Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm mới Âm lịch, hàng vạn người lại đổ về các ngôi chùa Phật giáo để làm lễ dâng sao giải hạn nhằm tránh những tai ương, rủi ro trong năm.
Trong tín ngưỡng dân gian Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, mỗi tuổi trong một năm đều chịu ảnh hưởng của một sao. Có tất cả 9 sao lần lượt là: Kế Đô, La Hầu, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Tinh, Hỏa Tinh, Thủy Tinh, Kim Tinh, Thổ Tinh. 9 sao này cứ luân phiên ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trong từng năm.
Các sao này có tốt có xấu. Sự tốt xấu của nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của đương số. Do đó mới sinh ra việc cắt sao giải hạn để mong làm nhẹ bớt đi những ảnh hưởng xấu khi gặp sao xấu.
Ý nghĩa sao và cách cúng sao giải hạn theo quan niệm dân gian
Sao La Hầu: Vì sao này hung tinh, nam thì ngừa quân sự, rầy rà, nhiều việc ưu sầu, nữ thì hay có việc buồn rầu, đau mắt, sinh sản có bệnh. Sao này phát mạnh vào tháng Giêng tháng 7, kỵ đàn ông nhiều hơn đàn bà. Để giải hạn, mỗi tháng ngày mồng 8 cúng 9 ngọn đèn, 9 chén nước, 3 nén hương, dùng giấy vàng viết bài vị: “Thiên cung Thần Thủ La Hầu tinh quân” và hướng về phương Bắc hành lễ.
|
Tùy theo sao chiếu mạng là gì, khi sửa lễ phải xếp đèn hoặc nến theo hình vẽ trên. Ảnh: Blog Phong Thủy. |
Sao Thổ Tinh (hay còn gọi là Thổ Tú): Là một hung tinh, bị sao này chiếu thì đi đâu cũng không thuận ý, phải đề phòng kẻ tiểu nhân ngăn trở, gia đạo cũng bất an, hay bị mộng mị chiêm bao. Năm có sao Thổ tinh chiếu thì tháng 4 và tháng 8 kỵ, hay có việc lo buồn. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều như thế. Để giải hạn, mỗi tháng vào tối ngày 19 cúng 5 ngọn đèn, 5 chén nước và 3 nén hương, dùng giấy vàng viết bài vị: “Trung ương Mậu Kỷ Thổ Đức tinh quân” và quay về hướng Bắc hành lễ.
Thủy tinh (hay Thủy Diệu): Là sao mang cả cát lẫn hung. Đàn ông trong năm có sao này chiếu thì đi làm ăn khá, đi xa có tài lộc nhưng đàn bà hay tai nạn nhất là nạn sông nước. Kỵ nhất là tháng 4 và tháng 8. Để hóa giải, mỗi tháng vào tối ngày 21 cúng 7 ngọn đèn, 7 chén nước, 3 nén hương, dùng giấy vàng viết bài vị “ Bắc phương Nhâm Quý Thủy Đức tinh quân” và hướng về phương Bắc hành lễ.
Kim Tinh (Thái Bạch): Sao này mang cả cát lẫn hung. Đàn ông thì hay buồn rầu nhưng rồi làm ăn cũng khá vì có quái nhân giúp đỡ. Trái lại đàn bà thì hay đau ốm và vợ chồng hay tranh cạnh. Để hóa giải, mỗi tháng vào tối ngày 15, cúng 8 ngọn đèn cùng 8 chén nước và 3 nén hương, dùng giấy trắng viết bài vị: “Tây phương Canh Tân Kim Đức tinh quân” và hướng về phía Tây hành lễ.
Thái Dương: Sao này có cát có hung. Đàn ông làm ăn sáng suốt, đi xa có tài lộc và được an hưởng còn đàn bà thì làm ăn trắc trở tối tăm. Khi sao này chiếu, vào tháng 6 và tháng 10 hay có tài lộc. Để thu phần cát và giải trừ cái hung của sao Thái Dương, mỗi tháng vào tối ngày mồng 2 nên cúng 12 ngọn đèn, 12 chén nước và 3 nén hương. Bài vị dùng giấy màu vàng viết: “ Nhật cung Thái Dương Thiên Tử tinh quân” và hướng về hướng Đông hành lễ.
