, trong những năm kháng chiến, mặc dù rất bận nhưng Đại tướng vẫn luôn dành thời gian đọc sách và dịch sách. 500 cuốn sách – “vốn” ban đầu của Thư viện Quân đội chính là số sách mà Đại tướng thường sử dụng, đọc, nghiên cứu và gìn giữ tại Chiến khu Việt Bắc rồi sau này giao lại cho Câu lạc bộ quân nhân lưu giữ, bảo quản. Đây là những cuốn sách vô cùng quý giá, được làm từ chất liệu giấy dó, trong đó có cả sách của Bác Hồ viết về chiến tranh du kích, lịch sử Đảng và sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịch từ tiếng Trung Quốc, những số báo Quân đội nhân dân đầu tiên xuất bản ở chiến trường Điện Biên Phủ…
Ngày 15/11/1957, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã ký quyết định thành lập Thư viện Quân đội trên cơ sở tủ sách của Tổng quân ủy, đó chính là tủ sách mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thường xuyên đọc, nghiên cứu và gìn giữ. Những cuốn sách qúy giá đó đã được số hóa để bảo quản lâu dài tại Thư viện. Có thể nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người đặt nền móng cho sự ra đời của Thư viện Quân đội. Đây là niềm vinh dự, tự hào của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Thư viện.
Đến bức thư mang tầm chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Thư viện Quân đội (15/11/1957/15 - 11/1977), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một bức thư tay chúc mừng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Thư viện Quân đội. Bức thư có đoạn: “Thư viện là một công cụ cực kỳ quan trọng để truyền bá tư tưởng, đường lối cũng như khoa học quân sự…Chúng ta cần cố gắng hơn nữa, vươn lên xây dựng Thư viện Quân đội thành một trong những trung tâm khoa học và văn hóa quan trọng của quân đội ta. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Thư viện Quân đội, Quân ủy Trung ương gửi lời khen ngợi đến toàn thể anh chị em cán bộ và nhân viên của Thư viện”.
|
Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thư viện Quân đội nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. |
Bức thư là một trong những kỷ vật vô cùng quý giá đối với Thư viện Quân đội nói riêng và những người làm công tác Thư viện trong toàn quân nói chung, nội hàm bức thư đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng, cách đây gần 50 năm đã thấy được tầm quan trọng, vị trí vai trò của thư viện, của văn hóa đọc trong đời sống xã hội. Đại tướng mong muốn Thư viện Quân đội sẽ phải phát triển thành trung tâm văn hóa và khoa học lớn của Quân đội.
Mỗi lần cơ quan tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ, nhân viên Thư viện Quân đội nhân ngày truyền thống, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Thư viện vẫn thường nhắc lại sự quan tâm của Đại tướng với Thư viện. Đại tá Đỗ Gia Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Quân đội đã chia sẻ với chúng tôi: “Lúc đọc bức thư của Đại tướng trong buổi lễ kỷ niệm mà ai cũng cảm động bởi sự sâu sắc của từng câu chữ trong thư, bởi sự quan tâm của Đại tướng đối với sự nghiệp thư viện”. Bức thư đó là động lực để các cán bộ, nhân viên Thư viện Quân đội phấn đấu hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong toàn quân.
|
Đại tá Đỗ Gia Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Quân đội đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Thư viện Quân đội. |
Tấm chân tình của một vị tướng huyền thoại
Tháng 12/1976 nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Tổng cục Chính trị giao cho Thư viện Quân đội tổ chức triển lãm sách, báo phục vụ đại hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ra tham quan khu vực trưng bày của Thư viện Quân đội. Sau khi xem từng cuốn sách, Đại tướng đã căn dặn, giờ đây chiến tranh đã kết thúc thì không chỉ xây dựng một mình Thư viện Quân đội mà phải xây dựng hệ thống thư viện ở các học viện, nhà trường, các quân, binh chủng để phục vụ cho học tập và đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, để xây dựng quân đội vững mạnh. Có như vậy mới lan tỏa tinh thần đọc sách đến nhiều người, nhiều đối tượng. Lời căn dặn mang tầm tư duy chiến lược của Đại tướng đã chỉ ra đường lối, chủ trương phát triển trong tương lai của Thư viện, đó là điều mà cho đến nay, những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của đơn vị luôn khắc cốt, ghi tâm.
