Theo sách “Đại Việt thông sử” vào thời Lê, Nguyễn Xí đã chỉ huy một đạo quân là chó săn, có những đóng góp nhất định vào công cuộc đánh giặc cứu nước. Danh tướng Nguyễn Xí quê ở làng Thượng Xá, huyện Châu Phúc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), sinh ra trong một gia đình làm nghề buôn bán muối. Tương truyền cha ông là Nguyễn Hội bị một con cọp đã thành tinh cắp đi vùi xác ở một huyệt đất tốt tại xứ Đồng Lam. Cọp còn cắm cây xung quanh mộ. Hôm sau, người nhà đến tìm được và đem về chôn nơi khác. Nhưng rồi đến đêm hôm sau nữa, con cọp lại tới gầm thét vang khắp núi non, bới tung lên, vất bỏ quan tài, đem xác đến vùi lại chỗ cũ. Bấy giờ, người nhà mới biết là trời ban cho huyệt tốt.
Cũng theo sách trên, tuy còn nhỏ nhưng Nguyễn Xí rất thông minh, nhanh nhẹn, tỏ rõ là người có tài, vì thế Lê Lợi rất quý, giao cho chăm sóc một đàn chó săn lớn. Sách Đại Việt thông sử cho biết: “Vua sai Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp. Trong bước đường chiến chinh, đàn chó của Nguyễn Xí trở thành một đội quân đặc biệt, do được huấn luyện chu đáo, điều khiển bằng tiếng nhạc nên từ ăn, ngủ, tấn công chúng đều theo hiệu lệnh phát ra. Những lúc bị vây hãm tuyệt lương thì đàn chó được lệnh đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn cho nghĩa quân. Khi xung trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất hoảng sợ; tên tướng Minh là Mã Kỳ mỗi khi nghe đến đội quân khuyển của ông lại kinh hãi.
Có lần Nguyễn Xí cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa, khi chó chạy sẽ phát ra tiếng kêu như tiếng đoàn kị mã. Đến đêm, ông dẫn quân đến vây trại giặc Minh rồi cho đánh trống reo hò ầm ĩ, lại xua chó chạy quanh trại. Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, lại thấy tiếng trống thúc, quân reo rất hốt hoảng tưởng bên ta đến cướp trại nhưng không rõ binh lực thế nào nên không dám ra đánh. Chúng đành dùng cung nỏ bắn ra như mưa, một chốc Nguyễn Xí lại cho dừng, bọn giặc thấy yên thì ngừng bắn, ông lại thả chó ra, trống lại đánh, quân lại reo, giặc lại bắn ra. Đến gần sáng, sau khi thu nhặt thì được hàng vạn mũi tên quân ta rút đi, còn bọn giặc cả đêm hoảng loạn, mất ngủ lại tổn thất rất nhiều tên. Nghĩa quân Lam Sơn và dân chúng hết lời ca ngợi Nguyễn Xí, xem việc lập kế lấy tên của giặc không kém gì mưu của Gia Cát Lượng dùng người rơm “mượn tên” của quân Tào trên sông Xích Bích thời Tam Quốc.
Trong 10 năm kháng chiến gian khổ, Nguyễn Xí cùng đàn chó của mình tham gia nhiều trận đánh quan trọng như cuộc vây hãm thành Đông Quan, hạ thành Xương Giang, tiêu diệt và bắt sống gần 10 vạn quân Minh sang tăng viện năm Đinh Mùi (1427)... Khi sự nghiệp kháng chiến thành công, giặc Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế đã phong cho Nguyễn Xí làm Long Hổ tướng quân, Suy trung Bảo chính công thần, tước Huyện hầu, là bậc khai quốc công thần của triều Hậu Lê và được ban quốc tính (họ vua). Ông làm quan trải qua 5 đời vua, công danh tột bậc, được phong làm Nhập nội đô đốc, hàm Thiếu bảo, sau đó là Khai phủ nghi Đồng tam ti, Nhập nội kiểm hiệu, Thái phó Cương quốc công, Nhập nội hữu Tướng quốc... Năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí bị bệnh mất, thọ 68 tuổi, triều đình truy tặng chức Thái sư.
Lời bàn về Nguyễn Xí
Trong sách “Đại Việt thông sử” có đoạn chép lại lời vua Lê đã viết về ông như sau: Khí độ trầm lắng mà hùng mạnh. độ lượng lớn mà cương nghị hơn người. Giúp Cao Hoàng (tức Lê Lợi) mở nước, trải trăm trọn gian nan. Phò Tiên Khảo (tức vua Lê Thái Tông) giữ giang sơn, hết lòng giúp rập. Ra ngoài thì trọn chức tướng võ, vào trong thì vẹn phận tướng văn, nghĩa tôi con thật khó có ai sánh kịp. Khép mình theo đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm nghị ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới luyện. Trăm quan nể trọng phong thái. Bốn biển ngưỡng mộ uy danh... Như vậy, Nguyễn Xí là một trong số rất ít danh tướng và cũng là khai quốc công thần đã phục vụ cho bốn đời vua Lê. Và chỉ với lời trên đây về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Xí cũng đã là quá đủ để hậu thế mãi mãi tôn vinh ông.
Tuy nhiên, đây không phải là điều mà người xưa muốn lưu lại cho hậu thế từ giai thoại này, mà là tiền nhân muốn cho thế hệ hôm nay biết rằng trong lịch sử chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc, tổ tiên xưa đã biết xây dựng riêng cho mình một nghệ thuật chiến tranh đặc biệt. Đó là mỗi khi đất nước có ngoại xâm thì “cuốc cày là vũ khí” và mỗi người dân đều là lính, mỗi làng bản đều là pháo đài đánh giặc. Và không chỉ có vậy, trong suốt chiều dài lịch sử anh dũng tổ tiên ta đã sáng tạo trong việc xây dựng những đội quân kỳ lạ để đánh giặc. Điều này cho thấy rõ sự độc đáo, sức sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam. Và ngày nay, sức sáng tạo ấy đã và đang được thế hệ hôm nay giữ gìn và phát huy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.