Sao Hỏa tinh (Vân Hán): Là một hung tinh. Đàn ông gặp sao Hỏa tinh phải phòng việc thị phi quan sự nên ăn nói phải lựa lời kẻo lôi thôi, đàn bà hay bị đau về máu huyết nên kỵ việc sinh nở. Hạn nặng nhất vào tháng 2 và tháng 8. Để giải trừ, mỗi tháng vào tối 29, cúng 15 ngọn đèn, 15 chén nước, 3 nén hương. Bài vị dùng giấy đỏ viết: “Nam phương Bính Đinh Hỏa Đức tinh quân”, quay về phương Nam hành lễ.
|
Các sao trong Cửu diệu. Ảnh: Blog Phong Thủy. |
Sao Kế Đô: Là hung tinh, đàn ông làm ăn bình thường, đi xa sẽ có tài lợi còn đàn bà hay bị xảy ra việc rầy rà, điều tiếng thị phi. Hạn nặng nhất vào tháng 3 và tháng 9. Để giải trừ, vào tối mồng 1 hàng tháng cúng 20 ngọn đèn, 20 chén nước và 3 nén hương sắp xếp đèn theo như ảnh dưới. Bài vị viết bằng giấy vàng, bài vị viết: “Địa cung Thần Vĩ Kế Đô tinh quân” và quay về hướng Tây hành lễ.
Sao Thái Âm: Đây là sao tốt. Gặp sao này chiếu thì đàn ông làm việc gì cũng vừa ý toại lòng dù là cầu tài lợi hay danh vọng nhưng đàn bà thì thường bị đau ốm chút ít. Khi sao này chiếu, tháng 9 là tháng phát còn tháng 11 thì kỵ. Cũng lưu ý khi sao Thái Âm chiếu mệnh thì đàn bà không nên sanh nở. Để thu cái tốt đẹp, trừ điều tệ hại, mỗi tháng vào tối ngày 26 cúng 7 ngọn đèn, 7 chén nước, 3 nén hương. Bài vị viết trên giấy màu vàng, quay về hướng Tây hành lễ. Trên bài vị viết: “Nguyệt cung Thái Âm Hoàng Hậu tinh quân”.
Sao Mộc Tinh (Mộc Đức): Là sao tốt. Gặp sao này chiếu mệnh thì thuận lợi việc cưới gả cũng như cầu tài lợi. Tuy nhiên, đàn ông sẽ hay bị đau mắt, đàn bà hay bị đau ốm về máu huyết. Tháng Chạp là tháng sẽ phát tài lợi khi gặp sao Mộc tinh chiếu mệnh. Để giải trừ bớt điều tệ hại, mỗi tháng vào tối ngày 25 cúng 20 ngọn đèn, 20 chén nước và 3 nén hương. Bài vị dùng giấy màu xanh, viết: “Đông phương Giáp Ất Mộc Đức tinh quân”, quay về hướng Đông hành lễ.
Trên đây là những lý giải về các sao chiếu mệnh và cách dâng sao giải hạn theo quan niệm dân gian được lưu truyền bao đời nay. Tuy nhiên, dâng sao có thực sự giải được hạn không? Quan điểm của đạo Phật về vấn đề này như thế nào?
Dâng sao có giải được hạn không?
Những người đăng ký dâng sao giải hạn tin rằng cúng dâng sao có thể giúp con người giải vận hạn khi tuổi của họ bị sao xấu chiếu mệnh. Tuy nhiên, dựa trên góc nhìn của đạo Phật, cách suy nghĩ này hoàn toàn mang tính chất mê tín dị đoan.
Trong một bài viết trên báo Vietnamnet, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (Trụ trì Chùa Quán Sứ - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, lễ dâng sao giải hạn không thuộc về Phật giáo mà có nguồn gốc từ tục lệ thời xưa ở Trung Quốc. Khi đó, con người tính tuổi ra các sao hạn sao nhẹ để rồi mới có những lễ này. Rồi thời nay nhiều người theo các cách tính sao đó đến chùa nhờ các thầy trong chùa làm sớ để giải hạn.