Một lần khác vào năm 2004, nhân Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thư viện Quân đội và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tại Bảo tàng để cán bộ, nhân dân và khách quốc tế đến thăm, cảm nhận rõ hơn về tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lúc đó, ai cũng bất ngờ và cảm động khi thấy Đại tướng đến trước giờ khai mạc. Cùng đi với Đại tướng có vợ và các con, cháu. Với giọng nói, cử chỉ thân thiện, mộc mạc và chân tình, vị tướng của lòng dân đã nói với cán bộ thư viện cũng như Ban tổ chức rằng, hôm nay Đại tướng ra thăm không phải với tư cách lãnh đạo mà với tư cách gia đình. Đến bên các gian trưng bày sách, Đại tướng xem rất kỹ từng cuốn được in ở trong và ngoài nước, đồng thời đánh giá cao việc tổ chức triển lãm này để sách đến gần với độc giả hơn.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm triển lãm sách tại Thư viện Quân đội năm 2004. |
Buổi tham quan triển lãm thấm đẫm tình cảm của một vị tướng huyền thoại đã để lại ấn tượng sâu sắc với những độc giả tham dự triển lãm cũng như cán bộ, nhân viên Thư viện Quân đội khi đó.
Và như lời kể lại của Đại tá Đỗ Gia Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Quân đội: “Khi vừa nhận nhiệm vụ công tác ở Thư viện khi mới hơn 20 tuổi và đeo quân hàm Thiếu úy được cấp trên tin tưởng chọn để tổ chức, sắp xếp lại thư viện gia đình tại tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi quan sát kỹ lưỡng toàn bộ tủ sách của Đại tướng, Thiếu úy Đỗ Gia Nam cẩn thận lau chùi, sắp xếp lại từng cuốn, chia sách theo từng mục, chủ đề... Đến cuối buổi chiều, khi Đại tướng đi làm về, đã ân cần hỏi thăm chàng sĩ quan trẻ và động viên cố gắng phấn đấu để sau này góp phần xây dựng Thư viện Quân đội phát triển thành một thư viện lớn”.
Những cử chỉ, lời nói chân thành của Đại tướng đã khiến cho Thiếu úy Đỗ Gia Nam vô cùng cảm động và đến ngày hôm nay khi đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn không thể nào quên mỗi câu nói, từng cử chỉ và những hình ảnh bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể lại: “Sau khi nói chuyện với tôi thì Đại tướng cùng với cháu ngoại vào đánh đàn piano. Tôi được may mắn thưởng thức tiếng đàn của vị tướng huyền thoại. Hình ảnh dung dị của một vị tướng đã kinh qua trận mạc bên chiếc dương cầm, lướt từng ngón tay trên phím đàn, thả hồn vào từng nốt nhạc khiến tôi vô cùng cảm phục”.
Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng năm xưa, giờ đây Thư viện Quân đội đã không ngừng phát triển, là thư viện khoa học tổng hợp về quân sự cấp nhà nước, đầu ngành của hệ thống thư viện trong quân đội với hơn 400 thư viện các cấp và hơn 1.000 tủ sách phòng Hồ Chí Minh. Thư viện Quân đội đã có nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng về loại hình, với gần 50 vạn bản sách, báo, tạp chí, bằng nhiều hình thức đã phục vụ hàng chục nghìn bạn đọc mỗi năm.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bài viết này như một món quà chúc mừng sinh nhật của toàn thể cán bộ nhân viên Thư viện Quân đội nói riêng và những người làm công tác thư viện trong toàn quân nói chung đối với vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Chúng tôi xin hứa, với sự quan tâm của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc Phòng, với sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thư viện Quân đội sẽ tiếp tục phát triển bền vững, sánh vai với các thư viện trong khu vực, xứng đáng là thư viện đầu ngành của hệ thống thư viện trong quân đội.
Đại tá Trần Thị Bích Huệ, Giám đốc Thư viện Quân đội