Niềm tin hóa giải được điều xấu
Theo TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người ta quan niệm, mỗi một năm con người sẽ ứng với một sao chủ nào đó. Cuộc đời của con người phải trải qua các sao như: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu.
Trong đó, các sao Thái Dương, Thái Âm là những sao tốt. Còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu và cho rằng các sao hạn này sẽ nguy hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh của con người.
Thời gian dâng sao giải hạn được diễn ra từ ngày mùng 10-15 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, người ta thường chọn Rằm tháng Giêng để cúng sao giải hạn, bởi theo họ đó là ngày “linh nghiệm” nhất.
Trước kia, người dân thường dâng sao giải hạn tại nhà, hoặc dâng lễ ra đình, miếu. Nhưng hiện nay, người ta thường tìm đến các ngôi chùa. Vì số lượng người dâng sao giải hạn đông nên nhà chùa phải ghi thành một danh sách để cúng cho một tập thể được ghi rõ họ tên, năm sinh, hạn sao gì và có bài khấn phù hợp ứng với sao chiếu mệnh ấy.
Với quan niệm, dâng sao giải hạn sẽ hóa giải được sao chiếu mệnh xấu, hưởng những điều tốt đẹp, nhiều người đã chọn việc làm này như một điều tất yếu vào dịp đầu năm. Tuy nhiên, gần đây, nó đã bị thương mại hóa.
Lợi dụng tâm lý cả tin của con người, nhiều nhà chùa mở "dịch vụ" cúng sao, với việc niêm yết bảng giá. Có gia đình bỏ ra tiền triệu để cúng sao, với niềm tin sẽ giải được hạn.
Quan trọng là tấm lòng thành khẩn
Từ những thực tế trên, TS Nguyễn Viết Chức nhận định, không phải cứ cúng sao giải hạn sẽ giải được hạn. Mỗi một năm, con người ứng với một sao, nếu năm ấy ứng với ngôi sao tốt thì không phải mọi thứ đều tốt tuyệt đối, kể cả với sao tốt nhất trong một năm thì vẫn có điều không tốt.
"Có người lại quan niệm dùng mâm cao cỗ đầy, nhiều tiền để dâng sao thì sẽ hóa giải được sao chiếu mệnh xấu. Điều này là hoàn toàn sai trái, mê muội. Dùng tiền, dùng mâm cao cỗ đầy để giải hạn mà làm những điều tồi tệ, không trong sáng, gây nghiệp chướng thì không bao giờ giải được hạn" – chuyên gia khẳng định.
|
Nhiều người đến đăng ký dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội). |
Thượng Tọa Thích Hạnh Bình - Giám đốc Trung tâm Phật học Hán truyền - cũng cho rằng: “Mỗi một việc rủi ro xảy ra trong cuộc sống đều có lý do. Tất cả đều nằm trong vòng quay của luật nhân quả.
Bởi vậy, mọi người chỉ cần sống có tấm lòng hướng thiện, làm nhiều việc có phúc đức để đời thì sẽ gặp nhiều may mắn và biến họa thành phúc. Nếu sống không hướng thiện, không tử tế thì có dâng sao giải hạn hoành tráng đến đâu cũng chưa chắc gặp được điều lành”.
Dâng sao giải hạn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân và là một thói quen không dễ từ bỏ. Việc làm này khiến cho người ta cảm thấy an tâm, thanh thản hơn nhưng không có nghĩa con người cho phép bản thân chủ quan, lơ là với mọi việc diễn ra trong cuộc sống.
"Không có một việc làm cúng bái nào có thể hóa giải được những cái xấu, cái ngẫu nhiên xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Chỉ có con người sống tốt, có đạo đức, nhân hậu mới đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống" - Thượng tọa Thích Hạnh Bình cho biết.