Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm mới Âm lịch, hàng vạn người lại đổ về các ngôi chùa Phật giáo để làm lễ dâng sao giải hạn nhằm tránh những tai ương, rủi ro trong năm. Điều này thường dẫn đến tình trạng tắc đường, chen lấn xô đầy cùng nhiều nguy cơ khác về trật tự trị an.
Nhưng dâng sao có thực sự giải được hạn không? Quan điểm của đạo Phật về vấn đề này như thế nào?
|
Biển người chen lấn ra đường dự lễ cúng sao giải hạn chùa Phúc Khánh. Ảnh: VTC. |
Dâng sao có giải được hạn không?
Những người đăng ký dâng sao giải hạn tin rằng cúng dâng sao có thể giúp con người giải vận hạn khi tuổi của họ bị sao xấu chiếu mệnh. Tuy nhiên, dựa trên góc nhìn của đạo Phật, cách suy nghĩ này hoàn toàn mang tính chất mê tín dị đoan.
Trong một bài viết trên báo Vietnamnet, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (Trụ trì Chùa Quán Sứ - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, lễ dâng sao giải hạn không thuộc về Phật giáo mà có nguồn gốc từ tục lệ thời xưa ở Trung Quốc. Khi đó, con người tính tuổi ra các sao hạn sao nhẹ để rồi mới có những lễ này. Rồi thời nay nhiều người theo các cách tính sao đó đến chùa nhờ các thầy trong chùa làm sớ để giải hạn.
“Việc cúng sao giải hạn, giải sao vào mỗi tháng chỉ nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo Nhân – Quả cho mình mà buổi lễ mỗi tháng như một dịp nhắc nhở mà thôi. Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may. Tôi thấy nhiều người đến giải hạn giải sao mà dùng cả hình nhân thế mạng, rồi hóa gây ô nhiễm và lãng phí. Nếu làm như vậy mà tránh được thì ai cứ có tiền để mua những thứ đó mà đốt sẽ tránh được hết mà không cần phải tích đức hay sao?”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chia sẻ.
|
Cách cúng dâng sao giải hạn đầu năm. Ảnh: Lao Động. |
Cũng như Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, và Phật giáo không khuyến khích việc này.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh, việc dâng sao giải hạn về thực chất chỉ là sự cầu an chứ không có khả năng loại bỏ tai ương, và nhà chùa chỉ là phương tiện giải tỏa tâm lý, cho họ bớt lo lắng.
Thượng tọa nói: "Hiện nay việc dâng sao giải hạn có xuất hiện ở một số chùa, ta dễ dàng nhận thấy một vấn đề trong tâm lý người dân, đó là hiệu ứng đám đông. Người nọ truyền tai người kia, kháo nhau đi giải hạn ở chùa này, chùa kia rồi đổ xô tìm đến đó mà không hiểu bản chất thực sự là gì. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian.
Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn chứ không phải làm lễ để bài trừ được tai họa như nhiều người lầm tưởng".
Làm thế nào mới giải được hạn?
Phủ nhận khả năng “giải hạn” bằng nghi lễ dâng sao, quan điểm của Phật giáo cho rằng những điều tốt lành hoặc tai ương đến với mỗi người đều chịu sự chi phối của luật nhân quả - nghiệp báo. Đây là một quy luật phù hợp với tư duy khoa học, đã được người Việt đúc kết qua một câu nói ngắn gọn: “Ở hiền gặp lành”.
Nói cách khác, không phải một thể lực siêu nhiên nào mà chính hành vi ứng xử của mỗi người trong cuộc sống sẽ quyết định việc người đó có “gặp hạn” hay không, và làm nhiều điều thiện là cách thích đáng nhất để “giải hạn”.
|
Dựa trên luật nhân quả của giáo lý nhà Phật, làm nhiều điều thiện là cách thích đáng nhất để “giải hạn”. Ảnh: HTTL. |
Đề cập cụ thể về vấn đề này, trên tạp chí Giác Ngộ, Đại đức Thích Lệ Tâm (Phó Ban trị sự Phật giáo huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ:
“Những người yêu mến đạo Phật trong dịp đầu xuân nên phát tâm quy y Tam bảo, lễ Phật sám hối, tụng kinh trì chú, siêng năng học kinh đọc sách thánh hiền, công phu công quả vun bồi phước đức, làm lành lánh dữ, ấn tống kinh sách, phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo, giúp đỡ người nghèo, thương già giúp trẻ, ôn hòa nhẫn nhịn, siêng năng lao động và sản xuất trong cuộc sống, biết tin và biết sợ nhân quả, am tường và luôn thực hiện tốt những oai nghi tế hạnh, những bài học ban đầu dành cho người Phật tử tại gia…
Được vậy, chắc chắn sẽ tăng trưởng phước đức, mọi tai ương, tật ách sẽ được tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, gia đạo bình an, thân tâm an lạc, đó là những việc làm thực tế, đúng tinh thân nhân-quả thay vì chỉ có đến chùa cầu nguyện (tôn vinh cho chủ nghĩa cực đoan hình thức xin cho) xa rời Chánh pháp...”.
Đại đức Đại đức Thích Huệ Nghiêm (Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự Phật giáo quận 9, TP HCM) đúc kết: “Giáo lý đức Phật dạy mình tạo nghiệp và cũng chính mình phải tự giải nghiệp, không nên mê tín, tin vào tà thuyết ngoại đạo, tha lực siêu nhiên...
Còn việc đi chùa lễ Phật đầu năm thì tâm phải cung kính Tam bảo, miệng phải hòa nhã, lịch thiệp hoan hỷ vui tươi, thân phải trang nghiêm tề chỉnh, áo quần lịch sự theo đúng phong cách của người Phật tử khi đi chùa, lễ hội... Có như vậy thì chúng ta mới hưởng được một mùa xuân vui tươi và ý nghĩa theo đúng tinh thần của đạo Phật”.