“Việc cúng sao giải hạn, giải sao vào mỗi tháng chỉ nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo Nhân – Quả cho mình mà buổi lễ mỗi tháng như một dịp nhắc nhở mà thôi. Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may. Tôi thấy nhiều người đến giải hạn giải sao mà dùng cả hình nhân thế mạng, rồi hóa gây ô nhiễm và lãng phí. Nếu làm như vậy mà tránh được thì ai cứ có tiền để mua những thứ đó mà đốt sẽ tránh được hết mà không cần phải tích đức hay sao?”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chia sẻ.
|
Cách cúng dâng sao giải hạn đầu năm. Ảnh: Lao Động. |
Cũng như Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, và Phật giáo không khuyến khích việc này.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh, việc dâng sao giải hạn về thực chất chỉ là sự cầu an chứ không có khả năng loại bỏ tai ương, và nhà chùa chỉ là phương tiện giải tỏa tâm lý, cho họ bớt lo lắng.
Thượng tọa nói: "Hiện nay việc dâng sao giải hạn có xuất hiện ở một số chùa, ta dễ dàng nhận thấy một vấn đề trong tâm lý người dân, đó là hiệu ứng đám đông. Người nọ truyền tai người kia, kháo nhau đi giải hạn ở chùa này, chùa kia rồi đổ xô tìm đến đó mà không hiểu bản chất thực sự là gì. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian.
Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn chứ không phải làm lễ để bài trừ được tai họa như nhiều người lầm tưởng".
Làm thế nào mới giải được hạn?
Phủ nhận khả năng “giải hạn” bằng nghi lễ dâng sao, quan điểm của Phật giáo cho rằng những điều tốt lành hoặc tai ương đến với mỗi người đều chịu sự chi phối của luật nhân quả - nghiệp báo. Đây là một quy luật phù hợp với tư duy khoa học, đã được người Việt đúc kết qua một câu nói ngắn gọn: “Ở hiền gặp lành”.
Nói cách khác, không phải một thể lực siêu nhiên nào mà chính hành vi ứng xử của mỗi người trong cuộc sống sẽ quyết định việc người đó có “gặp hạn” hay không, và làm nhiều điều thiện là cách thích đáng nhất để “giải hạn”.
|
Dựa trên luật nhân quả của giáo lý nhà Phật, làm nhiều điều thiện là cách thích đáng nhất để “giải hạn”. Ảnh: HTTL. |
Đề cập cụ thể về vấn đề này, trên tạp chí Giác Ngộ, Đại đức Thích Lệ Tâm (Phó Ban trị sự Phật giáo huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ:
“Những người yêu mến đạo Phật trong dịp đầu xuân nên phát tâm quy y Tam bảo, lễ Phật sám hối, tụng kinh trì chú, siêng năng học kinh đọc sách thánh hiền, công phu công quả vun bồi phước đức, làm lành lánh dữ, ấn tống kinh sách, phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo, giúp đỡ người nghèo, thương già giúp trẻ, ôn hòa nhẫn nhịn, siêng năng lao động và sản xuất trong cuộc sống, biết tin và biết sợ nhân quả, am tường và luôn thực hiện tốt những oai nghi tế hạnh, những bài học ban đầu dành cho người Phật tử tại gia…
Được vậy, chắc chắn sẽ tăng trưởng phước đức, mọi tai ương, tật ách sẽ được tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, gia đạo bình an, thân tâm an lạc, đó là những việc làm thực tế, đúng tinh thân nhân-quả thay vì chỉ có đến chùa cầu nguyện (tôn vinh cho chủ nghĩa cực đoan hình thức xin cho) xa rời Chánh pháp...”.
Đại đức Đại đức Thích Huệ Nghiêm (Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự Phật giáo quận 9, TP HCM) đúc kết: “Giáo lý đức Phật dạy mình tạo nghiệp và cũng chính mình phải tự giải nghiệp, không nên mê tín, tin vào tà thuyết ngoại đạo, tha lực siêu nhiên...
Còn việc đi chùa lễ Phật đầu năm thì tâm phải cung kính Tam bảo, miệng phải hòa nhã, lịch thiệp hoan hỷ vui tươi, thân phải trang nghiêm tề chỉnh, áo quần lịch sự theo đúng phong cách của người Phật tử khi đi chùa, lễ hội... Có như vậy thì chúng ta mới hưởng được một mùa xuân vui tươi và ý nghĩa theo đúng tinh thần của đạo Phật”.