Khác với các kim tự tháp Ai Cập, công trình được gọi là "Kim tự tháp Mặt Trăng" ở thành phố cổ Teōtīhuacān không đơn giản là một mộ phần, theo nghiên cứu mới vừa đượcHeritage Dailytrích dẫn.
Kim tự tháp Mặt Trăng được xây dựng trong giai đoạn II (năm 100 - 350 sau Công nguyên) của thành đô Teōtīhuacān, với sự bùng nổ về mặt dân số và một loạt công trình nổi bật.
Kim tự tháp Mặt Trời, đại lộ Người Chết, đền thờ Quetzalcoatl... cũng được xây dựng trong thời điểm này. Qua hơn 1.900 năm, tất cả vẫn sừng sững giữa thành phố cổ.
|
Kim tự tháp Mặt Trăng ở Teōtīhuacān - Ảnh: HERITAGE DAILY
|
Một nghiên cứu mới của Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH) hợp tác với Đại học Tepeyac và Trường Nhân chủng học và lịch sử Quốc gia (ENAH) đã phát hiện ra một bí mật mới của Kim tự tháp Mặt Trăng: Nó đánh dấu trục định hướng thiên văn của Teōtīhuacān.
Các đỉnh của kim tự tháp được căn chỉnh theo hướng Đông Bắc với thời điểm Mặt Trời mọc vào ngày Hạ chí và theo hướng Tây Nam với thời điểm Mặt Trời lặn vào ngày Đông chí.
Vào ngày dài nhất trong năm (Hạ chí), từ đỉnh Kim tự tháp Mặt trăng, Mặt Trời sẽ hiện ra lúc bình minh trên núi lửa Xihuingo, từ lâu được biết đến là một đài quan sát để hiệu chỉnh lịch.
Thể tích của công trình này cũng phù hợp với một số tỉ lệ trong vũ trụ học, trong khi mặt tiền của nó kết hợp với mặt tiền một số tòa nhà khác tạo ra hình ảnh của một trục dọc.
Bố cục của cả vùng đô thị này cũng cho thấy sự tương ứng với một số tiêu chí thiên văn, cho thấy ngoài Kim tự tháp Mặt Trăng, một số công trình khác có thể cũng là một phần của đài thiên văn dạng mạng lưới lớn.
Phát hiện này góp thêm vào chuỗi bằng chứng cho thấy những người Toltec - chủ nhân thành phố cổ Teōtīhuacān - đã có một nền văn minh đáng kinh ngạc như thế nào.
Trước đó, vào năm 2018, một cuộc khảo sát khác của INAH đã phát hiện thêm một khoang ngầm bí mật bên dưới Kim tự tháp Mặt Trăng, chứa hài cốt của những người có hộp sọ bị biến dạng.
Điều này có thể tượng trưng cho một nghi lễ cổ đại tàn khốc mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ.